Hội nghị có sự tham gia của gần 130 đại biểu đến từ 24 Sở NN-PTNT các tỉnh khu vực ĐBSCL, Nam Bộ, Tây Nguyên; các hiệp hội ngành hàng, doanh nghiệp trong lĩnh vực NN-PTNT, công nghệ thông tin.
Hiện nay, chuyển đổi số đã và đang trở thành chiến lược then chốt, mở ra cơ hội xây dựng mô hình nông nghiệp thông minh, bền vững và hiệu quả hơn, đảm bảo vị thế của nông nghiệp Việt Nam trên bản đồ thế giới.
Theo ông Đặng Duy Hiển, Phó Giám đốc Trung tâm Chuyển đổi số và Thống kê nông nghiệp (Bộ NN-PTNT), chưa bao giờ chuyển đổi số lại lan tỏa rộng và đem lại hiệu quả như hiện nay ở một số lĩnh vực như quản lý rừng, thủy lợi, phòng chống thiên tai…
“Chuyển đổi số mang lại hiệu quả rất lớn trong sản xuất, điều hành, nâng cao năng suất, minh bạch chất lượng, nhất là trong bối cảnh nông sản Việt Nam đang hướng đến xuất khẩu vào những thị trường khó tính nhất với sự cạnh tranh từ thị trường.
Bên cạnh đó, chúng ta đang đối mặt với nhiều tác động từ biến đổi khí hậu, xu thế tiêu dùng… buộc phải thay đổi để nhập cuộc trong khu vực và thế giới”, ông Đặng Duy Hiển nói và cho biết, năm 2024 là năm thúc đẩy chuyển đổi các nền kinh tế, trong đó ngành nông nghiệp đã tiên phong áp dụng chuyển đổi số trong lĩnh vực nông nghiệp.
Để thúc đẩy chuyển đổi số, theo ông Đặng Duy Hiển, ngành nông nghiệp phải đi theo hướng mới, áp dụng mạnh mẽ các giải pháp công nghệ, phổ biến các nền tảng IOT để thu thập, làm sạch và khai thác, sử dụng các yếu tố trong tất cả các chuỗi giá trị ngành hàng nông nghiệp, từ khâu làm đất đến khâu gieo trồng, chăm bón, thu hoạch, chế biến, tiêu thụ sản phẩm. Đặc biệt là đáp ứng các tiêu chuẩn, quy chuẩn, yêu cầu khắt khe của các nước nhập khẩu.
Tại hội nghị, các đại biểu đã thảo luận sâu về những thách thức hiện tại và đề xuất giải pháp nhằm thúc đẩy quá trình số hóa trong lĩnh vực NN-PTNT. Qua đó, giúp các cơ quan, địa phương, hiệp hội ngành hàng, doanh nghiệp, hợp tác xã hoạt động trong lĩnh vực NN-PTNT tại khu vực ĐBSCL và Nam bộ hiểu sâu hơn về chuyển đổi số trong lĩnh vực nông nghiệp, lan tỏa những công nghệ số trong lĩnh vực NN-PTNT.
Các đại biểu, chuyên gia cũng đánh giá thực trạng và các điểm nghẽn trong quá trình số hóa và ứng dụng công nghệ số trong lĩnh vực nông nghiệp, cũng như chia sẻ kinh nghiệm, mô hình thực tiễn và đề xuất các giải pháp chuyển đổi số, thúc đẩy được ứng dụng công nghệ, chuyển đổi số trong nông nghiệp…
Trong khuôn khổ hội nghị, hệ thống giám sát sản xuất lúa RiceMore đã được ra mắt. Hệ thống này được phát triển thông qua sự hợp tác giữa Cục Trồng trọt, Trung tâm Chuyển đổi số và Thống kê nông nghiệp cùng Viện Nghiên cứu lúa Quốc tế.
RiceMore giúp nâng cao khả năng theo dõi, quản lý và chỉ đạo sản xuất lúa một cách hiệu quả. Đây không chỉ là công cụ đột phá trong quản lý quy trình sản xuất mà còn là bước tiến quan trọng hướng tới nền nông nghiệp hiện đại và bền vững.
Nguồn: nongnghiep.vn