Nửa đêm, bác sỹ Phạm Hồng Việt – Giám đốc bệnh viện vẫn di chuyển từ phòng này sang phòng khác để kiểm tra, thăm khám cho các bệnh nhân. Trong khi bác sỹ Nguyễn Quang Thắng, Phó giám đốc bệnh viện vừa thực hiện xong ca mổ là nạn nhân do sạt lở đất mới được đưa tới chiều nay. Hai chiếc áo ngực mở tung khiến dải áo blue khẽ lay nhẹ, bác sỹ Thắng dường như vẫn không hay biết. Áp lực của gần 48 giờ đồng hồ vật lộn cứu chữa các bệnh nhân từ vùng sạt lở Làng Nủ vẫn còn.
Chiếc giường trống trong phòng Hồi sức cấp cứu
Bệnh viện Đa khoa Bảo Yên nằm ở trung tâm Phố Ràng – thủ phủ của huyện Bảo Yên. Là bệnh viện cấp huyện, thường ngày, những bênh nhân của bệnh viện hầu hết là những ca thông thường, ốm đau vặt vãnh, hay tai nạn lao động do đi nương, đi rẫy… Thế nhưng, lần này thì khác!
2 ngày qua, bệnh viện đón cùng lúc hơn 20 bệnh nhân trong một buổi sáng, hầu hết đều là những ca nghiêm trọng. “34 năm làm nghề, chưa bao giờ tôi chứng kiến và trải qua những thời khắc như thế. Quá kinh khủng và đau đớn!” – bác sỹ Phạm Hồng Việt chia sẻ.
8h5’ sáng ngày 10/9. Một người đàn ông trung tuổi mặt sạm đen đội mưa, trên vai là một bé gái tím tái lao vào phòng Hồi sức Cấp cứu. Nạn nhân từ đầu đến chân quần áo nhuộm bùn đất, tóc bết bùn, da mặt nhợt nhạt, tái tím vì ngâm nước lâu; toàn thân đầy những vết trầy xước…
Khi ấy, cả bệnh viện cũng đang như một “chiến trường”. Nước lên cao trên 1m ở tầng 1, phải sơ tán tất cả các trang thiết bị lên tầng 2, sân và các lối đi đầy bùn đất đặc sệt, quánh như mạch nha…
Mông Thị Bảo Ngọc, bé gái 11 tuổi – bệnh nhân đầu tiên của trận lũ quét Làng Nủ (xã Phúc Khánh), cách bệnh viện 17km. Người đàn ông mặt sạm đen kia là bác của cháu Ngọc.
Qua lời kể gấp gáp, đứt đoạn không thành tiếng của ông sau một hành trình dài đầy mệt mỏi xuyên mưa lũ, bác sỹ Việt dần nắm được câu chuyện kinh hoàng: Một tiếng nổ lớn bất ngờ khiến đất đá của một nửa ngọn núi con Voi sạt lở nhấn chìm cả ngôi làng trong khoảnh khắc. Rất nhiều người chết!.
Cháu Ngọc là nạn nhân đầu tiên được đưa tới bệnh viện. Bác của cháu tìm được cháu bị lũ cuốn, túm tóc lôi lên khi cháu đã bị cuốn trôi gần 1km. Những vết trầy xước trên người cháu là do va đập, quăng quật suốt quãng đường dài ấy. Những biện pháp khẩn cấp ngay lập tức được thực hiện: trước tiên phải cởi bỏ quần áo đầy bùn đất, xối nước rửa sạch bùn đất trên người nạn nhân sau đó tiến hành các biện pháp nghiệp vụ; nội soi ngay trên giường bệnh…
“Nạn nhân bị đa chấn thương, nội thương nặng bên trong. Nguy hiểm nhất là sặc do hít phải bùn gây tổn thương phổi trầm trọng; chấn thương sọ não; bùn đất bít kín lỗ tai, mũi, mắt… ”, bác sỹ Việt kể.
Tiên lượng tình trạng bệnh nhân rất nghiêm trọng, kíp bác sỹ dồn sức cố giành lại cháu từ tay tử thần. Nhưng cuối cùng, mọi nỗ lực vẫn trắng tay. Cháu Ngọc không qua khỏi. Bố mẹ cháu cũng đã chết vì lũ quét. Đó cũng là nạn nhân đầu tiên đến được bệnh viện!
Chỉ chiếc giường bệnh để trống ngay cửa ra vào phòng Hồi sức Cấp cứu, bác sỹ Việt thở dài: “Cháu bé nằm trên chiếc giường này, và cũng đã tử vong trên chiếc giường này!”.
Tuy nhiên, những đau xót vẫn chưa dừng lại!
Ám ảnh chưa từng có
Bệnh nhân Mông Thị Bảo Ngọc và người bác của cháu chính là những người đầu tiên mang tin trận sạt lở đất kinh hoàng ra khỏi Làng Nủ, bởi trong 3 ngày mưa lớn, nước ngập khắp Bảo Yên, vùng nào cũng trắng nước, có những nơi bị cô lập không ai biết. Đến 11h trưa, các thông tin về Làng Nủ mới được cập nhật đầy đủ. Bộ đội, công an, rất nhiều lực lượng rầm rập đổ về ứng cứu Làng Nủ.
Ông Việt ngay lập tức phán đoán tình huống rất xấu: sẽ có thêm nhiều nạn nhân được đưa về bệnh viện. Ông yêu cầu các phòng khoa tập hợp nhân lực, tập trung máy móc, thiết bị, giường bệnh… để chuẩn bị đón một lượng lớn các nạn nhân khác, không chỉ các nạn nhân của Làng Nủ mà còn của nhiều vùng sạt lở khác. Xe cứu thương được yêu cầu sẵn sàng lên đường, dù đường sá lúc này chỗ nào cũng bị ngáng trở bởi đất đá sạt.
Từ 10h sáng trở đi, những bệnh nhân khác tiếp tục xuất hiện. Đa phần họ đến bằng cáng, vác bộ; chở bằng công nông, xe máy… 47 bác sỹ của bệnh viện được huy động tổng lực. Một nhóm được điều động xuống ngã ba Lương Sơn – Phúc Khánh, nơi gần Làng Nủ nhất để đón các nạn nhân nhằm thu bớt thời gian, quãng đường…
Chỉ trong buổi sáng, hơn 20 bệnh nhân nằm chật kín phòng Hồi sức cấp cứu. Theo chỉ đạo của bác sỹ Việt, trước tiên các bệnh nhân được vệ sinh tắm rửa, thay quần áo ngay tại giường bệnh. Tiếp đó phân loại sơ bộ, chia nhóm các bệnh nhân để thuận tiện cho việc chữa trị. Khám ngoại xong tới khám nội…
“Nước ngập khắp nơi. Mà khó nhất, đấy là mất điện, chúng tôi phải sử dụng máy chạy pin. Pin hết chạy máy phát điện. Trong hoàn cảnh khắp nơi ngập lụt, đường sá chia cắt, không lưu thông được…, thiếu thốn đủ đường, đúng là chưa bao giờ gặp tình huống như thế này!” – ông Việt chia sẻ.
Các bác sỹ chia thành các tốp: đón tiếp bệnh nhân; vệ sinh, rửa bùn đất… “Người khám cứ khám, người khâu cứ khâu, người nẹp cứ nẹp. Có những ca bệnh, nạn nhân bị lột cả mảng tóc, phải lật lên để cắt bỏ, tránh nhiễm trùng. Bạn tưởng tượng, khi cắt bỏ rơi ra cả những mẩu thịt, rất ám ảnh. Những trường hợp như thế đáng lẽ phải tiến hành trong các phòng mổ, nhưng tình huống như thế đành phải linh hoạt” – bác sỹ Việt nói.
Tình hình mỗi lúc một căng thẳng. Bệnh viện báo cáo lãnh đạo Sở Y tế xin ý kiến chỉ đạo để hỗ trợ, điều động, tăng cường thêm bác sỹ. Hai xe cứu thương từ Bệnh viện Bảo Thắng được điều sang. Những ca nặng sau khi đã ổn định cơ bản đều có kế hoạch chuyển lên tuyến trên. Ngay trong ngày 10/9, 10 bệnh nhân được chuyển lên Bệnh viện Đa khoa tỉnh; một bệnh nhân nặng chuyển lên Bệnh viện Việt Đức do đứt lìa một cánh tay…
Bệnh nhân nào cũng phải dùng máy thở nên máy phải thay nhau sử dụng luân phiên. Máy nội phế quản đặt qua đường mũi, dùng loại bơm to để hút dịch, hút ra toàn bùn đất. Đa phần, các chấn thương ngoại do va đập vì bị đất đá vùi, va đập trong quá trình bị lũ cuốn. Còn chấn thương nội do sặc bùn, ngạt nước, gọi là hội chứng hít” – bác sỹ Việt giải thích.
“Đến giờ, 16 bệnh nhân của trận sạt lở đang điều trị tại đây cơ bản đã ổn định. Điều đáng lo nhất, đó là các bệnh nhân bị sang chấn tâm lý, hoảng loạn. Khi mới vào, họ la hét một cách vô thức. Chúng tôi hiểu, do hoảng sợ vì bị lũ cuốn, đất vùi lấp nên họ vẫn còn rất hoảng loạn. Những nạn nhân này đều đã mất hết người thân” – giọng ông Việt chùng xuống.
Bên ngoài, màn đêm trùm phủ cả bệnh viện vắng lặng. Không khí im ắng đến ma mị. Nó hoàn toàn đối ngược với những giây phút kinh hoàng của đá rơi, đất lở, nước xối ầm ầm… vừa mới trước đó vài chục giờ đồng hồ.
Sinh năm 1969, gần 40 năm công tác trong nghề nhưng bác sỹ Phạm Hồng Việt phải thừa nhận: đây là lần đầu tiên ông đối mặt với một tình huống kinh hoàng đến thế. Kinh hoàng không chỉ bởi cơn lũ lịch sử lần đầu xuất hiện ở Bảo Yên trong gần 60 năm, mà bởi phải tiếp nhận cùng lúc con số nạn nhân của thiên tai quá lớn, và trường hợp nào đến bệnh viện cũng là may mắn bởi toàn bộ người thân của họ đều đã chết.
Tới đây, khi họ bình phục quay trở lại cuộc sống thường nhật, phải đối mặt với thực tế mất mát đó, sẽ lại là một đợt sang chấn tâm lý vô cùng lớn nữa!
Những đứa trẻ sau lũ
Kế bên chiếc giường bệnh trống trải của nạn nhân Mộng Thị Bảo Ngọc, bà Hoàng Thị Thanh (53 tuổi) đang ngồi bó gối chăm cháu ngoại. Đó là cháu Hoàng Ngọc Lan (6 tuổi). Con bé vừa trải qua lễ khai giảng đầu tiên trong cuộc đời – ngày 5/9, thì 5 ngày sau, 6h sáng ngày 10/9 định mệnh, đất đá vùi lấp cả bản làng của cháu. Bố mẹ cháu và người anh trai 13 tuổi đã chết. Cháu bị lũ cuốn văng ra ngoài bờ ruộng, may mắn bị giắt lại và được người làng đưa tới bệnh viện.
Khi hay tin, bà Thanh hớt hải chạy vào viện chăm cháu. Sau 2 ngày được các bác sỹ tích cực cứu chữa, cháu đã tỉnh táo trở lại, đã nhúc nhắc ăn được cháo…
Tôi hỏi: “Con có đau nhiều không?”. Con bé ngoan ngoãn cố kìm nước mắt, khẽ trả lời: “Con đau lắm”. Tôi động viên cháu: “Con gắng ăn thật nhiều, chịu khó uống thuốc để chóng khỏe còn đi học với các bạn, con nhé!”.
Con bé khẽ gật đầu. Trong khi ấy, người bà ngoại quay mặt đi chỗ khác lau vội dòng nước mắt. Tương lai của cháu bé mồ côi tới đây, vẫn còn là một khoảng trống mênh mông.
“Nhà tôi ở cùng bản với con gái, nhưng là ở đầu bên này, không nằm trong phạm vi đất lở. Sáng hôm ấy khi trở dậy, tôi bủn rủn chân tay ngỡ mình hoa mắt: cả khu làng rộng lớn là thế, mà trong chớp mắt trắng băng, chỉ còn ngợp một bãi bùn đất” – bà Thanh thất thần, hai tay xoa nắn cánh tay nhỏ bé của đứa cháu ngoại.
“Từ tối đến giờ nó cứ gọi mẹ, đòi về với mẹ. Tôi phải nói dối mẹ đang đi cắt cỏ voi, cứ ngủ một giấc là mẹ về”.
Bác sỹ Việt cầm ống nghe kiểm tra sức khỏe cho bệnh nhân bé bỏng. Chỉ những vết tím bầm trên bắp chân, bắp tay con bé 6 tuổi, ông bảo: “Đây là những chấn thương phần mềm, nhưng là chấn thương các bó cơ nên bệnh nhân rất đau đớn. Chúng tôi tiếp tục điều trị để bình phục phổi cho cháu, bởi hội chứng sặc hít bùn gây tổn thương lâu dài, và ảnh hưởng đến cả sau này!”.
Cùng chung câu chuyện, chị Hoàng Thị Đàn (41 tuổi) ngồi chăm sóc cháu Hoàng Gia Bảo (7 tuổi). Bố mẹ cháu Bảo, anh Hoàng Văn Tuân (37 tuổi), chị Hoàng Thị Quyến (34 tuổi) là em của chị Đàn, cả hai đều bị lũ quét vùi lấp trong đống đổ nát. Chiều 11/9, lực lượng tìm kiếm tìm thấy thi thể của anh Tuân đưa đi chôn cất, còn chị Quyến vẫn đang mất tích.
Cháu Bảo là con trai thứ 2 của vợ chồng anh Tuân may mắn thoát nạn, được người dân tìm thấy cách khu vực sạt lở gần 500m, được chẩn đoán qua cơn nguy kịch nhưng việc điều trị vẫn còn phải kéo dài do cháu bị đa chấn thương phần mềm.
Bệnh viện Đa khoa huyện Bảo Yên có 2 phòng Hồi sức Cấp cứu, chiếm trọn vẹn tầng 1 của khu nhà. Bên kia, một nam bệnh nhân đã nhúc nhắc tự đi lại được, lê từng bước kéo theo cột dây truyền nước. Một bệnh nhân khác vẫn đang mê man trên giường bệnh. “Cả nhà bệnh nhân này đều đã chết, chỉ một mình ông sống sót” – một bác sỹ nói nhỏ.
Mấy ngày qua, những chiếc xe tải chở quan tài hướng về Làng Nủ, và vẫn còn nhiều chuyến xe như vậy tiếp tục tìm xuống, khi con số nạn nhân mất tích chưa tìm thấy vẫn dừng ở con số trên 60 người. Những đám tang vội vã vẫn lặng lẽ nơi góc rừng ngổn ngang. Những câu chuyện “cả nhà đã chết, chỉ còn một người duy nhất sống sót” không còn lạ ở Bảo Yên mấy ngày qua…
Nguồn: nongnghiep.vn