Tính từ mặt ruộng trồng cỏ, móng tường khu trại nuôi gà đã cao hơn chừng 1,5m. Khu chăn nuôi được xây kiên cố, có trụ đỡ bằng bê tông cốt thép, có hệ thống cửa thoáng gió. Anh Nguyễn Văn Hoàng, chủ trang trại tại xã Võ Ninh (huyện Quảng Ninh, Quảng Bình) cho hay, mỗi lần xem báo chí, truyền hình khi có mưa, bão lũ tại các địa phương là thấy nhiều trang trại chăn nuôi bị thiệt hại gần như trắng tay. Vì vậy anh đã tính đến việc đầu tư hợp lý để vật nuôi có thể vượt qua được bão lũ mà ít bị thiệt hại. “Chăn nuôi phải tính đến bền vững chứ không thể nhờ trời được”, anh Hoàng bảo.
Rút kinh nghiệm người đi trước
Anh Hoàng chia sẻ, đã nhiều lần chứng kiến cảnh người chăn nuôi trắng tay sau thiên tai nên anh đã tính toán đến những chi tiết đầu tư xây dựng trang trại để vừa đảm bảo được yêu cầu kỹ thuật trong chăn nuôi, vừa đảm bảo chủ động ứng phó hiệu quả, giảm thiểu được thiệt hại do thiên tai.
“Sau mỗi trận lũ, thấy nhiều trang trại lợn, gà… chết la liệt mà đắng lòng cho bà con nông dân quá. Người chăn nuôi có lãi trong vòng 4 đến 5 năm nhưng chỉ cần thất bát một lần cũng có thể trở về trắng tay. Vậy nên phải tính đến việc ứng phó, chăn nuôi sống chung với bão lũ” – anh Hoàng nói như tự vấn mình.
Tính toán kỹ, anh Hoàng cho tôn cao vùng đất nơi đặt trại nuôi gà, nuôi bò. Trại nuôi gà được bố trí trên nền đất cao với nhà xây kiên cố rộng khoảng 400m2. Khu trại gắn liền với sân vườn rộng hơn 5.000m2, được trồng nhiều cây xanh tỏa bóng mát để cho gà “chạy bộ”. Dù nền móng chuồng trại được nâng cao nhưng trong trại gà, anh Hoàng sáng chế một giàn bằng sắt cao, chắc chắn và tấm nghiêng nối từ sàn cao xuống nền trại gà.
“Sàn này có diện tích đủ cho trên 5.000 con gà. Độ cao mặt sàn trên 2m, nếu tính từ móng là cao 3,5m. Đây là mốc đỉnh lũ lớn nhất vào cuối năm 2020 – năm được xem là lũ lớn nhất trong vòng 100 năm qua. Có nghĩa là, nếu lũ có về nhanh, đỉnh cao chưa từng thấy thì đàn gà vẫn có thể theo sàn nghiêng tự di chuyển lên sàn cao và đứng trên đình lũ an toàn” – anh Hoàng bộc bạch.
Cũng theo anh Hoàng, tính toán đầu tư cho phát triển chăn nuôi an toàn cũng là bài toán khó, nhất là ở miền Trung luôn hứng chịu mưa, bão, thời tiết khắc nghiệt thường xuyên xảy ra. Nếu đầu tư lớn thì thiếu vốn, nhưng đầu tư đơn giản cũng khó chống chịu với thiên tai. “Người chăn nuôi cần cân nhắc, tính toán mức đầu tư thật phù hợp với quy mô từng đàn nuôi và thu hoạch đúng thời điểm để né được bão lũ lớn” – anh Hoàng nói.
Nhà phao nổi cho bò và hàng rào ngăn lũ tràn hồ cá
“Phải ứng dụng mọi điều kiện trong tầm tay để chủ động ứng phó với thiên tai thì mình mới vững tâm trong phát triển kinh tế trang trại” – anh Hoàng nói khi đưa chúng tôi vào tham quan khu nuôi bò.
Khu chuồng được xây dựng trên vùng đất cao hơn hẳn. Liền kề với chuồng bò là nhà kho mái tôn chắc chắn. Trong kho, hàng trăm cuộn rơm khô vàng ươm được máy cuộn từ đồng về chất cao nhưng gọn gàng. Anh Hoàng giới thiệu đó là thức ăn dự trữ vào mùa đông cho vật nuôi. Khi đó, các loại cỏ tươi sẽ ít đi và cần bổ sung thêm rơm cho bò ăn.
“Để chủ động thức ăn cho bò trong mùa mưa lũ cũng phải có dự trữ. Trong lũ hoặc sau khi lũ rút thì không thể có cỏ tươi ngay để cho bò ăn. Khi đó, thức ăn sẽ là rơm dự trữ này. Chủ động nguồn thức ăn dự trữ sẽ đảm bảo cho đàn bò phát triển tốt” – anh Hoàng nói.
Trước dãy chuồng bò là khoảng sân khá rộng, sau đó mới đến hồ cá. Trên hồ cá, anh Hoàng cho thiết kế một nhà phao với hệ thống phao chịu tải được hàng chục con bò lên tránh lũ. Phía trên mái làm nơi chứa thức ăn dự trữ, dưới sàn đựng những đồ vật thường dùng hàng ngày.
Anh Hoàng cho hay: “Khi mưa lũ về, nếu không có gì bất ngờ thì trang trại sẽ di chuyển đàn bò ra phía động cát để nuôi giữ ở đó tránh lũ. Thức ăn cho bò cũng được đưa đi theo. Trong trường hợp lũ bất ngờ không di chuyển lên vùng cát cao được thì đàn bò sẽ được đưa lên nhà phao. Với hệ thống dây chằng néo khá chắc, nhà phao sẽ đảm bảo an toàn với đủ thức ăn, nước uống cho đàn bò. Như vậy sẽ tránh được hoặc hạn chế đến mức thấp nhất thiệt hại có thể xảy ra”.
Trại bò và trại gà đều được anh Hoàng bố trí xây dựng hướng nhìn ra hồ cá rộng. Xung quanh hồ cá anh thiết kế hàng rào bằng thép có mắt lưới nhỏ dựng kèm những trụ bê tông chắc chắn. Hàng rào này được thiết kế có độ cao bằng đỉnh lũ lớn nhất trong vòng trăm năm qua. Đi dọc hàng rào của hồ cá, anh Hoàng cho hay, năm lũ cao nhất là ngập đường Quốc lộ 1A khoảng 2m. “Nếu trường hợp đỉnh lũ lặp lại thì cũng giữ được cá trong hồ. Nếu lũ vượt lên thì lúc đó việc cứu người mới quan trọng chứ nói gì đến tài sản, vật nuôi” – anh Hoàng bộc bạch.
Phía ngoài hàng rào, trang trại cũng có mấy ao cá rộng. Cá giống mua về được thả nuôi ở những hồ này để cá nhanh lớn hơn. Khi mùa mưa lũ đến, trang trại bơm nước cạn và kéo lưới bắt cá để đưa vào hồ nuôi phía trong hàng rào. Trong vùng, bà con nuôi cá thường bán trước mùa mưa lũ để tránh thiệt hại. Trang trại của anh Hoàng thì chỉ cần đưa cá từ hồ ngoài và hồ trong hàng rào là tiếp tục nuôi để có cá phục vụ nhu cầu tiêu thụ vào dịp Tết Nguyên đán với giá cao.
Phía ngoài hàng rào là phần tiếp giáp với vùng ruộng lầy, bao quanh là một tuyến đê rộng, chắc chắn. Theo anh Hoàng, vào dịp cuối năm, trang trại sẽ trồng thêm dãy tre phía ngoài đê. “Khi tre lên tốt ken dày thì đó cũng là hàng rào chắc chắn để chắn lũ đổ về, góp phần bảo vệ trang trại trước thiên tai” – anh Hoàng tính toán.
Theo anh Hoàng, trước khi xây dựng trại nuôi gà, anh đã đến tham quan một số cơ sở nuôi ở vùng miền Trung. Nhiều cơ sở đã làm nền móng trại gà cao lên, nhưng chưa có cơ sở nào đầu tư thêm hệ thống sàn cao chống lũ lớn. Vì vậy khi lũ lớn ngập nền móng thì gà chỉ có bị thiệt hại chứ không còn cách nào khác. “Mô hình thiết kế thêm sàn cao, chắc chắn trong trại gà để chống lũ ở những vùng thấp trũng là rất cần thiết và chắc chắn tránh được thiệt hại lớn cho người chăn nuôi” – anh Hoàng chia sẻ thêm.
Nguồn: nongnghiep.vn