Hội thảo, do Bộ NN-PTNT phối hợp với Hiệp hội ngành hàng Lúa gạo Việt Nam (VIETRISA) và Viện nghiên cứu Lúa gạo Quốc tế (IRRI) đồng tổ chức, nhằm trao đổi kinh nghiệm thực tiễn cũng như đề ra những khuyến nghị về mở rộng quy mô ngành lúa gạo phát thải thấp.
Đồng thời, tìm kiếm các giải pháp cải thiện khả năng tiếp cận tài chính cho các bên liên quan trong chuỗi giá trị lúa gạo, cũng như tìm hiểu các nhu cầu, phương thức hình thành thị trường tín chỉ carbon cho ngành lúa gạo còn rất mới mẻ và nhiều khó khăn thách thức.
Vụ trưởng Vụ Hợp tác quốc tế (Bộ NN-PTNT) Nguyễn Đỗ Anh Tuấn, ông Bùi Bá Bổng – Chủ tịch Hiệp hội ngành hàng Lúa gạo và Chủ tịch HĐQT Viện Nghiên cứu Lúa gạo Quốc tế (IRRI) Cao Đức Phát chủ trì hội thảo tham vấn với sự tham gia của đại diện các Bộ, ngành liên quan, các tổ chức tài chính, doanh nghiệp tư nhân và tổ chức quốc tế.
Phát biểu khai mạc, ông Nguyễn Đỗ Anh Tuấn nhấn mạnh, lúa gạo là ngành sản xuất truyền thống và quan trọng của Việt Nam, tạo ra sinh kế cho hàng chục triệu nông dân trên cả nước. Việt Nam có lợi thế cạnh tranh mạnh về xuất khẩu lúa gạo. Nhất là trong bối cảnh biến động của thị trường thế giới, thị hiếu người tiêu dùng và biến đổi khí hậu, ngành lúa gạo Việt Nam vẫn đang duy trì tốt sản xuất và xuất khẩu bền vững.
Tuy nhiên, hiện xu hướng tiêu dùng xanh đang được phổ biến trên nhiều quốc gia, với nhu cầu về sản phẩm xanh nên các quốc gia cũng đưa ra hàng loạt chính sách mới để hướng tới sản xuất xanh, với các tiêu chuẩn về môi trường, carbon cho các sản phẩm xuất nhập khẩu. Nếu chúng ta vẫn tiếp tục làm theo cách truyền thống thì sẽ bị tụt hậu và ảnh hưởng tới sinh kế của hàng triệu hộ nông dân vùng ĐBSCL.
Đề án một triệu ha lúa chất lượng cao, phát thải thấp có ý nghĩa quan trọng đối với ngành nông nghiệp, nền kinh tế và các mục tiêu thích ứng và giảm thiểu các tác động của biến đổi khí hậu tại Việt Nam. “Hướng tới mục tiêu giảm thiểu lượng phát thải khí nhà kính, chúng ta cần hiểu đúng và đánh giá được những thay đổi này sẽ có tác động thế nào đến các doanh nghiệp, tổ chức tài chính và nông dân là những đối tượng chịu ảnh hưởng trực tiếp với những thay đổi này”, ông Nguyễn Đỗ Anh Tuấn chia sẻ.
Theo ông Tuấn, việc tiếp cận tài chính thông qua chuỗi giá trị lúa gạo để có thể mang lại lợi ích cho nông dân và các tổ chức nông dân đòi hỏi sự tham gia của các tổ chức tài chính cũng như các sản phẩm, công cụ tài chính nhằm đánh giá đúng các rủi ro tiềm ẩn.
Hội thảo kéo dài 2 ngày tạo ra không gian mở để trao đổi những kinh nghiệm nhằm xác định các thách thức chính trong việc tiếp cận và cung cấp tài chính cho sản xuất lúa phát thải thấp. Với những phân tích từ các mô hình thí điểm và kinh nghiệm thực tế của các dự án lúa phát thải thấp, các bên liên quan đã cân nhắc tiềm năng để có thể nhân rộng những mô hình thành công.
Bên cạnh đó, những chia sẻ sâu sắc từ góc nhìn khu vực của đại diện Ngân hàng Nông nghiệp và Hợp tác Nông nghiệp Thái Lan cũng như Hiệp hội Tín dụng Nông nghiệp và Nông thôn Châu Á Thái Bình Dương (APRACA) đã làm rõ hơn về xu hướng và kế hoạch hành động nhằm tạo điều kiện thuận lợi nhất cho chuyển đổi nông nghiệp phát thải thấp nói chung và lúa gạo nói riêng.
Tại ngày họp thứ 2, các phiên thảo luận tiếp tục đi sâu vào các công cụ tài chính và thách thức trong việc đánh giá và quản lý những rủi ro tài chính đến từ biến đổi khí hậu và trong chuỗi sản xuất lúa phát thải thấp.
“Nhờ sự tham gia tích cực của hơn 70 đại biểu tham dự trực tiếp và nhiều đại biểu dự trực tuyến, hội thảo tham vấn đã đưa ra các khuyến nghị nhằm mở rộng quy mô sản xuất lúa phát thải thấp tại Việt Nam và khu vực thông qua việc hỗ trợ tiếp cận tài chính dễ dàng hơn”, ông Lê Thanh Tùng, Phó Chủ tịch thường trực Hiệp hội Ngành hàng Lúa gạo Việt Nam cho biết.
Nguồn: nongnghiep.vn