LTS: Hưởng ứng và hiện thực hóa chiến lược của Chính phủ cũng như các chương trình, đề án của Bộ NN-PTNT, năm 2024, phong trào phát triển nông nghiệp sinh thái, hữu cơ, tuần hoàn, phát thải carbon thấp, thân thiện với môi trường đã diễn ra sôi nổi tại nhiều địa phương, trên nhiều lĩnh vực trong ngành nông nghiệp…
Biến vỏ sắn thành phân hữu cơ chất lượng
Tây Ninh được mệnh danh là thủ phủ cây sắn với diện tích trồng sắn hằng năm đứng hàng đầu cả nước, ngành công nghiệp chế biến tinh bột sắn cũng không kém cạnh với số lượng nhà máy và công suất chiếm 50% toàn ngành.
Theo các chuyên gia, sắn không chỉ là cây dễ trồng, điểm nhấn của cây trồng này là ngoài phần giá trị nhất là củ sắn thì hầu hết các sản phẩm khác từ thân, lá cho đến bã sắn (củ sắn sau khi lấy hết tinh bột) đều có thể tận dụng để sản xuất phân bón hữu cơ, thức ăn gia súc, gia cầm. Tuy nhiên, do nhiều nguyên nhân, “kho vàng” phế phụ phẩm này vẫn chưa được khai thác triệt để, thậm chí nhiều nơi còn gây ô nhiễm môi trường nghiêm trọng.
Tận dụng lợi thế, những năm gần đây, ngành nông nghiệp tỉnh Tây Ninh đã có nhiều giải pháp xây dựng chuỗi liên hoàn sản xuất – tiêu thụ – tận dụng phế phẩm, phụ phẩm trong ngành sắn. Nhiều mô hình từng bước được hình thành và nhân rộng, góp phần phát triển nông nghiệp xanh, bền vững. Trong đó, mô hình ứng dụng chế phẩm sinh học xử lý vỏ sắn thành phân hữu cơ vi sinh là mô hình đầy triển vọng mà Trung tâm Khuyến nông tỉnh Tây Ninh đã và đang thực hiện và nhân rộng.
Theo kỹ sư Nguyễn Văn Nguyên, khuyến nông viên thuộc Trại Thực nghiệm và Tư vấn Dịch vụ nông nghiệp thuộc Trung tâm Khuyến nông tỉnh Tây Ninh, với triết lý “trả cho đất những gì lấy từ đất”, Trại Thực nghiệm đã nghiên cứu và đưa vào sử dụng viên nén vi sinh Nano-Gro™ để xử lý vỏ khoai mì thành phân hữu cơ vi sinh có ích cho đất và cây trồng.
“Viên nén vi sinh Nano-Gro™ là chế phẩm sinh học, bao gồm nhiều nấm và vi khuẩn có lợi. Đây là dòng vi sinh hiếu khí, khác với vi sinh bản địa là những dòng vi sinh yếm khí. Do đó, quá trình ủ phân không cần xới đảo, không cần che đậy bạt. Đặc biệt, loại viên nén này có thể phân hủy mọi chất hữu cơ, trong đó có vỏ sắn, qua đó tiết kiệm rất nhiều nhân công”, kỹ sư Nguyên chia sẻ.
Là một trong những hộ đầu tiên ứng dụng mô hình sử dụng chế phẩm sinh học xử lý vỏ sắn thành phân hữu cơ vi sinh, anh Nguyễn Thanh Vũ, chủ trang trại dâu tằm tại xã Tân Hưng (huyện Tân Châu) cho biết, dinh dưỡng trong 100kg phân vi sinh từ vỏ sắn có khoảng 1kg đạm, 1kg lân và 1kg kali. Ngoài ra, khi bón vào đất, phân này tiếp tục kết hợp với cỏ và rễ cây tạo ra được khoảng 20% nhu cầu đạm và một số chất dinh dưỡng khác cung cấp cho cây trồng.
“Việc sử dụng phân bón vi sinh giúp cây trồng chống chịu được các nấm bệnh gây hại, giúp cải tạo đất, làm tơi xốp, tăng độ phì nhiêu của đất, phát triển bộ rễ, giảm thiểu sâu bệnh. Đặc biệt, mô hình rất dễ thực hiện, giá thành rẻ, giảm chi phí đầu vào và tạo ra được sản phẩm nông sản đáp ứng nhu cầu của thị trường”, anh Vũ chia sẻ.
Ông Hà Thanh Tùng, Giám đốc Trung tâm Khuyến nông tỉnh Tây Ninh cho biết thêm, trong bối cảnh giá vật tư nông nghiệp tăng cao, việc tận dụng phế phụ phẩm theo chu trình khép kín thông qua áp dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật, công nghệ sinh học được coi là xu hướng nhằm phát triển nông nghiệp xanh và bền vững.
“Với nguồn vỏ sắn dồi dào, việc sử dụng chế phẩm sinh học xử lý vỏ sắn thành phân hữu cơ vi sinh là một trong những giải pháp đầy triển vọng. Trong thực tế, muốn có nông sản sạch bắt buộc phải có vùng nguyên liệu sạch, để có vùng nguyên liệu sạch tất yếu cây trồng phải sử dụng phân bón sạch, thuốc bảo vệ thực vật sạch, quy trình kỹ thuật sản xuất sạch… Ðó là tiền đề để mô hình này ngày càng phát triển”, ông Tùng nhấn mạnh.
Nhà máy xanh, tuần hoàn
Cùng với việc tận dụng từ vỏ sắn, gần đây, nhiều nhà máy tinh bột sắn tại tỉnh Tây Ninh đã triển khai tốt mô hình phát triển kinh tế tuần hoàn, áp dụng công nghệ Biogas xử lý phụ phẩm tinh bột sắn và công nghệ xử lý bùn từ chất thải làm phân bón hữu cơ cho cây trồng, đem lại hiệu quả kinh tế cao.
Là doanh nghiệp tiên phong đổi mới công nghệ, bước chân vào Nhà máy tinh bột sắn của Công ty TNHH MTV Định Khuê tọa lạc tại xã Suối Dây, huyện Tân Châu, chúng tôi hầu như không cảm nhận mùi hôi đặc trưng của quy trình sản xuất tinh bột sắn.
Bà Nguyễn Thị Hồng Hạnh – quản lý nhà máy cho biết, mùi hôi thối của quá trình sản xuất tinh bột sắn thường sinh ra từ bể lắng cặn và tách protein và từ bể kỵ khí bậc 1 rất lớn. Khí thải phát tán vào bầu khí quyển có một lượng lớn các khí gây hiệu ứng nhà kính.
Ngoài ra, hiệu suất phân hủy từ các hồ sinh học không cao nên việc xử lý sau kỵ khí rất khó khăn. Khi nhà máy tăng công suất, hệ thống hồ sinh học không đáp ứng đủ và xảy ra hiện tượng quá tải hồ kỵ khí, nước thải tại cống thoát vượt tiêu chuẩn cho phép nhiều lần. Đây chính là nguyên nhân gây ô nhiễm môi trường trong quá trình sản xuất tinh bột sắn.
Xác định sản xuất gắn với bảo vệ môi trường, ngay từ rất sớm, Công ty đã đầu tư hầm biogas, khi công nghệ xử lý chất thải ngày càng hiện đại, hầm biogas không chỉ tạo ra khí gas để sấy bột và sấy bã sắn mà quá trình phân hủy chất hữu cơ trong hầm biogas còn giúp giảm tải cho hệ thống xử lý nước thải và tạo ra nguồn phân hữu cơ chất lượng. Ngoài ra, nhà máy còn có nhiều sáng kiến lắp đặt điện năng lượng mặt trời, tận dụng tối đa năng lượng tái tạo trong tái chế, sử dụng phế phụ phẩm.
Bên cạnh đó, Công ty còn đầu tư hệ thống sấy bã để xử lý mùi hôi bã tươi, vừa dự trữ kho bã sấy được lâu, vừa tăng hiệu quả kinh tế khi bán phụ phẩm bã sấy khô. Bố trí khu vực thu gom, tập kết chất thải rắn sinh hoạt, chất thải rắn công nghiệp thông thường, chất thải nguy hại phát sinh trong quá trình sản xuất. Đặc biệt, cùng với đẩy mạnh sản xuất, để xây dựng vùng nguyên liệu ổn định cho nhà máy, từ nguồn phế phụ phẩm có được, Công ty còn hỗ trợ người trồng sắn. Công ty cũng đang trình Sở NN-PTNT Tây Ninh đề án chuỗi sản xuất – tiêu thụ – tận dụng phế phẩm, phụ phẩm.
“Đây là chuỗi liên kết đầu tiên trong ngành sắn, kỳ vọng dưới sự hỗ trợ của nhà nước, nguồn lực của doanh nghiệp, ngành sắn sẽ giải được triệt để bài toán ô nhiễm môi trường thông qua tận thu được tất cả phế phụ phẩm trong quá trình sản xuất”, bà Nguyễn Thị Hồng Hạnh – quản lý nhà máy kỳ vọng.
Theo ông Lâm Hồng Thái, Phó Chi cục trưởng Chi cục Trồng trọt và BVTV Tây Ninh, sản xuất nông nghiệp nói chung, ngành sắn nói riêng đang tạo ra một lượng phế phụ phẩm rất lớn, nguồn tài nguyên này nếu được khai thác, sử dụng tốt không chỉ đem lại hiệu quả kinh tế mà còn góp phần bảo vệ môi trường và giảm phát thải khí nhà kính.
Nông nghiệp xanh, nông nghiệp tuần hoàn đang trở thành động lực quan trọng của sự phát triển kinh tế – xã hội. Việc tận dụng triệt để phế phụ phẩm để tạo ra nguồn tài nguyên tái tạo là vô cùng cần thiết”, ông Thái nhấn mạnh.
Nguồn: nongnghiep.vn