Sóc Trăng là địa phương thứ hai ở vùng ĐBSCL thực hiện cánh đồng giảm phát thải, thí điểm Đề án Phát triển bền vững 1 triệu ha chuyên canh lúa chất lượng cao và phát thải thấp gắn với tăng trưởng xanh vùng ĐBSCL đến năm 2030 (gọi tắt là Đề án 1 triệu ha lúa chất lượng cao).
Cánh đồng được triển khai trên quy mô 50ha tại HTX nông nghiệp Hưng Lợi (xã Long Đức, huyện Long Phú). Giống lúa ST25 được lựa chọn gieo sạ từ ngày 20 – 24/5/2024 bằng hình thức sạ hàng (hàng biên và hàng đều), sạ cụm có bón vùi phân theo quy trình của Cục Trồng trọt (Bộ NN-PTNT).
Viện Nghiên cứu lúa Quốc tế (IRRI) hỗ trợ 50% giống; Công ty Phân bón MTK hỗ trợ 50% phân bón; Doanh nghiệp Tư Sang hỗ trợ cơ giới hóa gieo sạ, kết hợp vùi phân; Công ty Saty hỗ trợ dụng cụ cảm biến đo mực nước thông qua ứng dụng “Trúng mùa” để theo dõi mực nước trên điện thoại di động.
Trung tâm Khuyến nông Quốc gia, Viện Môi trường Nông nghiệp (Viện Khoa học Nông nghiệp Việt Nam) tổ chức 2 lớp tập huấn, hướng dẫn kỹ thuật trồng lúa chất lượng cao, giảm phát thải cho thành viên HTX tham gia mô hình. Đồng thời, hướng dẫn việc đo đạc, báo cáo, thẩm định lượng phát thải khí nhà kính (MRV) cho lực lượng khuyến nông, nhân viên trồng trọt và bảo vệ thực vật.
Việc triển khai kịp thời Đề án 1 triệu ha lúa chất lượng cao là điều kiện để nông dân vùng ĐBSCL nói chung và tỉnh Sóc Trăng nói riêng tiếp cận, ứng dụng kỹ thuật mới vào sản xuất, góp phần hạn chế ô nhiễm môi trường, ứng dụng cơ giới hóa, giảm chi phí sản xuất, thuận lợi trong liên kết tiêu thụ sản phẩm.
Bước đầu thực hiện cánh đồng giảm phát thải tại HTX nông nghiệp Hưng Lợi có bộc lộ một số hạn chế. Tuy nhiên đến thời điểm này, lúa phát triển tốt, xã viên vô cùng phấn khởi, chờ đợi kết quả cuối vụ thu hoạch.
Trong giai đoạn 2024 – 2025, huyện Long Phú sẽ triển khai Đề án 1 triệu ha lúa chất lượng cao tại các xã Long Phú, Tân Hưng, Long Đức và thị trấn Long Phú với tổng diện tích 4.000ha. Đến giai đoạn 2026 – 2030 mở rộng ra 9 xã, thị trấn trên địa bàn huyện với tổng diện tích thực hiện 8.150ha.
Mới đây, thông qua chuyến kiểm tra thực tế tiến độ thực hiện Đề án, ông Trần Văn Lâu, Chủ tịch UBND tỉnh Sóc Trăng cho rằng, việc đầu tư mô hình đến thời điểm này có thể khẳng định thành công, nếu không gặp ảnh hưởng của thời tiết.
Ông Lâu cũng đánh giá cao sự tổ chức bài bản của ngành nông nghiệp tỉnh và các cơ quan chuyên môn liên quan.
Thời gian tới, để việc triển khai Đề án, lãnh đạo tỉnh Sóc Trăng đề nghị Sở NN-PTNT, các địa phương trong tỉnh quan tâm đến khâu tổ chức sản xuất. Rà soát kỹ các vùng trồng gắn với quy hoạch của vùng, tỉnh và huyện để tránh xảy ra xung đột với các quy hoạch khác.
Đồng thời, ngành nông nghiệp cần quan tâm đầu tư hạ tầng thủy lợi, giao thông và tăng cường cán bộ kỹ thuật để hỗ trợ bà con nông dân, HTX, tổ hợp tác trong quá trình triển khai Đề án. Hướng tới nghiên cứu, đầu tư cho các mô hình máy móc, công nghệ đo lượng giảm phát thải.
Theo ông Lâu, thực hiện Đề án 1 triệu ha lúa chất lượng cao của Chính phủ, UBND tỉnh Sóc Trăng đã có kế hoạch triển khai đồng loạt trên 9 huyện, thị xã, thành phố (trừ huyện Cù Lao Dung và thị xã Vĩnh Châu).
Hiện nay, Đề án đang trong giai đoạn thực hiện các mô hình thí điểm, chưa có các chế độ, chính sách để triển khai diện rộng. Ông Lâu đánh giá cao sự cẩn trọng từ Bộ NN-PTNT bởi thông qua những mô hình thí điểm, các đơn vị liên quan sẽ đúc kết, rút kinh nghiệm, đánh giá hiệu quả. Từ đó đề xuất các chính sách phù hợp, sát thực tiễn, chậm mà chắc.
Thông qua mô hình cánh đồng giảm phát thải tại HTX nông nghiệp Hưng Lợi, Chủ tịch UBND tỉnh Sóc Trăng đề nghị các địa phương trong tỉnh xây dựng ít nhất 1 – 3 mô hình thí điểm ở cấp huyện. Từ đó so sánh hiệu quả giữa trồng lúa chuyên canh chất lượng cao và truyền thống để có giải pháp, định hướng sản xuất đến nông dân….
Nguồn: nongnghiep.vn