Trong suốt hơn 60 năm qua, IRRI đã khẳng định vai trò quan trọng của một tổ chức quốc tế với mạng lưới 17 văn phòng trên thế giới và hơn 1.000 thành viên. Từ những ngày đầu thiết lập mối quan hệ hợp tác với Việt Nam, IRRI đã đồng hành cùng nông dân, mang đến những tiến bộ khoa học kỹ thuật, góp phần đưa Việt Nam trở thành quốc gia xuất khẩu gạo hàng đầu thế giới.
Phát biểu tại buổi lễ, Thứ trưởng Bộ NN-PTNT Trần Thanh Nam khẳng định, giống lúa IR8 được IRRI giới thiệu vào những năm 1960 đã mở ra thời kỳ mới trong sản xuất lúa. “Đây là bước đột phá quan trọng đánh dấu sự phát triển mạnh mẽ của ngành nông nghiệp Việt Nam và góp phần quan trọng vào sự thành công của cuộc Cách mạng Xanh”, Thứ trưởng nhận xét.
Bên cạnh đó, IRRI đã nghiên cứu và phát triển hơn 60 giống lúa mới, trong đó có những giống năng suất cao như IR64 và IR504, góp phần nâng cao đáng kể năng suất lúa gạo của Việt Nam. Những năm gần đây, Viện tiên phong nghiên cứu và phát triển các giống lúa chống chịu với biến đổi khí hậu, đảm bảo an ninh lương thực quốc gia trong bối cảnh biến đổi khí hậu ngày càng phức tạp.
Nhằm thúc đẩy sự chuyển đổi bền vững của ngành sản xuất lúa gạo, IRRI đã phát triển và triển khai các kỹ thuật canh tác tiên tiến như mô hình “1 Phải 5 Giảm”, kỹ thuật tưới ngập – khô xen kẽ, cơ giới hóa trong gieo sạ và xử lý rơm rạ công cụ đo đạc, báo cáo và xác nhận (MRV). Nhờ đó đã giúp tối ưu hóa việc sử dụng giống, phân bón, thuốc bảo vệ thực vật, tiết kiệm nước và nâng cao thu nhập cho người nông dân.
Ngoài những đóng góp về khoa học kỹ thuật, IRRI còn đào tạo và nâng cao năng lực cho hàng nghìn nhà khoa học và kỹ thuật viên Việt Nam, tạo nên nguồn nhân lực chất lượng cao cho ngành nông nghiệp; hợp tác chặt chẽ với các cơ quan nghiên cứu và quản lý của Việt Nam trong việc xây dựng chính sách nông nghiệp bền vững.
“Những thành tựu này là minh chứng cho sự hợp tác bền chặt giữa IRRI và Việt Nam, đóng góp cho sự phát triển bền vững của ngành nông nghiệp Việt Nam nói chung và ngành hàng lúa gạo nói riêng. Chính vì vậy, hôm nay, Chính phủ Việt Nam và Bộ NN-PTNT quyết định trao tặng các phần thưởng cao quý cho IRRI và các cá nhân xuất sắc”, TS Nguyễn Đỗ Anh Tuấn nói.
Theo đó, Thứ trưởng Bộ NN-PTNT Trần Thanh Nam đã trao bằng khen của Thủ tướng Chính phủ cho Viện nghiên cứu lúa gạo quốc tế IRRI. Huy chương hữu nghị của Chủ tịch nước được trao tặng cho Phó Tổng giám đốc IRRI Ajay Kohli và TS Bas Antonius Maria Bouman – Giám đốc nghiên cứu tác động bền vững.
Tại sự kiện, đại diện Bộ NN-PTNT cũng dành sự tôn vinh đặc biệt cho nguyên Bộ trưởng Cao Đức Phát – một nhân vật có ảnh hưởng sâu rộng, người đã đóng vai trò then chốt trong việc định hình và phát triển mối quan hệ Việt Nam – IRRI suốt nhiều năm qua.
Hiện nay, trên cương vị Chủ tịch Hội đồng thành viên IRRI, TS Cao Đức Phát tiếp tục phát huy vai trò cầu nối quan trọng, góp phần vào sự phát triển bền vững của ngành lúa gạo khu vực và thế giới.
Ngoài ra, Bộ NN-PTNT tặng bằng khen cho 5 đơn vị và kỷ niệm chương cho 11 cá nhân xuất sắc của IRRI.
5 đơn vị nhận bằng khen Bộ trưởng Bộ NN-PTNT là Văn phòng Quốc Gia IRRI tại Việt Nam, Ban Nghiên cứu lai tạo giống, Ban Phát triển hệ thống canh tác lúa bền vững, Ban Huy động nguồn lực và Quản lý dự án, Ban Dịch vụ và Hệ thống tổ chức.
11 cá nhân xuất sắc của Văn phòng IRRI Việt Nam và trụ sở chính của IRRI nhận Kỷ niệm chương của Bộ trưởng Bộ NN-PTNT là: TS Jongsoo Shin – Giám đốc IRRI khu vực Châu Á; TS Robert Caudwell – Trưởng đại diện IRRI tại Việt Nam; TS Bjoern Ole Sander – Trưởng nhóm Biến đổi khí hậu; PGS.TS Nguyễn Văn Hùng – Trưởng nhóm Cơ giới hóa và Sau thu hoạch; TS Kazuki Saito – Trưởng nhóm Khoa học đất; TS Bùi Tân Yên – Chuyên gia khoa học về biến đổi khí hậu; TS Katherine Nelson – Chuyên gia khoa học về biến đổi khí hậu; ông Eisen Bernard Bernardo – Chuyên gia truyền thông; bà Vũ Hồng Trang – Chuyên gia khoa học về Biến đổi khí hậu; bà Đinh Thị Kim Dung – Chánh Văn phòng về Quan hệ đối tác và điều phối dự án.
Với tinh thần hợp tác và đổi mới không ngừng, IRRI và Việt Nam sẽ cùng nhau tạo nên những bước tiến mới, đưa ngành lúa gạo Việt Nam phát triển bền vững trong thời đại công nghệ 4.0.
Nguồn: nongnghiep.vn