Sáng 29/11, Viện Quy hoạch Thủy lợi miền Nam phối hợp với Báo Nông nghiệp Việt Nam tổ chức Diễn đàn ‘Nâng cao năng lực cộng đồng trong phòng chống thiên tai vùng ĐBSCL’.
Chia sẻ về tình hình thiên tai, hạn hán, xâm nhập mặn và lũ năm 2025 vùng ĐBSCL, ông Nguyễn Huy Khôi, Trưởng phòng KHCN và Hợp tác quốc tế, Viện Quy hoạch Thủy lợi miền Nam cho biết các yếu tố, căn cứ đưa ra nhận định dựa trên cơ sở về đều kiện ENSO, diễn biến mưa trái mùa, diễn biến nguồn nước… Như vậy, nước cuối mùa lũ có ảnh hưởng nhiều đến tình hình XNM của mùa khô kế tiếp.
Theo ông Khôi, năm 2024, hồ chứa thủy điện thượng lưu đã tích được khoảng 88% tổng dung tích hữu ích. Trong đó, các hồ trên sông Lan Thương (Trung Quốc) tích 94%, các hồ ở Hạ lưu vực sông Mê Kông tích trữ ở mức khoảng 74%. Dự kiến đầu mùa năm 2024-2025, dung tích hữu ích duy trì ở mức 70-80%.
Trong khi đó, triều cường dự báo tháng các mùa khô 2024 – 2025 ở mức cao. Cao hơn khá nhiều so với trung bình nhiều năm.
Kế hoạch xuống giống lúa vụ Đông Xuân năm 2024 – 2025 vùng ĐBSSCL 1.490.000 ha, lớn hơn không nhiều so với cùng kỳ 2 năm 2022- 2023 và 2023-2024. Theo đó, Viện Quy hoạch Thủy lợi Miền Nam nhận định nguy cơ xuất hiện tình trạng hạn hán, xâm nhập mặn trong mùa khô năm 2024 – 2025 vẫn có thể xảy ra và ở mức cao hơn trung bình nhiều năm, nhưng sẽ không gay gắt như mùa khô các năm 2023 – 2024, năm 2015 – 2016 và năm 2019 – 2020.
Về xu thế lũ năm 2025, ông Khôi cho rằng còn khá sớm cho công tác dự báo song với căn cứ điều kiện triều cường, tác động BĐKH gây ra mưa, dự báo sơ bộ cho thấy đỉnh lũ năm 2025 đầu nguồn sông Cửu Long đạt đỉnh vào cuối tháng 9 đến nửa đầu tháng 10.
Đỉnh lũ năm 2025 trên vùng thượng ĐBSCL phổ biến ở mức xấp xỉ và trên mức BĐI, một số trạm dưới mức BĐI. Đỉnh lũ năm 2025 trên vùng giữa ĐBSCL phổ biến trên mức BĐIII, một số trạm từ BĐII- BĐIII; thời gian đạt đỉnh phổ biến rơi vào kỳ triều cường cao nhất tháng 11, một số trạm đỉnh lũ rơi vào kỳ chính vụ tháng 10.
Đỉnh mực nước lớn nhất năm 2025 các trạm vùng Ven Biển ĐBSCL có thời gian đạt đỉnh phổ biến rơi vào kỳ triều cường cao nhất tháng 11.
Tăng cường các giải pháp phi công trình cho ĐBSCL
Để đối phó với tình trạng hạn hán và xâm nhập mặn, thời gian gần đây, công tác dự báo đã được sử dụng một cách khoa học, hợp lý. Kết hợp với những giải pháp phi công trình (giải pháp mềm), người nông dân từng bước thích ứng với biến đổi khí hậu vùng ĐBSCL.
Lấy ví dụ về đợt hạn mặn lịch sử 2015-2016, ông Trần Văn Cao, Phó tổng biên tập Báo Nông nghiệp Việt Nam cho biết, thời điểm bấy giờ, địa phương và cơ quan chuyên môn mới tập trung vào các giải pháp công trình, nên diện tích cây trồng bị ảnh hưởng khá nhiều. Nhiều vườn cây ăn quả bị thiệt hại.
Tuy nhiên, sang đến đợt xâm nhập mặn 2019-2020, ngành nông nghiệp đã chủ động hơn và quyết định đẩy vụ đông xuân sớm 1 tháng. Nhờ đó, năng suất, sản lượng cây trồng của ĐBSCL ít bị ảnh hưởng.
Với việc xuất hiện mưa trái mùa ngày một nhiều, cũng như vấn đề sụt lún, ngập lụt, xói lở bờ biển phức tạp hơn, ngành nông nghiệp đã tính đến các giải pháp dài hạn. Trong số đó, có việc đưa vụ thu đông trở thành vụ lúa chính.
Ông Phạm Thanh Hải, Phó Chi Cục trưởng Chi cục Thủy Lợi Bạc Liêu chia sẻ, hiện tỉnh vẫn tồn tại mâu thuẩn trong việc vận hành công trình cống ngăn mặn. Khi triều cường lên cống đóng ngăn hiện tượng xâm nhập mặn, nhưng đều này vô hình chung đã làm hạn chế nguồn nước nuôi tôm của các hộ dân.
Do đó, ông Hải mong muốn Viện Khoa học Thủy lợi miền Nam nghiên cứu, xây dựng kết cấu công trình mới, tối ưu mà không gây tác động nhiều tới đời sống người dân, không phải di dời các hộ để giảm chi phí giải phóng mặt bằng.
Nguồn: nongnghiep.vn