Thượng Ân là xã thuần nông của huyện Ngân Sơn (tỉnh Bắc Kạn), nơi đây có giống lúa Khẩu nua lếch nổi tiếng thơm ngon. Từ xa xưa, người dân đã canh tác giống lúa này, tuy nhiên cách canh tác truyền thống sử dụng nhiều phân bón hóa học, tác động xấu đến chất lượng đất.
Năm 2024, 70 hộ ở các thôn Nà Hin, Bản Luộc, Nà Bưa, Bản Slành (xã Thượng Ân) thử nghiệm canh tác lúa Khẩu nua lếch theo hướng hữu cơ. Mô hình thực hiện trên diện tích hơn 25ha, người dân được hỗ trợ 100% phân bón hữu cơ (gồm phân bón Quế Lâm KH08 để bón lót; KH12 để bón thúc lần 1; KH06 để bón thúc lần 2 và chế phẩm sinh học). Ngoài ra, các hộ tham gia mô hình còn được hỗ trợ 100% chi phí tập huấn kỹ thuật trồng và chăm sóc, phòng trừ sâu bệnh, xây dựng hợp đồng liên kết tiêu thụ sản phẩm và ghi chép nhật ký sản xuất.
Trước khi cày bừa, người dân bón lót từ 800 đến 1.000kg phân chuồng và 50kg phân bón Quế Lâm KH08/1.000m2 đất. Sau khi cấy từ 5 đến 7 ngày tiếp tục bón thúc lần 1, khối lượng 35kg phân bón Quế Lâm KH12. Giai đoạn bóc dảnh lúa thấy có khối bông xốp bằng nửa hạt thóc hoặc 10% số dảnh cái thắt eo đầu lá thì bón đón đòng (bón thúc lần 2) với 35kg phân hữu cơ khoáng Quế Lâm KH06.
Tại xã Cốc Đán (huyện Ngân Sơn), mô hình liên kết sản xuất lúa chất lượng cao theo hướng hữu cơ gắn với tiêu thụ sản phẩm cũng được thực hiện với diện tích hơn 36ha, có 105 hộ tham gia.
Vừa qua, sau khi kiểm tra, ngành chuyên môn huyện Ngân Sơn đánh giá sâu bệnh hại trên lúa mô hình ít hơn so với lúa bón phân vô cơ. Năng suất thóc tươi ruộng mô hình cao hơn ruộng bón phân vô cơ. Bênh cạnh đó, ruộng canh tác theo hướng hữu cơ cho sản phẩm an toàn, hướng tới sản xuất hàng hóa, đáp ứng yêu cầu chất lượng ngày càng cao của người tiêu dùng.
Cụ thể năng suất thóc khô của mô hình đạt 420kg/1.000m2, năng suất trên cùng diện tích đối với bón phân vô cơ là 395kg. Ngoài năng suất cao hơn, thóc được trồng theo hướng hữu cơ cũng có giá bán cao hơn so với canh tác truyền thống.
Ông Hà Đồng Yên, trưởng thôn Bản Pàu (xã Cốc Đán) cho biết, do lần đầu trồng lúa theo hướng hữu cơ nên vẫn còn một số hộ chưa thực hiện đầy đủ quy trình kỹ thuật theo hướng dẫn, chưa có kinh nghiệm kiểm tra dịch hại dẫn đến năng suất chưa vượt trội so với kiểu canh tác truyền thống. Nhưng điều thấy rõ là hạt thóc đẹp, bán được giá cao hơn từ 4 đến 5 nghìn đồng/kg.
Sản xuất lúa theo hướng hữu cơ áp dụng kỹ thuật canh tác lúa cải tiến (SRI) giúp cải tạo và bảo vệ đất, giảm phát thải khí nhà kính, thích ứng với biến đổi khí hậu, bảo vệ sức khỏe cộng đồng, nâng cao chất lượng sản phẩm và nâng cao hiệu quả kinh tế.
Mô hình tại huyện Ngân Sơn cũng giúp người dân làm quen với việc chuyển đổi phương thức canh tác thông thường sang sản xuất lúa hữu cơ, tạo ra sản phẩm đảm bảo các tiêu chuẩn của các thị trường. Ngoài ra, canh tác hữu cơ đối với giống lúa Khẩu nua lếch góp phần bảo vệ, duy trì và nâng tầm thương hiệu cho loại gạo đặc sản này.
Ông Nông Văn Hoạt, Trưởng Phòng NN-PTNT huyện Ngân Sơn cho biết: Với sự liên kết “4 nhà”, mô hình sản xuất lúa đặc sản theo hướng hữu cơ giúp nông dân từng bước thay đổi nhận thức theo hướng hàng hóa, thân thiện với môi trường. Bên cạnh đó, các hộ cũng nâng cao thu nhập, cải thiện sức khỏe, tạo động lực để nông dân tiếp tục mở rộng diện tích. Đây là tiền đề để thực hiện các mô hình sản xuất lúa hữu cơ trong những năm tiếp theo.
“Sản xuất lúa theo hướng hữu cơ giúp cải tạo và bảo vệ đất lúa, bảo vệ môi trường, bảo vệ sức khỏe cộng đồng, nâng cao giá trị hạt gạo, góp phần đảm bảo an ninh lương thực, phát triển kinh tế – xã hội trên địa bàn”, ông Hoạt nhấn mạnh.
Nguồn: nongnghiep.vn