Mô hình thí điểm Đề án 1 triệu ha lúa chất lượng cao, phát thải thấp được thực hiện với diện tích trên 43ha của 20 hộ dân ở ấp 4, xã Láng Biển thuộc HTX Dịch vụ nông nghiệp Thắng Lợi (huyện Tháp Mười, Đồng Tháp) vừa được Cục Trồng trọt kết hợp với Sở NN-PTNT Đồng Tháp tổ chức sơ kết đánh giá.
Theo ông Nguyễn Văn Hùng, Giám đốc HTX Dịch vụ nông nghiệp Thắng Lợi, mô hình áp dụng quy trình kỹ thuật sản xuất lúa chất lượng cao và phát thải thấp vùng ĐBSCL được Cục Trồng trọt ban hành. Nông dân ứng dụng cơ giới hóa trong gieo sạ (sạ hàng, sạ cụm kết hợp vùi phân), nhờ đó giảm được 80kg giống/ha so với phun bằng máy (chỉ sử dụng 70kg giống/ha), giảm lượng phân bón từ 20 – 40%, giảm số lần phun thuốc bảo vệ thực vật, rơm được thu gom ra khỏi ruộng, được doanh nghiệp ký kết tiêu thụ lúa.
Từ đó, nông dân giảm chi phí sản xuất, tăng chất lượng hạt gạo, tăng lợi nhuận, giảm ô nhiễm môi trường, giảm phát thải khí nhà kính (giảm 4,92 tấn CO2tđ/ha).
Năng suất lúa mô hình đạt 6,5 – 6,9 tấn/ha và được doanh nghiệp bao tiêu toàn bộ với giá cao hơn thị trường từ 100 – 150 đồng/kg. Lợi nhuận sản xuất lúa của mô hình cao hơn 2,2 triệu đồng/ha so với đối chứng. Ngoài ra nông dân có thêm thu nhập từ 800.000 – 900.000 đồng/ha nhờ việc bán rơm.
Bên cạnh kết quả đạt được, nhiều nông dân trong mô hình cho biết còn một số khó khăn như: Vùi phân không đều, rút nước trên ruộng lúa giai đoạn 12 – 21 ngày sau sạ chưa khả thi, việc thu gom rơm trong mùa mưa gặp khó khăn cũng như thu gom và trữ rơm cùng lúc với số lượng lớn cần thực hiện bằng nhiều giải pháp. Cùng với đó, việc đảm bảo số lượng máy móc để cơ giới hóa (gieo sạ đến thu hoạch) trên diện tích lớn, thực hiện đồng loạt khi nhân rộng mô hình cần được tính toán hợp lý.
Với hiệu quả mô hình mang lại, đại diện Phòng NN-PTNT các huyện, thành phố trong tỉnh thống nhất chủ trương nhân rộng mô hình trong các mùa vụ tới. Cụ thể, dự kiến sẽ nhân rộng tại 8 huyện với 11 mô hình (từ 100 – 150ha/mô hình), tổng diện tích 1.325ha, thực hiện liên tục trong 3 vụ. Riêng mô hình điểm tại xã Láng Biển sẽ mở rộng tăng thêm thành 150ha.
Ông Nguyễn Phước Thiện, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Đồng Tháp đề nghị Sở NN-PTNT tỉnh tiếp tục phối hợp với huyện Tháp Mười thực hiện tốt mô hình thí điểm tại xã Láng Biển cũng như xây dựng kế hoạch cụ thể để nhân rộng tại các huyện còn lại, có phương án chuẩn bị các thiết bị máy móc để cơ giới hóa.
Ông Thiện nhấn mạnh, mô hình canh tác lúa chất lượng cao, phát thải thấp gắn với tăng trưởng xanh có mục tiêu trước tiên là hướng đến giảm giá thành sản xuất. Do đó nông dân cần tuân thủ áp dụng quy trình sản xuất, đảm bảo tiêu chí mô hình.
Thời gian tới, UBND tỉnh Đồng Tháp mong muốn các doanh nghiệp, nhà tài trợ tiếp tục hỗ trợ, đồng hành cùng tỉnh trong thực hiện mô hình. Đề nghị ngành nông nghiệp tỉnh nghiên cứu đầu tư thiết bị máy móc hiện đại nhằm thực hiện dịch vụ cho nông dân, HTX thuê máy móc. Đồng thời, đẩy mạnh tuyên truyền đến nông dân về Đề án 1 triệu ha lúa.
Nguồn: nongnghiep.vn