Huyện Tri Tôn, một trong hai huyện miền núi của tỉnh An Giang, nổi bật với vẻ đẹp thiên nhiên hoang sơ, nền văn hóa đa dạng và tiềm năng phát triển kinh tế nông nghiệp. Trong những năm qua, việc xây dựng nông thôn mới đã trở thành một trong những nhiệm vụ trọng tâm của địa phương, mang lại nhiều thành tựu đáng ghi nhận nhưng cũng đối mặt với không ít thách thức.
Có thể nói Tri Tôn có đông đồng bào Khmer và còn nhiều khó khăn, nhưng nhiều năm qua địa phương không ngừng nỗ lực để đạt được nhiều kết quả tích cực trong xây dựng nông thôn mới, với sự đồng lòng của chính quyền và người dân địa phương. Hiện nay, 6/12 xã của huyện đã đạt chuẩn nông thôn mới, trong đó có 2 xã đạt chuẩn nông thôn mới nâng cao, từ đó tạo nền tảng quan trọng để tiếp tục mở rộng mô hình này trên toàn huyện.
Theo ông Nguyễn Văn Văn, Trưởng phòng NN-PTNT huyện Tri Tôn, địa phương đã chú trọng đầu tư hạ tầng giao thông, thủy lợi và trường học. Đặc biệt là các hệ thống đường giao thông liên xã và nội đồng được cải thiện rõ rệt, giúp vận chuyển nông sản thuận lợi hơn. Các công trình thủy lợi cũng được nâng cấp, đáp ứng tốt nhu cầu tưới tiêu cho sản xuất nông nghiệp.
Song song với đó, các chương trình hỗ trợ phát triển sản xuất đã giúp nâng cao thu nhập cho người dân. Điển hình, các sản phẩm nông sản đặc trưng như đường thốt nốt, gạo sạch và các sản phẩm chế biến từ cây dược liệu đã đạt chứng nhận OCOP, mở ra cơ hội lớn cho việc tiêu thụ và phát triển thương hiệu.
Tuy nhiên, hành trình xây dựng nông thôn mới tại Tri Tôn không hề dễ dàng. Là một huyện miền núi với địa hình phức tạp, việc đầu tư hạ tầng và phát triển kinh tế còn gặp nhiều khó khăn. Tỷ lệ hộ nghèo vẫn ở mức cao, đời sống của một bộ phận người dân chưa ổn định.
Tuy nhiên, hiện nay người dân Tri Tôn đang cùng chính quyền địa phương quyết tâm xây dựng huyện trở thành điểm sáng về nông thôn mới của tỉnh An Giang. Anh Nguyễn Văn Lợi, một người dân xã Tà Đảnh, huyện Tri Tôn chia sẻ: “Tham gia xây dựng nông thôn mới không chỉ mang lại lợi ích cho gia đình tôi mà còn giúp cả cộng đồng cải thiện đời sống. Chúng tôi tự hào khi góp phần đưa Tri Tôn ngày càng phát triển”.
Bên cạnh đó, ông Nguyễn Văn Văn cũng cho biết thêm: Nhiều xã vùng sâu, vùng xa còn thiếu nguồn lực để triển khai các tiêu chí về môi trường, văn hóa và an ninh trật tự. Nguồn vốn hỗ trợ từ Trung ương và tỉnh đôi khi chưa kịp thời, gây khó khăn cho công tác thực hiện. Ngoài ra, việc phát triển sản phẩm OCOP cũng còn hạn chế về quy mô và chất lượng. Số lượng sản phẩm đạt từ 4-5 sao còn ít, chưa đủ sức cạnh tranh mạnh trên thị trường trong và ngoài nước.
Nhận thức được vai trò quan trọng của sản phẩm OCOP, huyện Tri Tôn đang nỗ lực đưa các sản phẩm này tiếp cận người tiêu dùng thông qua các sàn thương mại điện tử như Shopee, Lazada, và đặc biệt là Postmart và Vosco – hai sàn giao dịch hỗ trợ mạnh mẽ nông sản Việt.
Chị Lê Thị Hồng Nhung, một hộ dân sản xuất đường thốt nốt đạt chứng nhận OCOP 4 sao, bày tỏ: “Việc đưa sản phẩm lên sàn thương mại điện tử giúp chúng tôi tiếp cận khách hàng dễ dàng hơn. Hiện nay, đơn đặt hàng từ các tỉnh thành và cả nước ngoài đã tăng lên đáng kể. Tuy nhiên, việc số hóa sản phẩm OCOP cũng đặt ra thách thức về kỹ năng ứng dụng công nghệ của người dân. Cần có sự hỗ trợ từ các cơ quan chức năng để đào tạo, tư vấn cách tiếp cận thị trường và quảng bá sản phẩm hiệu quả hơn”.
Ông Trần Minh Giang, Phó Chủ tịch UBND huyện Tri Tôn, nhấn mạnh: Xây dựng nông thôn mới không chỉ là đạt chuẩn các tiêu chí mà còn hướng tới nâng cao đời sống vật chất và tinh thần cho người dân. Trong thời gian tới, huyện sẽ tập trung nguồn lực hoàn thiện các xã còn lại đạt chuẩn nông thôn mới, phấn đấu đưa Tri Tôn trở thành huyện nông thôn mới vào năm 2025 hoặc 2026. Đặc biệt, huyện sẽ đẩy mạnh các chương trình hỗ trợ sản xuất, phát triển sản phẩm OCOP và kết nối tiêu thụ qua thương mại điện tử.
Để thực hiện mục tiêu này, UBND huyện Tri Tôn đã xây dựng kế hoạch cụ thể, trong đó ưu tiên các giải pháp như: Đầu tư đồng bộ hạ tầng, đẩy mạnh cải tạo hệ thống giao thông nông thôn, hệ thống điện và nước sạch. Phát triển nông nghiệp bền vững phải ứng dụng khoa học công nghệ vào sản xuất, chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi phù hợp với điều kiện thổ nhưỡng của địa phương. Nâng cao chất lượng sản phẩm OCOP và hỗ trợ các cơ sở sản xuất cải tiến quy trình, nâng cao chất lượng, mở rộng thị trường xuất khẩu. Bên cạnh đó còn hỗ trợ người dân ứng dụng công nghệ số, tổ chức các lớp tập huấn, nâng cao kỹ năng kinh doanh và quảng bá sản phẩm nông nghiệp địa phương trên sàn thương mại điện tử.
Nguồn: nongnghiep.vn