Tìm lối đi riêng cho sản xuất vụ đông
Men theo con đường lên bản Bó Hạc (xã Cò Nòi, huyện Mai Sơn) – nơi có tiểu vùng khí hậu đặc trưng của vùng cao Tây Bắc, những ngày này bà con đang hối hả chăm sóc những luống rau vụ đông xanh mướt. Những ngày chớm đông, nhịp sống của người dân nơi đây luôn hối hả.
Cơn bão số 2 và số 3 năm nay không tác động trực tiếp đến bản làng vùng cao nơi đây, nhưng vẫn kéo theo những trận mưa lớn suốt nhiều ngày khiến nhiều diện tích cây trồng bị ảnh hưởng, vì vậy bước vào vụ đông, bà con ai cũng tích cực sản xuất để bù đắp phần nào thiệt hại do mưa lũ ở vụ mùa.
Ở vụ đông, nhiều hộ dân vẫn tập trung trồng rau, dù giá cả có lúc thiếu ổn định bởi nguồn cung ngày càng lớn, nhất là các hợp tác xã dưới xuôi có nhiều lợi thế, từ khoảng cách địa lý đến các kỹ thuật, công nghệ cao áp dụng trong sản xuất. Điều này buộc bà con trong bản phải dần phải tìm hướng thay đổi, tạo ra sản phẩm rau vụ đông mang tính đặc thù, có sức cạnh tranh cao.
Hợp tác xã (HTX) Sản xuất Rau an toàn Vạn Phúc (xã Cò Nòi, huyện Mai Sơn) được biết đến là địa chỉ uy tín trong sản xuất rau, nhưng nay đã chuyển hướng mới đầy tiềm năng sang trồng thử nghiệm giống ớt Jalapeno phục vụ xuất khẩu.
Với tổng diện tích 11ha, HTX đã gieo trồng nhiều loại rau màu và dâu tây, nhưng nổi bật hơn cả là 4ha trồng ớt Jalapeno. Đây là giống ớt được HTX liên kết trồng thử nghiệm cùng một công ty chế biến thực phẩm tại Bắc Giang. Những thử nghiệm này không chỉ đánh dấu bước ngoặt trong định hướng sản xuất của HTX mà còn mở ra cơ hội phát triển bền vững cho bà con nông dân trong khu vực.
Ớt Jalapeno có nguồn gốc từ Mexico, là giống lai với khả năng sinh trưởng mạnh mẽ và kháng bệnh tốt. Cây phát triển khỏe, cho năng suất cao, mỗi cây có thể đạt từ 50 – 80 quả. Quả ớt có hình dạng độc đáo giống đầu đạn pháo, dài 6 – 8cm, đường kính khoảng 4cm, trọng lượng từ 20 – 45g mỗi quả. Năng suất trung bình đạt 45 – 60 tấn/ha và có thể đạt tới 70 tấn nếu thâm canh trong điều kiện tốt.
Đất phù hợp để trồng ớt Jalapeno là đất thịt tơi xốp, giàu dinh dưỡng, thoát nước tốt và thuận tiện tưới tiêu. Cây giống phải khỏe mạnh, khoảng cách trồng chuẩn là 50x40cm, đảm bảo độ thông thoáng giúp cây phát triển tối ưu. Phân bón được sử dụng chủ yếu là phân hữu cơ, phân chuồng ủ hoai mục với lượng bón 7,5 tấn/ha, sau đó bón phân N-P-K với lượng thấp khoảng 0,9 – 1,05 tấn/ha. Trong quá trình sinh trưởng, cần thường xuyên cắt tỉa lá già, tạo điều kiện thông thoáng cho vườn để giảm thiểu sâu bệnh.
Chị Lò Thị Thủy, Giám đốc Sản xuất Rau an toàn HTX Vạn Phúc đã dành hơn 2ha đất để trồng giống ớt này. Với mỗi ha trồng 3.500 cây, chi phí đầu tư cho cây giống là gần 40 triệu đồng. Thêm đó, giếng khoan, hệ thống ống nước tưới nhỏ giọt và màng nilon phủ luống được đầu tư khoảng 60 triệu đồng.
Toàn bộ quy trình sản xuất tại HTX đều được ứng dụng công nghệ và kỹ thuật hiện đại. Từ cách lên luống, phủ bạt đến chăm sóc cây trồng, các thành viên được chuyên gia từ Viện Nghiên cứu Rau quả (Viện Khoa học Nông nghiệp Việt Nam) trực tiếp hướng dẫn. HTX còn sử dụng ứng dụng zalo để kết nối các thành viên, tạo nhóm chia sẻ kinh nghiệm và xử lý kịp thời các vấn đề về sâu bệnh.
Khi gặp khó khăn trong sản xuất, các hộ dân có thể báo cáo lên nhóm để nhận sự hỗ trợ từ chuyên gia. Cách làm này không chỉ giúp nâng cao hiệu quả canh tác mà còn giúp các thành viên học hỏi lẫn nhau, cải thiện kỹ năng sản xuất.
Liên kết sản xuất với doanh nghiệp
Nhằm đảm bảo đầu ra ổn định, HTX Sản xuất Rau an toàn Vạn Phúc đã ký hợp đồng hợp tác với một công ty chế biến thực phẩm tại Bắc Giang. Theo thỏa thuận, công ty cung cấp giống ớt với giá ưu đãi 500 đồng/cây, hỗ trợ kỹ thuật canh tác bởi các chuyên gia từ Viện Nghiên cứu Rau quả. Quy trình sản xuất theo hướng hữu cơ. Ngoài ra, công ty còn cam kết bao tiêu toàn bộ sản phẩm với giá thu mua 7.000 đồng/kg.
Loại ớt này chủ yếu được chế biến thành sản phẩm muối chua đóng lọ để xuất khẩu sang các thị trường lớn như Hàn Quốc, Nhật Bản, Mỹ hay châu Âu. Dự kiến với năng suất đạt 30 – 40 tấn/ha, HTX có thể thu lợi nhuận từ 500 – 600 triệu đồng trên tổng diện tích 4ha sau khi trừ chi phí. Đây là con số khả quan so với trồng các loại rau màu truyền thống, đặc biệt trong bối cảnh giá rau xuống thấp vào mùa đông do cạnh tranh với các tỉnh đồng bằng.
Chị Thủy chia sẻ: “Nếu vụ đông năm nay thành công, HTX sẽ mở rộng diện tích trồng ớt và khuyến khích các hộ dân trong xã tham gia. Đây là hướng đi lâu dài và bền vững, đặc biệt trong bối cảnh thị trường rau ngày càng cạnh tranh khốc liệt”.
Dù tiềm năng kinh tế lớn, việc trồng ớt Jalapeno tại HTX vẫn đối mặt với không ít thách thức. Điều kiện thời tiết khô hanh kéo dài trong mùa đông dẫn đến thiếu nguồn nước tưới, nguy cơ sâu bệnh vẫn luôn tiềm ẩn trong lần đầu thử nghiệm. Chi phí đầu tư hệ thống tưới nhỏ giọt ban đầu tương đối cao để đảm bảo tưới cho vụ đông. Tuy nhiên, với sự hỗ trợ từ chuyên gia và sự đồng lòng của các thành viên HTX, những khó khăn này đang từng bước được khắc phục.
Theo bà Cầm Thị Phong, Phó Giám đốc Sở NN-PTNT tỉnh Sơn La, tỉnh đang tích cực thúc đẩy mô hình liên kết sản xuất giữa các doanh nghiệp, hợp tác xã và tổ hợp tác theo chuỗi giá trị. Mục tiêu là hỗ trợ nông dân tiêu thụ sản phẩm cây trồng vụ đông, giúp bà con yên tâm và ổn định sản xuất.
Ngành nông nghiệp Sơn La đã triển khai nhiều chương trình hỗ trợ nhằm giúp các hộ dân vùng khó khăn phát triển sản xuất, đồng thời đáp ứng hai định hướng lớn của tỉnh là đẩy mạnh xuất khẩu và nâng cao tỷ trọng sản phẩm chế biến sâu.
Để đạt được những mục tiêu này, nhiều vùng sản xuất nông sản đã được đầu tư hạ tầng như hệ thống giao thông nội đồng, hệ thống tưới tiêu, cũng như xây dựng cơ sở chế biến hiện đại. Các hoạt động này giúp phát triển thương hiệu, mở rộng thị trường tiêu thụ cho nông sản địa phương.
Sơn La đã và đang tập trung thu hút đầu tư vào lĩnh vực chế biến nông sản. Các doanh nghiệp lớn như Phúc Sinh, Minh Tiến, Doveco, Nafoods… đã xây dựng các nhà máy chế biến hiện đại và đồng hành cùng người dân trong việc phát triển vùng nguyên liệu. Qua đó không chỉ tạo việc làm, ổn định đầu ra cho nông sản mà còn nâng cao giá trị sản phẩm, cải thiện thu nhập cho nông dân.
Nguồn: nongnghiep.vn