Sáng 26/12, dưới sự chỉ đạo của Bộ NN-PTNT, Báo Nông nghiệp Việt Nam, Cục Trồng trọt và Văn phòng Bộ NN-PTNT phối hợp tổ chức Diễn đàn “Thực trạng sản xuất, kinh doanh, đăng ký lưu hành và tự công bố lưu hành giống cây trồng nông nghiệp, giải pháp phát triển hiệu quả, bền vững ngành hàng giống cây trồng Việt Nam”.
Đơn vị phối hợp tổ chức là: Hiệp hội Thương mại Giống cây trồng Việt Nam (VSTA), Trung tâm Khuyến nông Quốc gia, các trường đại học, viện nghiên cứu, trung tâm và doanh nghiệp sản xuất, nghiên cứu, chọn tạo và kinh doanh giống cây trồng nông nghiệp trong cả nước.
Giống có vai trò quan trọng ảnh hưởng đến năng suất và chất lượng cây trồng. Có được nguồn giống tốt thì cây trồng có được khởi đầu tốt. Tuy nhiên, hiện nay một số vấn đề phát sinh làm ảnh hưởng tới hệ thống giống ở nước ta. Với mong muốn giải quyết những vấn đề này, Diễn đàn được tổ chức nhằm truyền thông, phổ biến rộng rãi các giải pháp kiểm soát giống cây trồng để phát triển bền vững ngành trồng trọt Việt Nam.
Diễn đàn có sự tham gia của hơn 150 đại biểu dự trực tiếp và khoảng gần 200 đại biểu dự trực tuyến đến từ các đơn vị: Cục Chất lượng, Chế biến và Phát triển thị trường; Vụ Pháp chế; Văn phòng SPS Việt Nam; Đại diện Sở NN-PTNT; Chi cục Trồng trọt và Bảo vệ thực vật; Chi cục Quản lý chất lượng nông lâm thủy sản; Đại diện các hiệp hội, doanh nghiệp, hợp tác xã… và đại diện của hơn 30 cơ quan thông tấn báo chí Trung ương, địa phương…
Tất cảTổng thuậtMới nhấtCũ nhất
8 giờ 50 phút
Tốc độ đáp ứng giống cho sản xuất vẫn đảm bảo
Tại Diễn đàn, ông Nguyễn Văn Vương, Trưởng phòng Cây lương thực- Cây thực phẩm (Cục Trồng trọt) giới thiệu về công nhận lưu hành, tự công bố lưu hành và công nhận tổ chức khảo nghiệm theo Luật Trồng trọt số 31/2018/QH14 (Luật Trồng trọt) và Nghị định 94/2019/NĐ-CP.
Theo đó, Luật Trồng trọt được Quốc hội khóa 14 thông qua ngày 19/11/2018. Có hiệu lực thi hành từ ngày 1/1/2020, thay thế Pháp lệnh Giống cây trồng năm 2004. Luật có 7 chương, 85 điều quy định về giống cây trồng, phân bón, canh tác, thu hoạch, sơ chế, bảo quản, chế biến, thương mại và quản lý chất lượng sản phẩm cây trồng.
Tại Chương II của Luật về giống cây trồng, quy định 11 nội dung, gồm:
1, Nghiên cứu, khai thác, sử dụng, bảo tồn nguồn gen giống quy định tại Điều 10,12.
2, Cấp quyết định công nhận lưu hành đối với giống cây trồng thuộc loài cây trồng chính. Có 2 loại quyết định: Quyết định công nhận lưu hành đối với giống cây trồng thuộc loài cây trồng chính (Điều 15) và Quyết định công nhận lưu hành đặc cách đối với giống cây đặc sản, giống cây bản địa, giống cây đã tồn tại lâu dài trong sản xuất thuộc loài cây trồng chính (Điều 16).
3) Tự công bố lưu hành giống cây trồng: Giống cây trồng không thuộc loài cây trồng chính thì tổ chức, cá nhân tự công bố lưu (Điều 17).
4) Giống cây trồng thuộc loài cây trồng chính phải được khảo nghiệm do tổ chức khảo nghiệm độc lập được công nhận đủ điều kiện thực hiện trước khi cấp hoặc gia hạn Quyết định công nhận lưu hành, trừ trường hợp giống cây trồng được cấp Quyết định công nhận lưu hành đặc cách.
5) Khảo nghiệm giống cây trồng: Nội dung khảo nghiệm giống cây trồng (Điều 18), yêu cầu chung về khảo nghiệm giống cây trồng (Điều 19). Tổ chức muốn tham gia hoạt động khảo nghiệm giống cây trồng phải có Quyết định công nhận tổ chức khảo nghiệm giống cây trồng khi đáp ứng các điều kiện quy định tại Điều 21.
6) Sản xuất, buôn bán giống cây trồng: Điều kiện sản xuất, buôn bán giống cây trồng (Điều 22); Sản xuất giống cây trồng (Điều 23); Công nhận cây đầu dòng, công nhận vườn cây đầu dòng (Điều 24)
7) Quản lý chất lượng giống cây trồng (Điều 25)
8) Kiểm định ruộng giống, lấy mẫu vật liệu nhân giống (Điều 26)9) Ghi nhãn và quảng cáo giống cây trồng (Điều 27)
10) Xuất khẩu, nhập khẩu giống cây trồng: Xuất khẩu giống cây trồng (Điều 28). Nhập khẩu giống cây trồng (Điều 29)
11) Quyền và nghĩa vụ của tổ chức, cá nhân hoạt động về giống cây trồng: Quyền và nghĩa vụ nghiên cứu, chọn, tạo giống cây trồng (Điều 30). Quyền và nghĩa vụ đứng tên đăng ký cấp quyết định công nhận lưu hành hoặc tự công bố lưu hành giống cây trồng (Điều 31). Quyền và nghĩa vụ sử dụng giống cây trồng (Điều 32). Quyền và nghĩa vụ đứng tên đăng ký cấp Quyết định công nhận cây đầu dòng, vườn cây đầu dòng (Điều 33). Quyền và nghĩa vụ khảo nghiệm giống cây trồng (Điều 34). Quyền và nghĩa vụ sản xuất, buôn bán giống cây trồng (Điều 35).
Theo ông Vương, khi thực thi theo Pháp lệnh Giống cây trồng, số giống cây trồng công nhận được từ 2013-2019 là 150 giống lúa (bình quân 22 giống/năm). Sau khi Luật Trồng trọt có hiệu lực, trong giai đoạn 2020-2023 đã công nhận được 190 giống lúa (bình quân 48 giống/năm), 96 giống ngô. Như vậy, tốc độ đáp ứng nguồn giống cho nhu cầu của sản xuất vẫn đảm bảo.
8 giờ 30 phút
Chưa khi nào để xảy ra khan hiếm, thiếu giống
Phát biểu khai mạc, ông Nguyễn Như Cường, Cục trưởng Cục Trồng trọt nói, sau khi Luật Trồng trọt ra đời, chúng ta đã có những thay đổi rõ rệt. Đặc biệt, đối với giống cây trồng không thuộc loài cây trồng chính thì tổ chức, cá nhân tự công bố lưu hành. Đây là bước thay đổi rất quan trọng, tuy nhiên điều này cũng là vấn đề khiến nhiều cá nhân, doanh nghiệp chưa kịp thích nghi. Trong việc chuyển đổi như vậy, cơ quan quản lý Nhà nước cũng chưa lường trước được những thay đổi.
Sau 3 năm thực hiện Luật Trồng trọt vẫn có một số vướng mắc, tuy nhiên, nhìn chung Bộ NN-PTNT, Cục Trồng trọt đã có những hướng dẫn và hỗ trợ kịp thời. Chưa khi nào để xảy ra trường hợp khan hiếm giống, thiếu giống, nhất là các giống lúa. Trong giai đoạn vừa qua, chúng ta đã có những giống thích ứng với biến đổi khí hậu, phù hợp với từng vùng miền.
Từ phương thức quản lý cũ, chúng ta chuyển sang phương thức quản lý mới, vì thế cũng còn những vấn đề chưa thích ứng được, có những trục trặc, tuy nhiên về cơ bản trong những năm vừa qua Luật Trồng trọt đã đáp ứng được yêu cầu của sản xuất. Thời gian tới Bộ NN-PTNT, Cục Trồng trọt sẽ tiếp tục rà soát sửa đổi những cái chưa phù hợp trong Luật trồng trọt. Hiện nay Bộ NN-PTNT đã trình Chính phủ việc sửa đổi trong năm 2024.
“Diễn đàn hôm nay là để chúng ta cùng bàn về những khó khăn, đề xuất hướng tháo gỡ, vướng mắc để việc thực hiện quản lý giống cây trồng tốt hơn. Tuy nhiên tôi đề nghị rằng, những ý kiến phải có dẫn chứng cụ thể và đưa ra những đề xuất, giải pháp rõ ràng, tránh hiện tượng chung chung, đại khái. Tinh thần là hài hòa giữa doanh nghiệp, người dân và cơ quan quản lý Nhà nước, làm thế nào để giải quyết những bất cập nhằm đáp ứng tái cơ cấu ngành, tăng thu nhập cho người dân trực tiếp sản xuất trên những cánh đồng”, Cục trưởng Cục Trồng trọt nói.
Nguồn: nongnghiep.vn