Theo Chi cục Chăn nuôi và Thú y Thanh Hoá, toàn tỉnh có tổng đàn gia súc, gia cầm lớn, trong đó đàn lợn là 1,3 triệu con; đàn gia cầm 26,5 triệu con; đàn bò 265.000 con; đàn trâu 170.000 con. Tuy nhiên hình thức chăn nuôi theo quy mô nông hộ nhỏ lẻ vẫn còn chiếm đa số (trong đó toàn tỉnh có 72 doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực chăn nuôi quy mô lớn, còn lại hơn 1.000 trang trại và hơn 739.000 hộ chăn nuôi).
Do tổng đàn lớn, nên áp lực phòng chống dịch bệnh trên gia súc, gia cầm là không nhỏ. Mặt khác, tại Thanh Hóa vẫn còn nhiều cơ sở chăn nuôi nhỏ lẻ, chưa đảm bảo an toàn sinh học, an toàn dịch bệnh, công tác kiểm soát vận chuyển, buôn bán lợn, nhằm ngăn chặn dịch bệnh xâm nhập, lây lan gặp nhiều khó khăn.
Dù nhiều năm nay, Thanh Hóa không xuất hiện dịch bệnh nguy hiểm trên đàn gia súc, gia cầm, thế nhưng theo ông Mai Thế Sang, Phó Chi cục trưởng Chi cục Chăn nuôi và Thú y Thanh Hóa, ngành chăn nuôi không được chủ quan trước những thành quả đã đạt được.
Cũng theo ông Sang, trước nguy cơ dịch bệnh có thể phát sinh và diễn biến phức tạp, Chi cục Chăn nuôi và Thú y đã tham mưu cho Sở NN-PTNT, UBND tỉnh Thanh Hóa ban hành kế hoạch phòng chống dịch bệnh cho cả giai đoạn và hằng năm đối với đàn vật nuôi.
Đặc biệt, trong những năm vừa qua, tỉnh Thanh Hóa đã thực hiện tốt công tác tiêm phòng, đồng thời xem đây là nhiệm vụ thường xuyên, bắt buộc và có giám sát, đánh giá chất lượng, hiệu quả tiêm vacxin.
“Khác với nhiều địa phương, tỉnh Thanh Hóa đã thực hiện công tác tiêm phòng với cách làm sáng tạo (tiêm cuốn chiếu, tổng thể, triệt để) trong bối cảnh nguồn nhân lực có hạn. Tổ chức tập huấn, nâng cao chuyên môn nghiệp vụ về tiêm phòng cho cán bộ thú y tại 27 huyện, thị xã, thành phố theo hình thức “cầm tay chỉ việc”, ông Sang cho hay.
Cũng theo Chi cục Chăn nuôi và Thú y, Thanh Hóa là tỉnh luôn ở tốp đầu cả nước trong việc triển khai, thực hiện công tác tiêm phòng vacxin và có tỷ lệ tiêm cao, hoàn thành đúng kế hoạch. Từ ngày 1/9, các địa phương trên địa bàn tỉnh đồng loạt triển khai tiêm phòng các loại vacxin bắt buộc đợt 2, với yêu cầu tỷ lệ tiêm đạt trên 90% diện tiêm trở lên với các huyện đồng bằng và 80% trở lên với các huyện trung du, miền núi.
Để 100% gia súc, gia cầm thuộc diện tiêm được tiêm vắc xin phòng bệnh, Chi cục Chăn nuôi và Thú y Thanh Hóa đã chuẩn bị đầy đủ vacxin, vật tư, dụng cụ để cung ứng và tổ chức kiểm tra, đôn đốc, hướng dẫn công tác tiêm phòng tại các huyện, thị xã, thành phố. Các huyện miền núi gồm: Mường Lát, Quan Sơn, Quan Hóa, Bá Thước, Thường Xuân, Lang Chánh và Như Xuân đã được UBND tỉnh phê duyệt kinh phí hỗ trợ vắc xin đợt 2 năm 2024.
Theo đânh giá của cơ quan chuyên môn, công tác tiêm phòng vacxin gia súc, gia cầm đợt 2 năm 2024 là tiền đề để ổn định sản xuất, tạo ra sản phẩm chăn nuôi cung ứng vào thị trường cuối năm, nhất là dịp Tết Nguyên đán. Vì vậy, để hoàn thành 100% kế hoạch, Sở NN-PTNT đã cầu các huyện, thị xã, thành phố tăng cường tuyên truyền về lợi ích của việc tiêm phòng đối với dịch bệnh trên đàn vật nuôi và kế hoạch tiêm phòng đến các hộ chăn nuôi.
Bên cạnh đó, ngoài các đợt tiêm phòng chính, thực hiện tiêm phòng bổ sung liên tục và số vật nuôi thuộc diện tiêm mới phát sinh, đến tuổi tiêm, các địa phương cần bám sát địa bàn, đôn đốc, đẩy nhanh tiến độ tiêm phòng vacxin, cân đối nguồn ngân sách, chuẩn bị đầy đủ phương tiện, dụng cụ, vật tư, hóa chất phục vụ công tác tiêm phòng…
Ngoài ra, để thực hiện tốt công tác phòng chống dịch, góp phần ổn định và phát triển đàn vật nuôi, tỉnh Thanh Hóa đã cấp hóa chất, vật tư phòng chống dịch cho các địa phương bằng nguồn ngân sách tỉnh. Bên cạnh đó, trong thời gian qua, các địa phương đã thực hiện tốt việc phát triển tổng đàn, xử lý vấn đề môi trường trong chăn nuôi, phối hợp, tổ chức giám sát và phòng chống dịch bệnh hiệu quả. Đây là yếu tố quan trọng giúp Thanh Hóa giữ vững, phát huy thành quả trong chăn nuôi trong thời gian qua.
Nguồn: nongnghiep.vn