Tại xã Phước Hảo, huyện Châu Thành, Sở NN-PTNT tỉnh Trà Vinh vừa tổ chức sơ kết mô hình thí điểm thuộc Đề án “Phát triển bền vững 1 triệu ha chuyên canh lúa chất lượng cao, phát thải thấp gắn với tăng trưởng xanh vùng ĐBSCL đến năm 2030” trên địa bàn tỉnh.
Sự kiện có sự tham gia của đại diện ngành nông nghiệp các huyện, các hợp tác xã (HTX) đăng ký tham gia Đề án và đông đảo bà con trong vùng đến học hỏi kinh nghiệm.
Cánh đồng mẫu triển khai mô hình của Đề án thuộc HTX Nông nghiệp Phước Hảo (ấp Hòa Hảo, xã Phước Hảo) có diện tích 50ha của 46 hộ dân. Qua cảm quan, đa số bà con đánh giá lúa trúng mùa bởi lá đài vẫn còn xanh khi lúa đã chín, thân cứng cáp, không bị đổ, bông nhiều, hạt mẩy.
Đại diện HTX chia sẻ, các thành viên sử dụng giống lúa đạt cấp xác nhận trở lên. Trong đó, 50% diện tích được gieo sạ bằng drone với lượng giống 70kg/ha, 50% còn lại được gieo sạ thủ công với lượng giống 60kg/ha. Mô hình phun thuốc bảo vệ thực vật (BVTV) trung bình từ 5 – 7 lần/vụ, ít hơn 2 lần so với ruộng ngoài mô hình. Các đối tượng gây hại chính như rầy phấn trắng (10 – 20%), bệnh đạo ôn (5 – 10%) và chuột (2 – 5%), trong khi các bệnh khác như đốm vằn, lem lép hạt và sâu cuốn lá không gây hại đáng kể.
Nhờ cơ giới hóa trong gieo sạ, lượng giống được giảm xuống còn 60 – 70kg/ha, tiết kiệm được 90 – 100kg/ha so với canh tác truyền thống. Lúa được thu hoạch bằng máy gặt đập liên hợp khi đạt độ chín trên 90% và được bán tươi ngay tại ruộng. Rơm rạ sau thu hoạch sẽ được phơi trong 1 – 2 ngày nắng rồi thu gom bằng máy cuộn để làm thức ăn cho gia súc.
Ông Trương Hòa Thuận, Giám đốc HTX Nông nghiệp Phước Hảo phấn khởi cho biết, năng suất lúa trung bình đạt 7 tấn/ha. Với giá lúa ST hiện tại, lợi nhuận ước tính ít nhất 4 triệu đồng mỗi công (1 công = 1.000m2), đây là mức lợi nhuận cao nhất trong các vụ vừa qua.
Theo ông Thuận, ruộng mô hình sử dụng thiết bị giám sát côn trùng và cho nước ra vào ruộng hợp lý, các thành viên tuân thủ đúng kỹ thuật canh tác. Ngoài ra, bà con tham gia mô hình được hỗ trợ phân bón nên giảm chi phí khoảng 1,5 triệu đồng mỗi công, cộng thêm hệ thống kênh mương được nạo vét thông thoáng, đảm bảo đủ nước tưới.
“Ruộng đối chứng năng suất thấp hơn 0,3 tấn/ha. Số hạt trên bông và tỷ lệ hạt chắc/bông của lúa trong mô hình cao hơn so với đối chứng. Ngoài ra, việc gieo sạ dày theo tập quán của bà con dẫn đến tốn nhiều phân bón hơn và làm gia tăng dịch hại, đặc biệt là bệnh đạo ôn cổ bông với tỷ lệ nhiễm từ 3 – 7%, làm ảnh hưởng đáng kể đến năng suất”, ông Thuận nói.
Theo ông Lê Văn Đồng, Phó Giám đốc Sở NN-PTNT tỉnh Trà Vinh, việc triển khai mô hình canh tác lúa phát thải thấp tại tỉnh đã mang lại nhiều kết quả tích cực. Cụ thể giúp nông dân giảm chi phí sản xuất đáng kể, giảm lượng giống xuống còn 60 – 70kg/ha (giảm khoảng 60% so với phương pháp truyền thống), giảm 20 – 30% phân bón hóa học và ít nhất 2 lần phun thuốc bảo vệ thực vật mỗi vụ.
Năng suất lúa mô hình trung bình đạt 7 tấn/ha, cao hơn 3 – 4% so với ngoài mô hình và lợi nhuận tăng thêm 15% (khoảng 6 – 9 triệu đồng/ha). Đặc biệt, mô hình còn giúp giảm 20 – 30% khí phát thải, bảo vệ môi trường và phát triển bền vững, đồng thời góp phần xây dựng thương hiệu gạo giảm phát thải của tỉnh, nâng cao giá trị ngành lúa gạo địa phương.
Hiện Trà Vinh đang triển khai mở rộng 14 mô hình theo Đề án tại các HTX ở 13 xã thuộc 6 huyện trong vụ đông xuân 2024 – 2025, dự kiến hoàn thành việc xuống giống vào ngày 30/12. Tổng diện tích thực hiện là 728,2ha, sản lượng dự kiến đạt 5.097 tấn. Các mô hình này áp dụng quy trình canh tác bền vững như “1 phải 5 giảm”, tưới ngập – khô xen kẽ, tiêu chuẩn sản xuất lúa bền vững (SRP) và GAP với 100% diện tích được cấp mã số vùng trồng.
“Nông dân tham gia mô hình thuộc Đề án sẽ được tập huấn kỹ thuật và hỗ trợ không dưới 50% chi phí giống và vật tư thiết yếu, ưu tiên sử dụng giống lúa xác nhận, phân bón hữu cơ và trung vi lượng. Các doanh nghiệp cũng sẽ hỗ trợ vật tư đầu vào và bao tiêu sản phẩm, đảm bảo hiệu quả sản xuất cao”, ông Lê Văn Đồng, Phó Giám đốc Sở NN-PTNT tỉnh Trà Vinh thông tin.
Nguồn: nongnghiep.vn