Một trong những đặc sản của miền Bắc được người Trung Quốc luôn đón đợi đó là trái vải thiều. Vải nở hoa vào mùa xuân, khi trời se lạnh và bước vào chính vụ thu hoạch giữa cái nắng gay gắt của mùa hạ. Mỗi thời kỳ sinh trưởng và tích lũy dinh dưỡng của trái vải lại gắn liền với các hình thái thời tiết khác nhau. Vì thế, vải có màu đỏ tươi và vị ngọt đậm đà hiếm có nên được người dân Trung Quốc rất ưa chuộng. Niên niên vụ 2024, đã có 9.200 tấn trái vải tươi với chất lượng tốt nhất được xuất khẩu sang Trung Quốc.
Miền Trung và Tây Nguyên quanh năm nắng ấm, lại sở hữu những đồn điền đất đỏ bazan do những hoạt động địa chất hàng triệu năm trước tạo nên. Nơi đây là xứ sở của những đồi chanh leo bạt ngàn. Loại trái cây đặc trưng của miền nhiệt đới Việt Nam được biết đến là thứ quả không chỉ có hương thơm đặc trưng mà còn có giá trị dinh dưỡng tuyệt vời như: Vitamin C, beta-carotene và hợp chất polyphenol giúp cơ thể tăng cường hệ miễn dịch, trung hòa các gốc tự do, ngăn ngừa sự lão hóa.
Nhờ được canh tác thuận tự nhiên, chanh leo Việt Nam không chỉ ngon và đẹp mà còn đáp ứng các yêu cầu nghiêm ngặt về an toàn thực phẩm và kiểm dịch thực vật. Với sản lượng ước đạt 135.000 tấn/năm, chanh leo luôn nằm trong những loại cây ăn quả Việt Nam có giá trị xuất khẩu cao nhất và cũng là một trong 12 loại trái cây được xuất khẩu chính ngạch sang Trung Quốc. Không chỉ có thế, vùng đất đỏ bazan đầy nắng và gió Tây Nguyên còn là xứ sở của trái bơ, trái chuối, trái dứa và nhiều loại trái cây khác mang dưỡng chất ngọt lành và đặc trưng riêng của miền nhiệt đới.
Xuôi về phương Nam, với khí hậu nhiệt đới quanh năm ôn hòa, vùng đất rộng lớn cuối nguồn sông Mekong, được thiên nhiên ưu đãi với nguồn phù sa dồi dào, được bồi đắp quanh năm chính là vựa trái cây lớn nhất của Việt Nam với rất nhiều loại trái cây nhiệt đới chất lượng tốt khác nhau như: thanh long, măng cụt, dừa tươi, xoài, chôm chôm, bưởi da xanh…
Cùng với vùng Tây Nguyên và vùng Đông Nam Bộ, Đồng bằng sông Cửu Long đang góp phần đưa Việt Nam trở thành quốc gia xuất khẩu sầu riêng top đầu thế giới. Bằng chất lượng tuyệt hảo với danh xưng “Nữ hoàng của các loại trái cây”, sầu riêng Việt Nam được tổ chức sản xuất theo tiêu chuẩn và khoa học, mang hương vị thơm ngon đặc biệt, múi màu vàng óng, vị béo ngậy và mùi hương quyến rũ khiến bất cứ ai đã ăn một lần không thể nào quên. Năm 2023, Việt Nam đã vượt qua Thái Lan để vươn lên vị trí số 1 về xuất khẩu sầu riêng vào Trung Quốc với khối lượng đạt gần 33.000 tấn, trị giá 161 triệu USD, tăng gấp 2,4 lần cả về lượng và trị giá so với cùng kỳ năm 2022.
Ông Nguyễn Khắc Tiến – Chủ tịch Hội đồng quản trị Công ty Cổ phần Ameii Việt Nam – đơn vị xuất khẩu trái cây có nhiều kinh nghiệm tại thị trường Trung Quốc khẳng định rằng để trái cây Việt Nam tiếp tục chiếm lĩnh được thị trường này thì một trong những yếu tố kiên quyết là các doanh nghiệp đi cùng nhau. Bởi hiện nay, việc xuất khẩu vẫn thực hiện theo kiểu mạnh ai nấy làm, doanh nghiệp nhỏ lẻ, cách làm cũng nhỏ lẻ.
Đồng quan điểm về điều này, ông Nguyễn Đỗ Anh Tuấn – Vụ trưởng Vụ Hợp tác quốc tế, Bộ NN-PTNT cho biết, các doanh nghiệp cần thiết phải liên kết, đồng hành cùng nhìn về một hướng để có thể đi cùng nhau dài hơi, không chỉ là thị trường Trung Quốc mà còn là rất nhiều thị trường tiềm năng khác hiện nay như Mỹ, Nhật Bản, EU… Dưới sự đồng hành, hỗ trợ giám sát của các cơ quan quản lý nhà nước theo đúng định hướng về mặt chủ trương và xuất khẩu, chủ trương về phát triển ngành hàng sẽ tạo ra sự bền vững cho xu thế xuất khẩu về nông sản.
Nguồn: nongnghiep.vn