
Ông Ngô Xuân Nam phát biểu tại hội nghị sáng 24/2, tại trụ sở Báo Nông nghiệp Việt Nam. Ảnh: Tùng Đinh.
Những thống kê giật mình
Thống kê của Văn phòng SPS Việt Nam cho thấy, ngoài việc tăng số lượng cảnh báo trong năm 2024 (114), nước ta còn tăng đột biến số lượng cảnh báo về thực phẩm mới.
Cụ thể, trong 2 tháng đầu năm 2025, EU đưa ra tổng cộng 8 cảnh báo về nhóm thực phẩm mới, thì Việt Nam nhận đến 4, tương đương 50% tổng số cảnh báo của các quốc gia trên thế giới.
Nhìn lại từ năm 2023, vào thời điểm ấy EU chưa đưa ra cảnh báo nào về thực phẩm mới với Việt Nam. Trong năm 2024, số lượng cảnh báo là 1, và hiện tăng lên 4 dù mới qua 2 tháng năm 2025.
Điều đáng nói, không riêng Việt Nam, số cảnh bảo về thực phẩm mới đã tăng đáng kể trên toàn cầu. Nếu như cả năm 2024, EU đưa ra 37 cảnh báo cho nhóm thực phẩm này, thì 2 tháng đầu năm 2025 đã có 8 cảnh báo.
“Từ chỗ chỉ chiếm 0,8% tổng số cảnh báo, nhóm thực phẩm mới hiện chiếm 1,3%. Tỷ lệ này còn có xu hướng tăng”, Phó Giám đốc Văn phòng SPS Việt Nam Ngô Xuân Nam nhận xét.
Phân loại theo mối nguy, ông Nam chỉ ra, dư lượng hóa chất (thuốc trừ sâu và thuốc thú y), dư lượng kháng sinh, dư lượng hóa chất BVTV… đang trở nên nổi cộm.
Lấy mốc năm 2024, số cảnh báo về dư lượng hóa chất (thuốc trừ sâu và thuốc thú y) chiếm 53,5%, dư lượng kháng sinh trên thủy sản chiếm 50%, dư lượng hóa chất BVTV trên sản phẩm có nguồn gốc thực vật chiếm 68,4%.
Xếp theo địa phương, Văn phòng SPS Việt Nam thông tin, trong năm 2024, TP.HCM là địa phương nhận nhiều cảnh báo nhất với 42 cảnh báo (36,8%), xếp tiếp theo là Hà Nội (10), Tiền Giang (9), Khánh Hòa (7)…
“Theo thống kê của Văn phòng SPS Việt Nam, những địa phương nhận nhiều cảnh báo nhất từ EU lại là địa phương chưa gửi phản hồi về kế hoạch triển khai Đề án SPS, căn cứ Quyết định 534/QĐ-TTg”, ông Ngô Xuân Nam nhấn mạnh.
Điều này dẫn đến nguy cơ doanh nghiệp đối mặt với rủi ro khi xuất khẩu nông sản, thực phẩm sang EU. Hiện thị trường này đưa ra 4 biện pháp xử lý, trong đó nặng nhất là thu hồi và tiêu hủy sản phẩm. Riêng về việc thu hồi, nếu như năm 2024, các nhà xuất khẩu Việt Nam bị xử lý 21,9% (25/114 cảnh báo), thì 2 tháng đầu năm 2025, tỷ lệ vọt lên tới 56,3% (9/16 cảnh báo).

Thị trường EU liên tục cập nhật, sửa đổi và bổ sung các quy định về nông sản, thực phẩm.
Dẫn số liệu từ Tổng cục Hải quan, Phó Giám đốc Ngô Xuân Nam cho biết thêm, việc nhận nhiều cảnh báo hơn từ EU không tương xứng với đà tăng của giá trị xuất khẩu.
Năm 2020, Việt Nam xuất khẩu khoảng 2,91 tỷ USD nông sản sang EU và nhận 40 cảnh báo. Đến năm 2022, kim ngạch tăng lên 4 tỷ USD, đồng thời số cảnh báo cũng tăng theo – lên 72. Năm 2024 vừa qua, Việt Nam lập kỷ lục xuất khẩu 4,21 tỷ USD sang EU và số cảnh báo cũng nhận ở mức kỷ lục 114.
“Sẽ có ý kiến cho rằng, xuất khẩu nhiều sẽ song hành với cảnh báo nhiều. Đáng tiếc, đà tăng của xuất khẩu sau 4 năm chưa nổi 50%, trong khi số cảnh báo tăng gần 300%”, ông Nam phân tích. Lãnh đạo Văn phòng SPS Việt Nam cũng thừa nhận, có một số ý kiến về vấn đề “đánh đổi” trong giai đoạn hội nhập, tăng cường xuất khẩu.
Tuy nhiên, ông Nam quan điểm, rằng thật khó để giải thích, một cường quốc xuất khẩu nông sản, luôn giữ chắc một vị trí trong tốp 15 thế giới lại bị tăng cảnh báo theo cấp số nhân ở một thị trường được xem là thước đo, là chuẩn mực cho nông sản toàn cầu.
Chậm trễ việc xử lý
Là đầu mối nhận các thông tin cảnh báo từ các thị trường WTO, đến ngày 20/2, Văn phòng SPS Việt Nam mới nhận được 63/114 (chiếm 55,3 %) cảnh báo có kết quả xử lý, trong đó 57 sản phẩm thuộc quản lý của Cục BVTV và 6 sản phẩm thuộc quản lý của Cục Xuất nhập khẩu (Bộ Công thương).
Số còn lại 51/114 (chiếm 44,7%) tổng cảnh báo năm 2024, Văn phòng SPS Việt Nam chưa nhận được thông tin kết quả xử lý.
Chia sẻ thêm về vấn đề này, Phó Giám đốc Ngô Xuân Nam nhận xét, cơ quan quản lý địa phương chưa sát sao với các vấn đề liên quan đến SPS. Ngoài việc chậm trễ xử lý vi phạm, theo các cảnh báo từ phía EU, đến ngày 20/2 vừa qua, mới có 18/63 tỉnh, thành phố (28,5%) có văn bản gửi Văn phòng về việc xây dựng kế hoạch thực hiện QĐ 534/QĐ-TTg để triển khai Đề án SPS.

Ông Nam hy vọng, Đề án SPS khi được triển khai sẽ giúp nhanh chóng thông tin, minh bạch hóa thị trường.
Ông Nam cho rằng, những nội dung trong đề án là “rất rõ, rất trúng”, nhằm giải quyết một cách căn cơ, bền vững những vấn đề mà chuỗi nông sản xuất khẩu của Việt Nam đang mắc phải.
Chẳng hạn, Đề án đặt mục tiêu đến năm 2025, tỷ lệ quy chuẩn kỹ thuật về chất lượng an toàn thực phẩm nông, lâm, thủy sản hài hòa tiêu chuẩn quốc tế đạt 70%. Đồng thời, 100% cán bộ quản lý an toàn thực phẩm và kiểm dịch động, thực vật các cấp được bồi dưỡng, cập nhật hàng năm về chuyên môn nghiệp vụ.
80% các mặt hàng và thị trường trọng điểm tương ứng được xây dựng cẩm nang hướng dẫn tuân thủ các biện pháp SPS và 100% các địa phương kiện toàn đầu mối hỏi đáp các quy định SPS của thị trường.
“Đề án đặt mục tiêu xây dựng hoàn thành Cổng thông tin quốc gia về SPS, nhằm kết nối và chia sẻ thông tin về các biện pháp SPS của thị trường giữa HTX, doanh nghiệp, hội, hiệp hội, cơ quan quản lý ở địa phương và hệ thống SPS của Việt Nam. Đây là nhiệm vụ hết sức cần thiết để tổ chức, doanh nghiệp, cá nhân ở địa phương nhanh chóng cập nhật các quy định mới”, ông Nam nói.
Thời gian tới, ông Nam đưa ra một số giải pháp như tăng cường cập nhật thông tin và phổ biến các tiêu chuẩn mới của EU đến người sản xuất (nông dân, HTX, doanh nghiệp) thực hiện đáp ứng đầy đủ các quy định về vệ sinh, an toàn thực phẩm, an toàn dịch bệnh của thị trường EU.
Các cơ quan chuyên môn tham mưu Bộ có văn bản hướng dẫn chi tiết về thủ tục xuất khẩu, ghi nhãn, chứng nhận an toàn thực phẩm,… tới các cơ sở sơ chế, chế biến, đóng gói, doanh nghiệp kinh doanh nông sản, thực phẩm xuất khẩu.
Ông Ngô Xuân Nam đề nghị tăng cường kiểm tra, giám sát chặt chẽ chuỗi cung ứng, vùng nguyên liệu, các khâu sản xuất, các cơ sở sơ chế, chế biến, đóng gói, vận chuyển nhằm đảm bảo đáp ứng quy định về các biện pháp vệ sinh dịch tễ và kiểm dịch động, thực vật.
Cùng với đó, siết chặt việc sử dụng thuốc bảo vệ thực vật, kháng sinh và hóa chất trong sản xuất nông sản, thủy sản; tăng cường kiểm soát tại cửa khẩu, cải thiện quy trình kiểm nghiệm hàng hóa trước khi xuất khẩu, giảm rủi ro bị trả hàng do vi phạm quy định EU.
Nguồn: nongnghiep.vn