Những ngày cuối tháng 12, không khí làm việc trở nên sôi động trên các rẻo cao tại xã Cò Nòi (huyện Mai Sơn, tỉnh Sơn La). Người dân nơi đây đang hân hoan thu hoạch những trái ớt đầu tiên từ dự án liên kết sản xuất, tiêu thụ giống ớt chất lượng cao để xuất khẩu.
Tại HTX Rau an toàn Vạn Phúc, các thành viên không giấu được hạnh phúc khi chính tay hái những trái ớt sau 2 tháng trồng thử nghiệm. Mặc dù vụ thu bói diễn ra sớm hơn 2 tuần so với dự kiến nhưng chất lượng quả đều vượt so với kế hoạch đề ra. Những quả ớt đạt chiều dài trung bình từ 10 – 13cm, đường kính 3cm, xanh đều và bóng. Trên diện tích 3ha vùng trồng của HTX, sản lượng thu bói đạt 5 tấn, sau 5-7 ngày, lại tiếp tục thu hoạch, theo tính toán của hợp tác xã, đến cuối tháng 1 năm 2025, có thể thu đạt 25 tấn.
Chị Lò Thu Thủy, Giám đốc HTX Rau an toàn Vạn Phúc tâm sự: “Đây là lần thử nghiệm đầu tiên của chúng tôi với giống ớt này. Từ những ngày đầu, chúng tôi rất lo lắng, bởi nếu không thành công thì coi như vụ đông năm nay mất trắng, nhưng giờ đây, thành quả thật sự xứng đáng với công sức đã bỏ ra”.
Thành công này không chỉ nhờ nỗ lực của bà con mà còn nhận được sự phối hợp tận tình của chuyên gia Nguyễn Xuân Điệp thuộc Viện Nghiên cứu Rau quả (Viện Khoa học Nông nghiệp Việt Nam). Từ giai đoạn lên luống đến khi ra trái, ông Điệp luôn theo sát quá trình phát triển của cây, đề ra phương pháp trồng theo hướng an toàn, đạt tối đa các yêu cầu theo hướng hữu cơ, trong đó đặc biệt chú ý đến việc sử dụng thuốc BVTV hay phân bón.
“Trong quá trình trồng, không ít vấn đề phát sinh, từ sâu bệnh đến một số cây không phát triển như mong muốn”, ông Điệp bộc bạch. Khi có triệu chứng bất thường, bà con sẽ chia sẻ thông tin qua nhóm Zalo để nhận tư vấn và tìm ra phướng án xử lý phù hợp, đây cũng là bài học kinh nghiệm cho thành viên trong nhóm, đảm bảo phát triển cây ớt theo đúng yêu cầu của dự án.
Các hộ dân đều phải chấp hành nghiêm túc hướng dẫn, từ việc lên luống, chăm sóc, bón phân đến phun thuốc phòng sâu bệnh. Đặc biệt, việc ghi chép nhật ký sản xuất đã trở thành thói quen, giúp các hộ dân quản lý tốt hơn.
Toàn bộ sản phẩm ớt được Công ty Thực phẩm sạch 5 sao Việt Nam bao tiêu với giá 7.000 đồng/kg. Sau 3 tháng, trừ tất cả chi phí, HTX dự kiến thu về gần 150 triệu đồng, con số ổn định hơn so với trồng rau như mọi năm.
Ông Nguyễn Thế Hùng, Giám đốc Công ty Thực phẩm sạch 5 sao Việt Nam đặt nhiều kỳ vọng vào bà con nơi đây. Với vai trò là công ty chuyên chế biến nông sản, ông Hùng và đội ngũ của mình hướng tới việc tìm kiếm những vùng nguyên liệu sạch để phát triển cây ớt. Sản phẩm chủ yếu sẽ được chế biến thành các sản phẩm muối chua đóng lọ để xuất khẩu sang các thị trường lớn như Hàn Quốc, Nhật Bản, Mỹ và châu Âu.
Tại xã Cò Nòi, địa phương này sở hữu nhiều lợi thế tự nhiên với đất thịt tơi xốp, giàu dinh dưỡng, vùng trồng có khả năng thoát nước tốt và hệ thống tưới tiêu thuận tiện. Thời tiết tại đây với đặc điểm “bốn mùa trong ngày” cũng rất phù hợp để phát triển cây ớt. Nhờ đó, xã đã trở thành điểm sáng trong dự án phát triển nông nghiệp bền vững.
Năm 2025, HTX Rau an toàn Vạn Phúc dự kiến mở rộng diện tích sản xuất lên 10 – 15ha. Ngoài giống ớt Jalapeno, HTX sẽ phối hợp với Công ty Thực phẩm sạch 5 sao Việt Nam để phát triển thêm các loại nông sản khác như giống ớt B-vàng hay dưa bao tử. Những cây trồng mới này không chỉ đáp ứng nhu cầu bao tiêu của doanh nghiệp mà còn giúp bà con chuyển đổi hiệu quả những cây trồng như ngô và mía vốn có giá cả bấp bênh sang các sản phẩm nông nghiệp có giá trị cao.
Mô hình cũng tạo điều kiện để nông dân tiếp cận với các phương pháp canh tác hiện đại, góp phần thay đổi diện mạo nông nghiệp địa phương, hướng tới tương lai xanh và bền vững.
Nguồn: nongnghiep.vn