Chọn giống khỏe để cây trồng khỏe
Những năm gần đây, ngành nông nghiệp Thái Nguyên đã có chuyển biến rất tích cực theo hướng sản xuất bền vững, sản xuất theo tiêu chuẩn, lan tỏa nhiều mô hình nông nghiệp theo hướng hữu cơ, tuần hoàn, sinh thái, giảm lệ thuộc và lạm dụng phân bón, thuốc BVTV hóa học… Điển hình có thể kể đến HTX Dịch vụ nông nghiệp Hồng Kỳ (xã Úc Kỳ, huyện Phú Bình) hiện đang có hơn 80ha trồng giống nếp đặc sản Thầu Dầu, trong đó 10ha đã đạt tiêu chuẩn VietGAP.
Cùng với tăng cường ứng dụng cơ giới hóa vào sản xuất, các thành viên của HTX Dịch vụ nông nghiệp Hồng Kỳ cũng đang đẩy mạnh sản xuất theo hướng hữu cơ. Theo đó, tại 10ha sản xuất lúa nếp Thầu Dầu đang được sản xuất theo quy trình VietGAP, bà con đã hạn chế thấp nhất việc sử dụng thuốc BVTV hóa học. Trong vụ xuân 2024 vừa qua, có những ruộng người dân chỉ cần phun 1 lần thuốc BVTV, thậm chí có những nơi người dân không phải phun thuốc BVTV hóa học như trước.
Theo ông Nguyễn Tá, Chi cục trưởng Chi cục Trồng trọt và BVTV tỉnh Thái Nguyên, những năm gần đây, từ những chỉ đạo, khuyến cáo của Bộ NN-PTNT cũng như của tỉnh Thái Nguyên, ngành nông nghiệp địa phương đã có những lựa chọn cơ cấu mùa vụ rất phù hợp với thực tiễn và đã mang lại hiệu quả rõ rệt.
“Nhiều năm gần đây, dịch hại trên cây trồng tại tỉnh Thái Nguyên đã giảm đáng kể và luôn ở mức thấp. Yếu tố chính đến từ việc ngành trồng trọt địa phương đã tuyển chọn kỹ lưỡng cơ cấu bộ giống đối với từng loại cây lương thực, cây ăn quả và các cây trồng khác. Tiêu chí tuyển chọn là các giống cây trồng phải có sức chống chịu sâu bệnh tốt, có khả năng thích ứng tốt với biến đổi khí hậu, duy trì được năng suất và chất lượng cao một cách ổn định trong nhiều năm”, ông Nguyễn Tá cho biết.
Vụ xuân năm 2024, tỉnh Thái Nguyên đã khuyến khích bà con nông dân đưa các giống lúa lai, lúa thuần cho năng suất, chất lượng cao như J02, TBR225, nếp Vải, nếp Thầu Dầu, SL8H-GS9, TH3-7, TH3-5, B-TE1… vào sản xuất với mục tiêu phấn đấu diện tích các giống lúa chất lượng cao, giống lúa đặc sản, sản xuất lúa áp dụng tiêu chuẩn hữu cơ đạt trên 50% tổng diện tích gieo cấy toàn tỉnh.
Thực tiễn sản xuất của bà con cho thấy, việc canh tác các giống lúa chất lượng cao, ngắn ngày không những giúp tăng năng suất, tăng giá trị mà còn rút ngắn mùa vụ, tạo điều kiện để chủ động triển khai sản xuất vụ mùa cũng như vụ đông.
“Cùng với việc tuyển chọn kỹ lưỡng các loại giống cây trồng, sự phối hợp tích cực của các địa phương trong việc triển khai đúng khung thời vụ, đúng theo chỉ đạo, khuyến cáo của ngành trồng trọt, của tỉnh Thái Nguyên đã mang lại những kết quả sản xuất tốt, góp phần nâng cao năng suất, sản lượng, chất lượng cây trồng và giảm thiểu dịch hại.
Tích cực triển khai đề án sức khỏe cây trồng
Những năm qua tại Thái Nguyên, người dân đã được khuyến cáo giảm thiểu sử dụng phân bón hóa học, thuốc BVTV hóa học, thay vào đó tăng cường sử dụng phân bón hữu cơ vi sinh, thuốc BVTV sinh học, thảo mộc. Qua đó hướng đến việc bảo vệ sức khỏe người sản xuất, người tiêu dùng, môi trường sinh thái, hướng tới việc phát triển nền nông nghiệp xanh, bền vững tại Thái Nguyên.
Theo đó, ngành trồng trọt tỉnh Thái Nguyên đã và đang hướng dẫn, khuyến khích người dân đẩy mạnh áp dụng quy trình quản lý dịch hại tổng hợp (IPM); canh tác “3 giảm 3 tăng”, “1 phải 5 giảm”; hệ thống canh tác lúa cải tiến (SRI), mô hinh quản lý sức khỏe cây trồng tổng hợp (IPHM)… vào sản xuất hiệu quả nhằm giảm thiểu việc sử dụng phân bón hóa học, thuốc BVTV hóa học, tăng cường sử dụng phân bón hữu cơ, thuốc BVTV sinh học, thảo mộc, qua đó bảo vệ môi trường, bảo vệ sức khỏe cộng đồng và môi trường sinh thái.
“Trong lĩnh vực trồng trọt, thời gian qua, Chi cục đã triển khai dự án ứng dụng khoa học kỹ thuật xây dựng mô hình trồng chè, lúa theo quy trình VietGAP; thâm canh giống ngô, lúa mới…, qua đó giúp bà con nông dân tiết kiệm chi phí đầu tư, hạn chế sâu bệnh hại trên cây trồng cũng như nâng cao năng suất, chất lượng sản phẩm”, ông Nguyễn Tá thông tin.
Theo Chi cục Trồng trọt và BVTV tỉnh Thái Nguyên, 6 tháng đầu năm 2024, các địa phương trên địa bàn tỉnh đã thực hiện tốt các giải pháp kỹ thuật như: Gieo cấy tập trung, trong khung thời vụ; tăng cơ cấu giống lúa, giống ngô mới theo chỉ đạo; hầu hết diện tích gieo cấy lúa áp dụng biện pháp kỹ thuật canh tác lúa tiên tiến, hiệu quả, phù hợp với điều kiện cụ thể, áp dụng các biện pháp phòng trừ sâu bệnh hại cây trồng chủ động, kịp thời, hiệu quả, đảm bảo năng suất, sản lượng cây trồng.
Bên cạnh đó, việc áp dụng cơ giới hóa trong sản xuất lúa được tăng cường đã góp phần giảm chi phí sản xuất. Việc chuyển đổi cơ cấu cây trồng trên đất lúa, chuyển đổi cơ cấu giống lúa đáp ứng yêu cầu thị trường đã được các địa phương tuyên truyền và nhận được sự hưởng ứng của nông dân, qua đó mang lại hiệu quả cao cho sản xuất nông nghiệp.
Hiện nay tỉnh Thái Nguyên đang tích cực triển khai Đề án Phát triển sản phẩm nông nghiệp chủ lực tỉnh Thái Nguyên giai đoạn 2021 – 2025, định hướng đến năm 2030; Đề án phát triển sản xuất và sử dụng phân bón hữu cơ đến năm 2030, tầm nhìn đến 2050; Đề án phát triển sản xuất và sử dụng thuốc BVTV sinh học đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2050; Đề án phát triển quản lý sức khoẻ cây trồng tổng hợp (IPMH) đến năm 2030.
“Qua đó, tỉnh Thái Nguyên hướng đến việc thực hiện canh tác nông nghiệp bền vững, giảm thiểu phát thải khí nhà kính, giảm thiểu ô nhiễm môi trường, đảm bảo sức khỏe môi trường, sức khỏe người tiêu dùng và đem lại hiệu quả kinh tế cao cho người sản xuất”, ông Nguyễn Tá chia sẻ.
“Khoảng 10 – 15 năm nay, lĩnh vực trồng trọt và BVTV tại tỉnh Thái Nguyên đã không cần phải sử dụng đến ngân sách nhà nước vào việc phòng trừ cũng như dập dịch hại”, ông Nguyễn Tá, Chi cục trưởng Chi cục Trồng trọt và BVTV tỉnh Thái Nguyên nhấn mạnh.
Nguồn: nongnghiep.vn