Trồng lúa sinh thái lợi nhuận gần 28 triệu đồng/ha
Huyện Tam Nông, tỉnh Đồng Tháp là một trong những địa phương ở vùng đất sen hồng đi đầu áp dụng canh tác lúa sinh thái tuần hoàn gắn với liên kết tiêu thụ sản phẩm nông sản. Tháng 8, miền Tây bước vào mùa mưa, bà con tất bật thu hoạch lúa hè thu.
Vụ này lúa đạt năng suất bình quân từ 6-6,2 tấn/ha, cá biệt có khu ruộng trên 6,4 tấn/ha. Nông dân đã liên kết với các doanh nghiệp và thương lái thu mua lúa tươi tại ruộng với giá từ 7.400 – 7.600đồng/kg với giống lúa OM18 và OM4900, còn lúa OM5451 có giá 7.150 – 7.250 đồng/kg. Với giá bán trên, sau khi trừ tất cả chi phí, nông dân lãi bình quân từ 20 – 24 triệu đồng/ha trở lên.
Mô hình sản xuất lúa sinh thái kết hợp nuôi cá, vịt quy mô 20ha của hơn 10 hộ dân Tổ hợp tác Quyết Tiến (xã Phú Thành A, huyện Tam Nông) do anh Nguyễn Minh Tuấn làm Tổ trưởng cũng vừa thu hoạch xong. Lúa cho năng suất bình quân 6 tấn/ha. bán với giá 7.700 đồng/kg. Sau khi trừ chi phí, nông dân còn lợi nhuận gần 28 triệu đồng/ha. Bên cạnh đó các hộ dân còn thu thêm cả chục triệu đồng/ha/vụ từ nuôi vịt và cá đồng trong ruộng lúa.
Anh Nguyễn Minh Tuấn cho biết, đây là vụ lúa thứ 5 sản xuất theo mô hình “nông nghiệp tử tế”. Tổ hợp tác thực hiện mô hình lúa – cá – vịt đã giúp giảm được khoảng 30% chi phí sản xuất lúa so với cách làm thông thường. Nhờ nắm được những thời điểm sinh trưởng quan trọng của cây lúa nên nông dân chủ động quản lý sâu rầy, dịch hại. Cùng với đó, sử dụng máy sạ cụm của Công ty Sài Gòn Kim Hồng giúp giảm lượng giống gieo sạ từ 140-160 kg/ha xuống còn 60-70kg/ha; bón vùi phân hướng hữu cơ nên trên ruộng còn thả cả vịt và trữ cá đồng, vừa đỡ tốn công, chi phí diệt sâu rầy, vừa tăng thu nhập.
Đặc biệt trong vụ lúa hè thu, anh còn sử dụng chế phẩm sinh học Emuniv để phân hủy rơm rạ trước khi gieo sạ, từ cách làm đó giúp rơm rạ biến thành phân hữu cơ hữu hiệu phục vụ lại cho cây trồng.
Trước khi xuống giống vụ hè thu, anh Tuấn chọn 5ha thí điểm sử dụng sản phẩm vi sinh Emuniv để phân giải các chất hữu cơ và cải tạo đất trồng bằng 2 cách:
Cách 1, Khi thu hoạch lúa kết hợp băm rơm, sau đó dùng 10kg phân hữu cơ trộn với sản phẩm Emuniv theo liều lượng 250 gram rải đều trên 1.000m2 mặt ruộng. Sau đó tiến hành cày xới, đợi 20 – 25 ngày thấy rơm rạ bị phân hủy và không có mùi hôi, lúc đó cho tiến hành xuống giống.
Cách 2, khi thu hoạch máy gặt đập liên hợp phun rơm rạ trên đồng, không có băm rơm, tiến hành trộn phân hữu cơ và chế phẩm vi sinh với liều lượng giống như cách 1 rồi rải đều trên đồng ruộng. Sau đó cho nước vào đồng ruộng và đợi 15-20 ngày tiến hành cày xới đất rồi xuống giống.
Qua kết quả đánh giá mô hình thí điểm, anh Tuấn thấy cách 1 mang lại hiệu quả cao hơn cách 2 do giảm chi phí phân bón từ 15-20%, rễ cây phát triển mạnh, lúa cứng cây, ít đổ ngã, giảm 1-2 lần phun thuốc sâu bệnh… Đặc biệt sử dụng sản phẩm Emuniv giúp phân hủy những chất độc trong đất, cải tạo đất tốt, cây lúa phát triển xanh tốt, đạt chất lượng cao, bảo vệ sức khỏe người sản xuất.
Trồng lúa sinh thái hướng đến giảm phát thải
Ông Huỳnh Thanh Tùng, Phó Chủ tịch UBND xã Phú Thành A, huyện Tam Nông cho biết, mô hình canh tác nông nghiệp sinh thái bắt đầu được triển khai từ vụ đông xuân năm 2022 – 2023, với tổng diện tích khoảng 82ha/vụ, giống lúa được gieo trồng trong mô hình là OM18.
Trong mô hình canh tác nông nghiệp sinh thái, nông dân được hướng dẫn áp dụng nhiều giải pháp kỹ thuật tích hợp trên đồng ruộng như: áp dụng máy sạ cụm và bón vùi phân hữu cơ, nuôi xen canh vịt, cá vào ruộng lúa giúp hỗ trợ quản lý cỏ dại, loại trừ sinh vật gây hại và cung cấp một phần phân hữu cơ cho lúa.
Áp dụng thiết bị bay không người lái để phun xịt thuốc BVTV, áp dụng nhật ký điện tử để truy xuất nguồn gốc. Việc áp dụng một số phương pháp sản xuất mới giúp cho nông dân thực hiện mô hình tăng hiệu quả kinh tế, lợi nhuận tăng thêm từ 3 – 4 triệu đồng/ha so với sản xuất truyền thống. Giá thành sản xuất lúa hữu cơ trong ruộng mô hình cũng giảm hơn so với ruộng ngoài mô hình từ 293 – 300 đồng/kg lúa.
Ông Lâm Trọng Nghĩa, Phó Giám đốc Trung tâm Dịch vụ nông nghiệp huyện Tam Nông cho biết, thời gian qua huyện đang tập trung đẩy mạnh sản xuất nông nghiệp hữu cơ lúa – cá – vịt theo hướng bền vững. Khi nhìn thấy kết quả ấn tượng từ mô hình, bà con nông dân trồng lúa hữu cơ rất phấn khởi vì đã góp phần bảo vệ môi trường trong lành.
Theo ông Nghĩa, trong thời gian tới, ngành nông nghiệp sẽ tiếp tục duy trì và phát triển mạnh mô hình sản xuất này. Hiện, UBND huyện cũng có chủ trương cho phép Trung tâm Dịch vụ nông nghiệp xây dựng Đề án sản xuất nông nghiệp tuần hoàn, hiện đại và phát thải thấp với diện tích trên 100ha. Những phần việc trong đề án này sẽ được triển khai trên nền tảng của mô hình canh tác nông nghiệp sinh thái tại xã Phú Thành A.
Mục tiêu của mô hình còn hướng tới giúp nông dân áp dụng các giải pháp sản xuất nông nghiệp tiên tiến, giảm phát thải khí nhà kính và được cấp tín chỉ carbon. Đây là nhiệm vụ quan trọng mà ngành nông nghiệp huyện Tam Nông quan tâm thực hiện.
Mô hình sản xuất nông nghiệp sinh thái lúa – cá – vịt ở xã Phú Thành A, huyện Tam Nông (Đồng Tháp) đã được Bộ trưởng Bộ NN-PTNT Lê Minh Hoan đến thăm. Bộ trưởng đánh giá cao hiệu quả của mô hình mang lại, đồng thời đề nghị địa phương và nông dân tiếp tục phát triển và mở rộng sản xuất lúa – cá – vịt theo đúng quy trình hữu cơ tuần hoàn, giảm phát thải, tăng lợi nhuận cho nông dân. Nếu thích hợp thì nông dân nên nuôi vịt nhiều hơn để thả vào ruộng lúa và liên kết với công ty, doanh nghiệp vừa tiêu thụ sản phẩm lúa, vừa tiêu thụ được vịt thương phẩm, góp phần nâng cao lợi nhuận cho nông dân.
Nguồn: nongnghiep.vn