Khấm khá nhờ trồng rau màu hàng hóa
Nằm phía đông của huyện Diễn Châu, tỉnh Nghệ An, là vùng giáp ranh giữa ven biển và đồng bằng, xã Diễn Hoàng được thiên nhiên ưu đãi cho dải đất màu pha cát đặc trưng, vừa chống ngập úng tốt lại đảm bảo độ phì nhiêu, được xem là điều kiện tuyệt vời để trồng các loại rau màu hàng hóa, nâng cao thu nhập cho người dân trên cùng đơn vị diện tích.
Trồng màu không cần quá nhiều diện tích vẫn mang lại nguồn thu vượt trội, quá trình làm đòi hỏi nhà nông phải chủ động xử lý đất, dịch bệnh, đặc biệt là tuân thủ đúng lịch gieo trồng nhằm “né” mưa bão, cũng như xuất hàng đúng thời điểm để đạt hiệu quả kinh tế tối đa. Với kinh nghiệm thực tiễn dạn dày, những yếu tố trên được người dân xã Diễn Hoàng áp dụng nhuần nhuyễn và đồng bộ.
Thôn Hoàng La Trung những ngày này như một dải lụa xanh mướt mắt, trên đồng không ngớt tiếng người cười nói, xen lẫn âm thanh xình xịch của những xe tải cỡ lớn tìm đến nhập hàng, không khí nhộn nhịp trải khắp làng trên xóm dưới như báo hiệu cho một mùa màng bội thu.
Trên trán nhễ nhại mồ hôi nhưng nụ cười luôn hiện diện thường trực, miệng nói tay làm, thoăn thoắt hái những trái dưa tròn trịa, căng mọng di chuyển về điểm tập kết, anh Lê Viết Phương, nông dân thôn Hoàng La Trung chia sẻ: “Đất này phù hợp trồng rau màu hàng hóa, trong đó trồng dưa là tốt nhất. Tùy vào diễn biến thời tiết từng năm sẽ bố trí khung thời vụ phù hợp, thông thường gia đình tôi triển khai đều đặn 3 – 4 vụ/năm trên quy mô diện tích 10 sào, bình quân mỗi sào mang lại 2 tấn dưa, tính toán sơ bộ cũng có vài chục triệu rồi”.
Những người bám riết với nghề nhiều năm như anh Phương thừa hiểu trồng màu không quá vất vả nhưng không vì thế mà được phép chủ quan, lơ là, ngược lại phải nắm vững đặc điểm của từng loại cây trồng, qua đó xây dựng phương án sát với thực tiễn, mục đích chính không gì khác ngoài giảm thiểu tối đa rủi ro và tăng cao thu nhập.
Đúc rút kinh nghiệm thực tiễn, cứ vào trung tuần tháng 9 khi trời giao mùa anh Phương sẽ ưu tiên trồng dưa chuột đen, đến tháng 11 lại chuyển sang trồng dưa nếp gai nhờ đặc tính chống chịu tốt với thời tiết giá rét, đến độ cuối tháng 1, đầu tháng 2 năm sau lại xuống giống trồng dưa nếp lai. Ngoài dưa còn trồng thêm lạc, ngô ngọt…, mùa nào thứ đó, cứ thế luân phiên gối vụ chẳng mấy khi cho đất ngơi nghỉ. Mỗi thứ một chút bổ trợ cho nhau, áp dụng thuần thục mô hình trồng rau màu hàng hóa giúp gia đình có được nguồn thu ổn định trong nhiều năm qua.
Giống anh Phương, chị Trần Thị Soa ở xóm Hà Trung cũng ưu tiên lựa chọn dưa chuột làm giống chủ lực. Giống mới được tuyển chọn kỹ càng, đảm bảo chất lượng với đặc điểm cùi dày, ít hạt, đặc ruột, đều quả, mùi vị thơm ngon. Hiện mỗi kg dưa chuột dao động trên dưới 10.000 đồng, có thời điểm “cháy hàng” nhảy vọt lên 15.000 đồng, thậm chí 17.000 đồng/kg, thị trường được giá giúp chị Soa tăng thu nhập.
“Giá cả lúc lên lúc xuống nhưng chung quy trồng dưa chuột cho hiệu quả kinh tế vượt trội hơn các loại cây trồng khác, nhất là cây lúa. Trồng dưa chuột không mất nhiều thời gian, từ khi gieo hạt đến lúc thu hoạch chỉ tầm 1 tháng rưỡi thôi, công cán, chi phí nhờ đó cũng được giảm thiểu đáng kể. Năm nay thời tiết ủng hộ, dưa phát triển đều, quả đẹp. Vụ này gia đình tôi trồng gần 3 sào, đến giờ đã cho thu nhập gần 50 triệu đồng rồi đấy”, chị Soa phấn khởi cho hay.
Ông Hồ Sỹ Cường, Phó Chủ tịch Hội Nông dân xã Diễn Hoàng đánh giá tổng quan: “Trồng dưa chuột không khó nhưng đòi hỏi phải thường xuyên túc trực đồng ruộng để kiểm tra chi tiết ẩm độ trong đất, trường hợp xảy ra ngập úng kéo dài cây sẽ chết.
Dưa chuột vốn là cây thân mềm, người dân nắm bắt được đặc tính đó nên thường nhân rộng từ đầu tháng 9 đến độ tháng 2 năm sau, khi tiết trời dịu mát, ít nắng gắt. Trừ trường hợp xuất hiện sự cố bất khả kháng, trồng rau màu là hướng đi thực sự khả quan cho bà con nông dân nơi đây”.
Đẩy mạnh liên kết, bao tiêu
Xác định phát triển rau màu hàng hóa theo hướng bền vững nên chủ trương chung của xã Diễn Hoàng là “chậm mà chắc”, tuyệt nhiên không vì lợi ích trước mắt mà phát triển bất chấp. Quan điểm điểm này được nông dân trên địa bàn hưởng ứng đồng loạt, bởi khi đã nếm đủ những thăng trầm của nghề, họ hiểu hơn ai hết giá trị của 2 chữ “uy tín”.
Muốn phát triển thương hiệu, muốn chiếm được lòng tin của khách hàng, của đối tác nhất thiết phải làm thật, đó là điều không thể khác. Từ thực tiễn đó, người trồng dưa tại Diễn Hoàng chủ động sử dụng phân bón hữu cơ, kết hợp thêm phân chuồng để gia tăng độ phì nhiêu cho đất. Cách này dù tốn công nhưng đất trồng được bảo vệ tối đa, sâu bệnh gây hại chẳng mấy khi xuất hiện giúp rau màu quang hợp tốt, cuối vụ cho quả giòn, ngọt, ngon.
Theo ghi nhận của Báo Nông nghiệp Việt Nam, toàn xã Diễn Hoàng hiện có 15ha trồng dưa chuột, tăng 5ha so với năm 2023. Chất lượng sản phẩm ngày một nâng lên, thương hiệu ngày càng được củng cố giúp nông dân xóa nhòa nỗi lo “được mùa mất giá, được giá mất mùa”. Ở đâu không biết, riêng dưa chuột Diễn Hoàng luôn đắt khách, có bao nhiêu thương lái thu mua bấy nhiêu, việc tồn đọng là điều hi hữu.
Bàn về nội dung này, nông dân Lê Viết Phương tự tin nói thẳng: “Trồng dưa ở Diễn Hoàng không lo về đầu ra, dưa đến độ thu hoạch người trồng chỉ việc thu hoạch, phân thành từng loại là xong, việc thu mua ắt có thương lái. Vào chính vụ không khí nơi đây rôm rả lắm, kẻ mua người bán nườm nượp như trẩy hổi”.
Hoa thơm quả ngọt không ngẫu nhiên mà có, để tạo dựng được nền tảng vững chắc như hôm nay chính quyền địa phương xã Diễn Hoàng đã bám sát chủ trương chuyển đổi cơ cấu cây trồng, từ đó cất công tìm hiểu, khâu nối với các doanh nghiệp uy tín, một mặt cậy nhờ hướng dẫn quy trình, kiến thức căn bản cho nhà nông, mặt khác kiếm tìm những bộ giống chất lượng hàng đầu.
“Thời gian đầu chúng tôi lựa chọn Công ty TNHH An Phú Nông làm đối tác, về sau có thêm một số đơn vị khác chủ động nhập cuộc, họ tổ chức ký hợp đồng liên kết sản xuất và bao tiêu mặt hàng dưa chuột, ngoài ra còn cho bà con ứng trước hạt giống. Nhiều doanh nghiệp cùng tham gia sẽ hình thành môi trường cạnh tranh tích cực, qua đó thúc đẩy các bên làm tốt hơn phần việc của mình, nông dân muốn hưởng lợi sẽ phải tự mày mò học hỏi để tạo ra sản phẩm đủ tốt”, ông Hồ Hoàn, Phó Chủ tịch UBND xã Diễn Hoàng nhấn mạnh.
Để khai thác tối đa tiềm năng, thế mạnh đang có, thời gian tới xã Diễn Hoàng sẽ tính toán mở rộng phạm vi trồng rau màu, đồng thời tăng cường tập huấn chuyển giao khoa học kỹ thuật cho cán bộ khuyến nông và người trồng, đặc biệt là áp dụng quy trình theo hướng an toàn sinh học, đạt tiêu chuẩn VietGAP, hữu cơ. Song song với đó sẽ tập trung kêu gọi, kết nối doanh nghiệp để hình thành các mối liên kết bền chặt, thỏa mãn nhu cầu từ lúc trồng đến khi thu hoạch.
Nguồn: nongnghiep.vn