Phải có “giấy thông hành”
Tính tới thời điểm T., một trùm buôn lậu tại Lộc Ninh (Bình Phước) sẵn sàng chốt đơn, đến nay đã gần 1 tuần trôi qua, phóng viên thông qua nhiều hình thức làm việc, thế nhưng có lẽ do nắm được sự bất ổn nên cảnh giác cao độ, dù trùm cò C. ra sức hỗ trợ.
Tiếp tục mở rộng tìm hiểu hoạt động buôn heo lậu, dưới sự hỗ trợ đắc lực của C. cho thấy tình trạng buôn lậu heo khi “bị động” đã không còn hoạt động rầm rộ như trước, các đối tượng chỉ “bắt mối” với khách hàng thân thiết. Sau nhiều ngày gặp gỡ, thấy sự quyết tâm mua bằng được heo của chúng tôi, trùm cò C. đã tin tưởng và không ngần ngại chỉ điểm, cũng như hướng dẫn chúng tôi mọi cách thức, thủ đoạn để có được nguồn hàng, thậm chí là chiêu trò để qua mắt lực lượng chức năng.
Dưới sự đồng hành của C., chúng tôi tìm đến một cơ sở chuyên rửa xe heo nằm gần cầu Cần Lê (giáp ranh giữa huyện Lộc Ninh và Bình Long). Theo C., đây là trạm chuyên trung chuyển heo nhập lậu. Nếu quả đúng như C. nói, thì rất đáng ngại vì vị trí này chỉ cách Trạm kiểm dịch động vật huyện Lộc Ninh vài trăm mét.
Tại đây, chúng tôi gặp Th., chủ cơ sở rửa xe heo, người mà được C. giới thiệu có thể môi giới làm giấy tờ để hô biến heo lậu thành heo nhà. Theo Th., trước đây việc làm giấy tờ rất dễ dàng, chỉ cần một cuộc gọi và chi ít tiền là có giấy tờ kiểm dịch. Giấy tờ này được xem là điểm mấu chốt như vé thông hành heo lậu. Tuy nhiên, những ngày gần đây, lực lượng chức năng kiểm soát chặt chẽ nên khi nhờ làm giấy thì Th. không dám nhận.
Th. còn tiết lộ, để hô biến heo lậu thành heo nhà, một số lượng heo lậu được đưa vào các trại chăn nuôi tại đây để hợp thức hoá, nếu có bị lực lượng chức năng nghi ngờ kiểm tra thì cũng lách được luật.
Có hay không việc tiếp tay?
Để có bằng được giấy thông hành, C. tiếp tục dẫn chúng tôi đi gặp một nhân vật được cho là có uy tín tại địa phương có bí danh H. Vì mối thâm giao với C., chỉ vài câu chuyện qua loa, H. đã đồng ý liên hệ với một người tên Th. để chúng tôi trực tiếp gặp mặt nhằm đẩy nhanh quá trình đưa heo lậu vào nội địa.
Thế nhưng, Th. cũng tỏ ra rất thận trọng, chỉ làm việc qua điện thoại và cho rằng thời điểm này rất nhạy cảm. Th. chỉ hứa khi nào “trời yên biển lặng”, có thể ăn xong tết Nguyên đán thì Th. sẽ chủ động liên lạc với chúng tôi.
Trong thời gian chờ đợi các đối tượng trong đường dây buôn heo lậu phản hồi, để tìm hiểu câu chuyện hô biến heo lậu thành heo nhà, chúng tôi tiếp tục đề nghị C. móc nối với các trang trại heo tại địa phương.
Tiếp xúc và làm việc với một người tên H., chủ trại heo tại xã Lộc Thành, huyện Lộc Ninh, ông H. cho biết: Nhìn heo bên Campuachia biết ngay, heo loại 1 thì bóng, to, mập còn loại 2, loại 3 nhìn con heo xù lông, đầu nó dài, thịt bở chứ không mũm mĩm, mông má đầy đặn như heo mình.
Theo ông H., gia đình ông nuôi heo 20 năm nay, mỗi lần bán heo đều báo cho xã, như vừa rồi lái Bình Dương mua 200 con, bắt trong 1 tuần lễ, giấy tờ họ lo, còn xuất heo tại địa phương thì không cần phải giấy tờ.
Giá heo tại Việt Nam đang lệch lớn với Campuchia
Theo Cục Chăn nuôi (Bộ NN-PTNT), trong giai đoạn 2018-2023, chăn nuôi là lĩnh vực có tốc độ tăng trưởng ổn định nhất (5-6%/năm); hằng năm, giá trị sản phẩm chăn nuôi đóng góp 25-27% vào GDP nông nghiệp. Sản phẩm vật nuôi tăng trưởng đều qua các năm, thịt heo chiếm 61-71%. Với năng lực sản xuất sản phẩm chăn nuôi của Việt Nam hiện nay, hàng năm Việt Nam thiếu khoảng 3% nhu cầu tiêu thụ thịt heo. Trong bối cảnh nguồn cung trong nước dồi dào, giá heo trong nước vẫn đứng ở mức thấp trong một thời gian dài, nhiều ý kiến cho rằng, heo nhập khẩu là một trong những nguyên nhân ảnh hưởng đến giá thịt heo trong nước.
Về vấn đề heo nhập lậu, theo Cục Chăn nuôi, Việt Nam có đường biên giới dài tiếp giáp với các nước Trung Quốc, Lào, Campuchia, với nhiều đường mòn, lối mở, nên hoạt động mua bán, vận chuyển trái phép giống gia súc, gia cầm diễn ra cực kỳ phức tạp trong thời gian dài, kéo theo nhiều hệ lụy cho ngành chăn nuôi trong nước. Trong những năm qua, giao dịch biên mậu về heo thương phẩm giữa Việt Nam và Campuchia vẫn diễn biến bình thường, thường tăng vào những thời điểm giá heo hơi tăng mạnh do nhu cầu tăng cao vào các dịp lễ Tết của hai nước.
Theo đó giá heo hơi các ngày gần đây cho thấy sự chênh lệch khá lớn giữa các nước trong khu vực: Lào 50-55 nghìn đồng/kg; Thái Lan 46-52 nghìn đồng/kg; Việt Nam: miền Bắc 56-58 nghìn đồng/kg, miền Đông Nam Bộ 55-57 nghìn đồng/kg; Tây Nam Bộ 52-54 nghìn đồng/kg; trong khi Campuchia là 35-41 nghìn đồng/kg. Nhìn vào thống kê giá cho thấy, đang có sự chênh lệch giá khá lớn giữa heo Việt Nam và Campuchia. Nguyên nhân giá heo Campuchia xuống rất thấp được giải thích là do chi phí đầu tư cơ sở chuồng trại thấp, giảm chi phí cho các biện pháp an toàn dịch bệnh, an toàn sinh học; nguyên liệu đầu vào cho sản xuất thức ăn chăn nuôi giá thành thấp do kiểm soát chất lượng bột thịt xương và các nguyên liệu không quá khắt khe…
“Vấn đề chính hiện nay của heo nhập lậu hay gia súc nhập lậu là gây nguy hại rất nhiều đến nền sản xuất chăn nuôi trong nước, nguy cơ lây lan dịch bệnh. Trong tương lai, việc này sẽ ảnh hưởng nghiêm trọng đến tổng đàn, thiếu hụt nguồn cung trong nước. Hơn nữa, tại một số nước trong khu vực, tình trạng kiểm soát chất cấm không nghiêm ngặt như Việt Nam nên khi thịt hoặc trâu, bò, heo nhập lậu có chất cấm bán trên thị trường sẽ gây ảnh hưởng xấu đến sức khỏe, tâm lý người tiêu dùng. Việc này có thể tác động dẫn đến giảm đàn hoặc ngừng nuôi, ảnh hưởng vấn đề nghề nghiệp và an sinh xã hội”, ông Đỗ Hữu Phương, Trưởng Văn phòng Cục Chăn nuôi phía Nam cho hay.
Đề nghị lập chuyên án điều tra, xử lý
Chiều 26/1, tại TP. HCM, Bộ NN-PTNT tổ chức Hội nghị ngăn chặn, phát hiện và xử lý buôn bán, vận chuyển trái phép động vật, sản phẩm động vật qua biên giới vào Việt Nam.
Thứ trưởng Bộ NN-PTNT Phùng Đức Tiến cho biết, khi dịch tả lợn Châu Phi xảy ra năm 2020, chúng ta đã mất hơn 6 triệu con heo, tiếp đến dịch cúm gia cầm buộc chúng ta phải tiêu hủy hơn 60 triệu con gia cầm. Cùng với đó là dịch lở mồm long móng, heo tai xanh và viêm da nổi cục trâu bò cũng ảnh hưởng và gây thất thoát rất lớn cho nền kinh tế và ảnh hưởng đến môi trường đầu tư của các doanh nghiệp nước ngoài cũng như doanh nghiệp trong nước. Do vậy nếu để nhập lậu thì những hệ lụy rất lớn xảy ra đối với ngành chăn nuôi nói riêng, đối với ngành nông nghiệp và cả nền kinh tế nói chung.
Trước tình trạng buôn lậu gia súc gia cầm diễn biến phức tạp, Thứ trưởng Phùng Đức Tiến cho rằng, lường trước được vấn đề, Bộ NN-PTNT đã chỉ đạo Cục Chăn nuôi, Cục Thú y, Thanh tra Bộ, Cục Quản lý Chất lượng, chế biến và Thị trường nông sản phối hợp chặt chẽ với Báo Nông nghiệp Việt Nam thực hiện loạt bài về buôn lậu, nhập lậu tại các tỉnh, đặc biệt là buôn lậu gia cầm tại các tỉnh phía Bắc. Đến giai đoạn gần đây thì nhập lậu heo ở các tỉnh phía Nam diễn ra rầm rộ. Trước bối cảnh trên, chúng ta cần phải có giải pháp quyết liệt, ngăn chặn kịp thời vấn nạn heo lậu qua biên giới.
Theo Thứ trưởng Phùng Đức Tiến, việc buôn lậu trên tất cả các địa bàn. Nếu tất cả các tỉnh thực hiện một cách nghiêm túc thì chắc chắn việc nhập lậu sẽ bị hạn chế và sẽ được xử lý. Thứ trưởng dẫn chứng, những năm trước tình hình nhập lậu gia cầm vào Quảng Ninh rất phức tạp. Sau khi xử 3 vụ án hình sự về vấn nạn này, sau nhiều năm nay không còn tái hiện buôn lậu gia cầm.
Bộ NN-PTNT sẽ tiếp tục có báo cáo Thủ tướng tình hình buôn lậu diễn biến rất phức tạp, kiến nghị Thủ tướng có biện pháp kỷ luật những nơi buông lỏng để xảy ra buôn lậu. Đồng thời đề nghị C05 (Bộ Công an) lập chuyên án đấu tranh ngăn chặn, xử lý heo nhập lậu qua biên giới.
Về phía Bộ NN-PTNT sẽ tiếp tục có các cuộc họp với từng địa phương để có các giải pháp cụ thể kiểm soát chặt việc nhập lậu gia súc. Các địa phương cần xem đây là nhiệm chính trị quan trọng, Bộ sẽ chỉ đạo liên tục để tạo được sự ổn định hướng đến phát triển bền vững.
Nguồn: nongnghiep.vn