Cụ thể UBND TP.HCM ra văn bản số 7307/KH-UBND ngày 18/11/2024 về việc ban hành kế hoạch triển khai các biện pháp xử lý các dự án, công trình tồn đọng, dừng thi công, thi công chậm tiến độ; công trình, trụ sở, công sở không sử dụng hoặc sử dụng chưa hiệu quả.
Kế hoạch nhằm quán triệt, triển khai nghiêm túc, hiệu quả chỉ đạo của đồng chí Tổng Bí thư Tô Lâm về chống lãng phí; tổ chức thực hiện hiệu quả các nghị quyết của Chính phủ và các chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ về sử dụng hiệu quả các nguồn lực, triển khai nhanh các công trình, dự án, không để thất thoát, lãng phí, nhất là các dự án tồn đọng, dừng thi công, trụ sở các cơ quan, ngân hàng thương mại nhà nước, các dự án đầu tư sản xuất kinh doanh tại các doanh nghiệp nhà nước, các bệnh viện, khu ký túc xá sinh viên… thuộc phạm vi, địa bàn TP quản lý (sau đây gọi là “Công trình, dự án tồn đọng”).
Theo đề nghị của Sở kế hoạch – Đầu tư tại Tờ trình số 15668/TTr-SKHĐT ngày 11 tháng 11 năm 2024 về xây dựng Kế hoạch triển khai các biện pháp xử lý các dự án, công trình tồn đọng, dừng thi công, thi công chậm tiến độ…UBND Thành phố đã yêu cầu rà soát, thống kê toàn bộ các dự án, công trình tồn đọng, dừng thi công, trụ sở, công sở không sử dụng hoặc sử dụng chưa hiệu quả thuộc phạm vi, địa bàn quản lý của Thành phố.
Xử lý nghiêm trách nhiệm tổ chức, cá nhân để xảy ra tình trạng các dự án, công trình tồn đọng, chậm tiến độ kéo dài, gây lãng phí nguồn lực; kiên quyết thay thế hoặc điều chuyển sang công việc khác đối với cán bộ, công chức năng lực yếu, không dám làm, né tránh, đùn đẩy, làm việc cầm chừng, sợ trách nhiệm, chậm trễ và không đáp ứng yêu cầu công việc được giao trong giải quyết các vấn đề liên quan.
Căn cứ chỉ đạo nêu trên và rà soát thực tế xử lý các công trình, dự án tồn đọng trên địa bàn TP, các sở, ban, ngành tập trung rà soát 5 nhóm.
Nhóm thứ nhất là các dự án đầu tư, bao gồm các dự án đầu tư theo quy định của Luật Đầu tư, Luật Đầu tư công và Luật đầu tư theo theo phương thức đối tác công tư (PPP).
Nhóm thứ hai bao gồm các tài sản công như trụ sở, công sở không sử dụng hoặc sử dụng kém hiệu quả.
Nhóm thứ ba là các tài sản, dự án đầu tư của doanh nghiệp nhà nước hoặc có vốn góp của nhà nước, bao gồm cả các dự án do doanh nghiệp FDI thực hiện nhưng sử dụng tài sản công.
Nhóm thứ tư là các dự án vướng mắc pháp lý do thanh tra, điều tra, xét xử.
Nhóm cuối cùng là các khu đất lớn tại vị trí đắc địa nhưng chưa được khai thác.
TPHCM giao các các cơ quan, đơn vị liên quan tổ chức thực hiện theo 5 bước.
Bước 1 là tổ chức rà soát các công trình, dự án tồn đọng. Việc này sẽ do Sở Kế hoạch – Đầu tư làm đầu mối, tổng hợp Danh mục các công trình, dự án tồn đọng cần tổ chức rà soát, đề xuất hướng xử lý.
Bước 2, TP sẽ phân loại các nhóm dự án, công trình, xác định thẩm quyền, trình tự thủ tục và phân công cơ quan đầu mối thực hiện vướng mắc. Trong đó, Sở Kế hoạch – Đầu tư sẽ đề xuất danh sách 10 – 20 công trình/dự án mỗi loại thuộc 3 nhóm là đầu tư công, đầu tư tư, đầu tư PPP đang được dư luận quan tâm, có khả năng xử lý dứt điểm trong năm 2024 để thúc đẩy xử lý ngay, song song với quá trình xây dựng và thực hiện kế hoạch xử lý tổng thể.
Bước 3, là xây dựng kế hoạch chi tiết, triển khai từ ngày 1/12 đến 31/12/2024. TP.HCM sẽ xây dựng kế hoạch cụ thể cho từng dự án, bao gồm các thông tin về hồ sơ pháp lý, nguyên nhân chậm trễ và các thủ tục cần thiết để tháo gỡ. Các dự án ưu tiên sẽ được đẩy nhanh tiến độ ngay trong giai đoạn này.
Bước 4 là thực hiện kiến nghị cơ quan có thẩm quyền giải quyết vướng mắc và phối hợp giải quyết vướng mắc cho tới khi có kết quả cuối cùng. Các công trình, dự án được triển khai, hoàn thành, đưa vào sử dụng hoặc chấm dứt thực hiện hoặc được xử lý theo hình thức cụ thể khác theo quy định pháp luật có liên quan.
Cuối cùng, bước 5 là tổng kết và đánh giá toàn bộ quá trình thực hiện, dự kiến diễn ra từ tháng 12/2025 đến hết năm 2025. Thành phố sẽ tổ chức hội nghị tổng kết, đồng thời nghiên cứu các vấn đề pháp lý liên quan để kiến nghị với Trung ương sửa đổi các cơ chế, chính sách nhằm ngăn chặn tái diễn tình trạng tương tự.
Thành phố cũng giao Sở Nội vụ chủ trì theo dõi, đôn đốc, kiểm tra, đánh giá; kiên quyết thay thế hoặc điều chuyển sang công việc khác với cán bộ năng lực yếu, không dám làm, né tránh, đùn đẩy, làm việc cầm chừng, sợ trách nhiệm, chậm trễ và không đáp ứng yêu cầu công việc được giao.
Trong quá trình tổ chức triển khai thực hiện nếu có vướng mắc, các Sở, ban, ngành, Ủy ban nhân dân các quận, huyện, TP Thủ Đức và các doanh nghiệp nhà nước kịp thời báo cáo UBND TP thông qua Sở Kế hoạch – Đầu tư để xem xét, điều chỉnh kế hoạch cho phù hợp.
Nguồn: nongnghiep.vn