Nhận diện những khó khăn trong quá trình hợp tác giao thương giữa TP Cần Thơ với các tỉnh, thành thời gian qua, ông Nguyễn Tấn Nhơn, Phó Giám đốc Sở NN-PTNT TP Cần Thơ chỉ ra nguyên nhân khách quan do trở ngại về khoảng cách địa lý. Đặc biệt, với nhóm hàng thực phẩm, thời gian vận chuyển và phương pháp bảo quản còn hạn chế, dẫn đến xu hướng liên kết theo vùng miền vẫn là chủ yếu.
Ngoài ra, việc nhận diện, truy xuất và nâng cấp chuỗi cung ứng cũng gặp nhiều thách thức do quy mô sản xuất nông, lâm, thủy sản ở ĐBSCL chủ yếu nhỏ lẻ. Các hợp đồng liên kết, mua bán chưa ổn định, không mang tính ràng buộc và thiếu các chuỗi giá trị đặc trưng.
Từ thực trạng trên, lãnh đạo một số địa phương đề xuất thành lập một sàn thương mại điện tử mang tên Mekong Delta, nhằm quảng bá và giới thiệu sản phẩm nông lâm thủy sản của TP Cần Thơ và các tỉnh ĐBSCL.
Ông Võ Chí Thắng, Phó Giám đốc Sở NN-PTNT tỉnh Hậu Giang khuyến nghị, sàn thương mại điện tử Mekong Delta nên ưu tiên giới thiệu, bán các sản phẩm được chứng nhận OCOP của các địa phương. Điều này sẽ giúp khách hàng và du khách dễ dàng tìm kiếm sản phẩm đặc trưng của vùng mà không cần tiếp cận nhiều kênh khác nhau.
Đồng tình với quan điểm này, bà Đinh Thị Phương Khanh, Phó Giám đốc Sở NN-PTNT tỉnh Long An gợi ý, các tỉnh, thành trong vùng ĐBSCL cùng nhau phối hợp xây dựng cơ sở dữ liệu truy xuất nguồn gốc các sản phẩm và kết nối các tuyến du lịch để tiêu thụ sản phẩm từ các địa phương ngay tại TP Cần Thơ.
Ngoài ra, bà Khanh đề xuất TP Cần Thơ phổ biến sàn thương mại điện tử của thành phố để hỗ trợ các địa phương đăng tải và giới thiệu sản phẩm.
Ông Ngô Hồng Phong, Cục trưởng Cục Chất lượng, Chế biến và Phát triển thị trường (Bộ NN-PTNT) đánh giá, sự phối hợp triển khai công tác đảm bảo an toàn thực phẩm, nâng cao chất lượng nông, lâm, thủy sản giữa TP Cần Thơ với các địa phương khác đã góp phần thúc đẩy hợp tác liên kết sản xuất, thúc đẩy giao thương. Từ đó góp phần nâng cao chất lượng, đảm bảo an toàn thực phẩm cũng như đáp ứng tốt nhu cầu của thị trường trong nước và ngoài nước.
Ông Phong cũng đề nghị các địa phương đánh giá những điểm sáng, mô hình có hiệu quả thời gian qua và bàn giải pháp khắc phục những hạn chế còn tồn tại trong chuỗi giá trị cung ứng ngành hàng; xây dựng nhãn hiệu, thương hiệu và xúc tiến quảng bá, giới thiệu sản phẩm…
Từ năm 2022 đến nay, TP Cần Thơ đã ký kết giao thương với 17 địa phương, xây dựng thành công 129 chuỗi sản phẩm. Chủ yếu là nhóm sản phẩm rau củ quả tươi và nông, thủy sản. Trong đó, có 39 chuỗi sản phẩm đạt chuẩn quốc tế HACCP, ISO và đạt chứng nhận OCOP của địa phương.
Ngoài ra, dẫn số liệu báo cáo các tỉnh, thành phố, hiện có 2.502 sản phẩm đã được công nhận OCOP có nhu cầu giao thương kết nối với TP Cần Thơ. Đây là một trong những nguồn lực to lớn, tiền để quan trọng để thúc đẩy giao thương, kết nối sản phẩm nông lâm thủy sản.
Thực hiện Quyết định số 3075/QĐ-BNN-QLCL của Bộ NN-PTNT, TP Cần Thơ đã xác nhận và duy trì 116 chuỗi cung ứng thực phẩm nông, lâm, thủy sản an toàn và xác nhận cho 312 sản phẩm.
Trong đó, có 24 chuỗi sản phẩm nông, lâm, thủy sản giao thương với các tỉnh, thành phố khác; 8 chuỗi an toàn thực phẩm đạt chuẩn mực quốc tế đã, đang và có khả năng xuất khẩu đến nhiều quốc gia trên thế giới như Nhật Bản, Hàn Quốc, châu Âu, Hoa Kỳ, Canada, Australia, Israel…
Nguồn: nongnghiep.vn