Cơ duyên đến với cây ăn quả “nhà giàu”
Vừa lau mồ hôi, tất bật kiểm tra “sức khỏe” của từng cây cam trĩu quả sắp đến thời kỳ thu hoạch, anh Cường vừa kể về cơ duyên đến với cây cam: Trước đây anh chủ yếu trồng mía, làm phụ hồ, trong một lần xem tivi thấy chương trình khởi nghiệp từ cây cam Canh, cam Vinh, anh vô cùng thích thú vì hai giống cây ăn quả này phù hợp với khí hậu, thổ nhưỡng đất đồi nơi anh sinh sống.
Nghĩ là làm, đầu năm 2013, anh Cường vay mượn của anh em họ hàng và Ngân hàng Chính sách xã hội với số vốn lên tới 10 tỷ đồng để mua lại 6ha đất đồi cằn cỗi của những hộ dân xung quanh. Đồng thời vợ chồng anh không quản ngày đêm bỏ công sức cải tạo đất, thuê máy san ủi, đắp bờ, lên luống, lắp đặt hệ thống tưới nước và mua 2.500 gốc cam Vinh, 2.500 cây cam Canh.
Thời điểm đó, do đây là hai giống cây ăn quả hoàn toàn mới lạ ở địa phương nên khi thấy anh Cường đem về trồng, người dân xung quanh không khỏi ngạc nhiên. Quyết không lùi bước, anh bắt đầu chuỗi ngày “khăn gói quả mướp” lặn lội đến các nhà vườn ở Nghệ An, Hà Nam… để tham quan, học hỏi kinh nghiệm và xuống cả Học viện Nông nghiệp Việt Nam để nhờ các kỹ sư nông nghiệp về tận vườn hướng dẫn cách chăm sóc. Nhờ vậy sau 3 năm miệt mài chăm sóc, 5.000 gốc cam đã cho lứa quả đầu tiên.
“Thời gian đầu khởi nghiệp với cây cam tôi cũng rất lo lắng. Nghe ở đâu có các mô hình trồng cam hiệu quả là tôi tìm đến tận nơi học hỏi. Sau nhiều lần dự các lớp tập huấn về trồng trọt do tỉnh, huyện tổ chức, được hướng dẫn tỉ mỉ về phương pháp canh tác nên tôi yên tâm hơn và đã tích lũy được kiến thức, nắm vững kỹ thuật”, anh Cường nhớ lại.
Lợi nhuận 2 tỷ đồng/năm
Anh Cường cho biết, nhờ chủ động bám đất, bám vườn, đặc biệt áp dụng chặt chẽ các khâu từ chuẩn bị đất trồng đến thu hoạch theo tiêu chuẩn VietGAP nên chất lượng quả cam luôn đảm bảo, an toàn. Ưu điểm của sản xuất cam theo tiêu chuẩn VietGAP là giúp kéo dài tuổi thọ của cây lên tới 15 – 20 năm. Theo đó, nhà vườn phải chú trọng chăm sóc bằng phân bón hữu cơ, sử dụng chế phẩm thảo mộc, thuốc BVTV sinh học, đảm bảo vệ sinh môi trường…
“Cam Vinh và cam Canh là cây khó tính, rất nhạy cảm với thời tiết và sâu bệnh nên trong quá trình chăm sóc cần tỉ mỉ, kiên trì như chăm con mọn. Vào những ngày thời tiết nắng nóng tôi thường tưới nước 2 lần/ngày vào sáng sớm và chiều muộn. Khi dinh dưỡng được bón cân đối thì cây khỏe, ra quả đồng đều. Ngược lại, nếu thiếu hụt dinh dưỡng cây dễ bị nhiễm sâu bệnh, còi cọc và quả sẽ bị rụng sớm. Số lượng quả để lại trên cây tùy theo kích cỡ của cây. Trung bình mỗi cây nếu được chăm sóc tốt có thể đạt tới 1 tạ quả”, anh Cường chia sẻ.
Theo anh Cường, để cây cam cho năng suất cao cần chọn giống sạch bệnh, không bị dập lá, mật độ trồng khoảng 830 cây/ha. Đất trồng cần đảm bảo tơi xốp, dễ thoát nước, đặc biệt giàu mùn, giàu dinh dưỡng, có độ pH phù hợp. Trong vườn cam được anh Cường lắp đặt hệ thống ống dẫn để tưới nước được thuận lợi và chủ động.
Để cây cam ra hoa, đậu quả sai, mỗi năm anh Cường thường bón phân 3 đợt. Bên cạnh đó, anh còn ủ đậu tương, ngô, chuối xay nhuyễn ngâm trong bể dung tích 30 khối, khoảng 7 tháng thì đem bón cho cây cam. Sau khi bón, lấp đất thành ụ cao từ 15 – 20cm so với mặt hố để phân bón phân hủy, thấm vào đất. Anh Cường hoàn toàn không cắt cỏ trong vườn cam mà chỉ dùng máy cắt khi cỏ quá cao. Cỏ có tác dụng giữ đất, chống xói mòn, duy trì độ ẩm cho đất.
Các loại sâu bệnh thường gặp khi trồng cam bao gồm sâu vẽ bùa, sâu đục cành, ruồi, rầy, rệp, nhện đỏ, bệnh loét. “Cây cam Vinh, cam Canh chỉ sợ sâu vẽ bùa, nhất là khi ra lộc non. Bởi vậy cần chú ý khi cây ra lộc thì phun thuốc để kiểm soát sâu hại. Thuốc phun đều là thuốc sinh học, cần phun ngay từ khi chưa có dấu hiệu bị sâu hại, chứ để đến khi có sâu, lá bị vẽ bùa rồi thì phải dùng thuốc nặng mà cây vẫn kém phát triển, có hại cho cả người trong lúc chăm sóc”.
Cây cam cho thu hoạch vào tháng 11 và tháng 12 âm lịch. Quả cam Vinh khi chín vỏ ngoài có màu vàng chanh pha lẫn với màu xanh, tép cam bên trong cũng có màu vàng nhẹ đặc trưng. Trong quá trình thu hoạch, dùng kéo cắt cành để không làm ảnh hưởng đến chất lượng quả. Quả được thu hoạch cần để nơi khô ráo, thoáng mát, không để trực tiếp ngoài ánh nắng vì sẽ bị héo, thối. Sau khi thu hoạch xong, khoảng cuối tháng 12 âm lịch cần xới đất xung quanh gốc, phun thuốc ủ mầm hoa, đến cuối tháng 1 âm lịch tiến hành phun thuốc kích hoa để giúp hoa nở đồng loạt, bón bổ sung phân hữu cơ để giúp cây hồi phục, sinh trưởng tốt.
“Trồng cam không quá khó nhưng cần sự đam mê và phải đầu tư. Trong đó, yếu tố quan trọng nhất để cây ra hoa là phải nắm được thời tiết khi nào chuẩn bị rét đậm để trước đó xử lý diệt một phần rễ và khoanh gốc cam. Lúc cây đậu quả non lại phải khoanh – tiện gốc một lần nữa để giữ quả….”, anh Cường bật mí.
Vườn cam của anh Cường luôn xanh tốt, sai trĩu quả, cho thu hoạch ổn định 120 tấn quả/năm. Năm nay, với giá bán cam Vinh 25.000đ/kg, cam Canh 36.000đ/kg, sau khi trừ tất cả chi phí, gia đình anh lãi khoảng 2 tỷ đồng/năm. Bên cạnh đó, gia đình anh còn tạo việc làm thường xuyên cho 7 lao động địa phương, 50 lao động thời vụ lúc thu hoạch quả với thu nhập 250.000đ/người/ngày.
Nguồn: nongnghiep.vn