Bí thư Tỉnh ủy Sóc Trăng Lâm Văn Mẫn ghi nhận và đánh giá cao sự đồng lòng, đoàn kết chung sức của cộng đồng doanh nghiệp, người dân và cả hệ thống chính trị của tỉnh vượt qua khó khăn năm 2023, trong bối cảnh kinh tế nhiều biến động.
Đến nay, tỉnh Sóc Trăng đã hoàn thành nhiều nội dung, mục tiêu đề ra. Với tốc độ tăng trưởng của tỉnh đạt 5,57%, đứng thứ 7 ở khu vực ĐBSCL và thứ 39 trong cả nước. Đặc biệt, lần đầu tiên trong 10 năm qua, tỉnh Sóc Trăng có tốc độ tăng trưởng kinh tế GRDP tăng trưởng liên tục trong 4 quý.
Ngoài ra, trong năm 2023 tỉnh Sóc Trăng đã hoàn thành nhiều nhiệm vụ, công trình trọng điểm. Nhất là hoàn thành Quy hoạch tỉnh Sóc Trăng, thời kỳ 2021 – 2030, tầm nhìn đến năm 2050 và đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt. Đây là cơ sở để cộng đồng doanh nghiệp trong tỉnh nghiên cứu, thực hiện các phương án sản xuất kinh doanh dài hơi, bài bản, căn cơ phù hợp với định hướng Quy hoạch của tỉnh.
Ông Lâm Văn Mẫn khẳng định đây là những tiền đề quan trọng góp phần vào định hướng phát triển kinh tế – xã hội những năm tiếp theo của tỉnh Sóc Trăng.
Dịp này, nhiều doanh nghiệp lĩnh vực thủy sản, nhất là ngành tôm bày tỏ khó khăn khi lượng đơn hàng xuất khẩu sụt giảm, giá thành chưa đảm bảo tính cạnh tranh. Ngoài ra còn những tác động từ các yếu tố môi trường, dịch bệnh…
Bí thư Tỉnh ủy Sóc Trăng đánh giá, bối cảnh “trong nguy có cơ” này là cơ hội để ngành thủy sản có điều kiện tái cơ cấu. Từng doanh nghiệp sẽ suy nghĩ lại chiến lược và đưa ra kế hoạch kinh doanh mới, đổi mới công nghệ, quản trị, để giảm giá thành, tăng sức cạnh tranh.
Trước bối cảnh khó khăn chung của nền kinh tế, nhất là đối với lĩnh vực nuôi tôm nước lợ ở Sóc Trăng, ông Huỳnh Ngọc Nhã, Giám đốc Sở NN-PTNT tỉnh cho biết, ngành nông nghiệp đã kiến nghị với Cục Thủy sản (Bộ NN-PTNT) xây dựng các định hướng, giải pháp cải thiện ngành tôm, tăng sức cạnh tranh với một số quốc gia như Ecuador, Ấn Độ…
Bên cạnh đó, hiện Sở NN-PTNT tỉnh Sóc Trăng đang tập trung thực hiện nhiều giải pháp nâng cao chất lượng, giảm giá thành. Trong đó, chú trọng cải thiện chất lượng tôm giống bố mẹ đảm bảo sạch bệnh, kháng bệnh, cho ra con giống tốt. Đồng thời, ngành cũng tập trung quản lý việc lưu hành tôm giống để phục vụ tốt vùng nuôi.
Riêng đối với các quy trình nuôi tôm nước lợ, do đặc thù lĩnh vực ngành nuôi chịu tác động bởi các yếu tố sinh học và môi trường rất lớn, khó xây dựng một quy trình nuôi thống nhất và cố định. Vì thế, việc chủ động kiểm soát tốt nhất từng quy trình nuôi phù hợp với điều kiện thực tế là giải pháp đang được ngành thủy sản Sóc Trăng thực hiện.
Ông Nhã nhìn nhận, trước bối cảnh biến đổi khí hậu, dịch bệnh và những tác động về giá thành, việc nâng cao vai trò của cán bộ quản lý và cải thiện kiến thức nuôi tôm cho bà con nông dân là rất cần thiết.
Trong năm 2023, Sở NN-PTNT tỉnh Sóc Trăng đã phối hợp với các chuyên gia Trường Thủy sản (Đại học Cần Thơ) tổ chức đào tạo nguồn nhân lực nuôi tôm chất lượng cao, chuyên nghiệp cho bà con nông dân, HTX, cán bộ quản lý và doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh.
Đến nay chương trình đã phối hợp tổ chức được 2 lớp đào tạo, cấp chứng nhận “người nuôi tôm chuyên nghiệp” cho khoảng 200 đối tượng tham gia. Trong năm 2024 chương trình dự kiến sẽ tiếp tục được triển khai, lan tỏa kiến thức nuôi tôm tới sâu rộng nông dân trên địa bàn tỉnh.
Ngày 7/12/2023, Hội đồng nhân dân tỉnh Sóc Trăng đã ban hành Nghị quyết số 113/NQ-HĐND về phát triển kinh tế – xã hội năm 2024. Với mục tiêu tập trung nguồn lực đầu tư xây dựng kết cấu hạ tầng, thực hiện cơ cấu lại ngành nông nghiệp, xây dựng nông thôn mới, thích ứng với biến đổi khí hậu và bảo vệ môi trường.
Trong đó, tốc độ tăng tổng sản phẩm trên địa bàn (GRDP) đạt từ 7 – 7,5%. Tỷ lệ sản lượng lúa đặc sản, chất lượng cao chiếm 93,37% tổng sản lượng lúa toàn tỉnh. Tổng sản lượng thủy, hải sản đạt 380.000 tấn. Giá trị sản phẩm thu hoạch trên 1ha đất trồng trọt và nuôi trồng thủy sản đạt trên 240 triệu đồng/ha.
Nguồn: nongnghiep.vn