Nắm bắt được vai trò quan trọng của nước tưới trong sản xuất nông nghiệp, thời gian qua, bà con nông dân trên địa bàn tỉnh Thái Nguyên đã quan tâm, chú trọng đầu tư, xây dựng các hệ thống tưới phù hợp với từng loại cây trồng.
Có khu vườn rộng 2ha hiện đang trồng các loại cây ăn quả như nhãn, bưởi, hồng xiêm, ông Vũ Duy Hiền (xã Hóa Trung, huyện Đồng Hỷ, tỉnh Thái Nguyên), cho biết, trước đây, khi chưa áp dụng những tiến bộ kỹ thuật, việc chăm sóc cây ăn quả, nhất là tưới nước cho cây của bà con địa phương rất vất vả.
Những ngày đầu tiên trồng các loại cây ăn quả vào năm 2010, ông Hiền phải cầm vòi nước kéo đến từng gốc cây, thậm chí phải mất đến 2 ngày mới tưới xong khu vườn.
Thế nhưng từ năm 2017, được sự hỗ trợ của chính quyền huyện Đồng Hỷ, ông Hiền là hộ đầu tiên tại địa phương lắp đặt, triển khai hệ thống tưới phun sương tự động cho khu vườn với chi phí 100 triệu đồng.
Hệ thống tưới gồm 1 máy bơm công suất lớn ở dưới ao, sau đó chạy đường ống dẫn nước theo hàng cây, lắp van tưới tại từng gốc. Chỉ cần đóng cầu dao, bật công tắc, hệ thống sẽ tự vận hành và tưới không sót một gốc cây nào, rất đơn giản.
“Với khu vườn 2ha của tôi, chỉ cần bật hệ thống tưới tự động khoảng 2 tiếng là cả vườn cây đã đẫm nước rồi. Vào mùa khô, cây cần nhiều nước hơn, 2 ngày tôi sẽ tưới 1 lần. Trồng cây ăn quả ngại nhất là khâu tưới do mất nhiều công sức và thời gian, nhưng giờ đây đã có hệ thống tưới tự động nên công việc đỡ hơn rất nhiều. Nhàn tênh!”, ông Vũ Duy Hiền phấn khởi chia sẻ.
Đặc biệt, theo người dân, bên cạnh việc tiết kiệm nước, giữ ẩm lâu trong đất, áp dụng hệ thống tưới tự động vào sản xuất còn giúp bà con chủ động được việc bón phân cho cây.
Trước đây, mỗi lần muốn bón phân, ông Hiền sẽ phải chờ khi trời mưa, hoặc bón phân xong sẽ phải tưới nước thủ công. Nhưng giờ đây, có hệ thống tưới tự động, kể cả trời nắng hay mùa khô chủ vườn cũng vẫn bón phân được. Bước đầu tiên là dùng máy phát sạch cỏ ở gốc cây. Sau đó vãi phân và bật hệ thống tưới, phân sẽ theo nước ngấm dần xuống đất. Làm theo cách đó phân sẽ được bón đồng đều cho cây, vừa tiết kiệm nước, vừa tiết kiệm phân.
Mỗi năm, khu vườn cây ăn quả của ông Hiền sẽ cho sản lượng 10 tấn nhãn, khoảng 10.000 – 20.000 quả bưởi, mang lại nguồn thu nhập hơn 100 triệu đồng. Ngoài ra, do được sản xuất theo quy trình VietGAP nên quả được đánh giá có chất lượng tốt và mẫu mã đẹp.
Theo ông Hà Trọng Tuấn, Giám đốc Trung tâm Khuyến nông tỉnh Thái Nguyên, từ những lợi ích thiết thực của việc áp dụng hệ thống tưới tự động vào sản xuất, tỉnh Thái Nguyên có nhiều chính sách thúc đẩy phát triển hệ thống tưới tự động, tưới tiết kiệm. Đặc biệt, tỉnh đã có chương trình hỗ trợ 40% chi phí lắp đặt, vận hành sử dụng hệ thống tưới tự động cho người dân.
Cùng với đó, Trung tâm Khuyến nông tỉnh Thái Nguyên cũng như các cơ quan trong ngành nông nghiệp đã tích cực trong việc tuyên truyền, khuyến khích, phổ biến cho bà con nông dân thấy được những lợi ích trong việc sử dụng hệ thống tưới tự động, tưới tiết kiệm trong sản xuất. Đồng thời, tư vấn, hướng dẫn cho bà con trong việc lắp đặt, sử dụng hệ thống tưới tự động và triển khai nhiều chính sách xây dựng những mô hình để chuyển giao tiến bộ kỹ thuật đó.
“Nhờ vậy, hiện nay, việc ứng dụng hệ thống tưới tiết kiệm, tưới tự động vào sản xuất đã trở thành xu hướng và đang ngày càng được nhân rộng trên địa bàn tỉnh Thái Nguyên. Qua đó góp phần nâng cao năng suất, chất lượng nông sản, nâng cao hiệu quả sử dụng vật tư đầu vào, nâng cao ý thức của người dân trong việc tiết kiệm nguồn tài nguyên nước hữu hạn, thúc đẩy phát triển tăng trưởng xanh, phát triển bền vững ngành nông nghiệp”, ông Hà Trọng Tuấn nhấn mạnh.
Theo Trung tâm Khuyến nông tỉnh Thái Nguyên, hiện nay, đối với cây chè, người dân địa phương đang áp dụng hệ thống tưới phun mưa. Đối với cây ăn quả, bà con đang áp dụng hệ thống tưới phun dưới gốc, kết hợp tưới nhỏ giọt. Đối với cây rau màu, bà con đang áp dụng hệ thống tưới phun sương và tưới nhỏ giọt. Cùng với đó, nhiều hộ dân đã đầu tư hệ thống tưới tự động, tưới hẹn giờ được điều khiển từ xa.
Nguồn: nongnghiep.vn