
Các đại biểu, diễn giả, phóng viên báo chí, cơ quan truyền thông tham dự trực tiếp Diễn đàn tại Cần Thơ.
Đề án bảo đảm an ninh nguồn nước và an toàn đập, hồ chứa nước thời kỳ đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045 nêu rõ quan điểm “Nước là tất yếu của sự sống, là nguồn lực của quốc gia, có vai trò quan trọng đặc biệt trong phát triển nhanh và bền vững đất nước, bảo đảm an ninh quốc gia, góp phần nâng cao đời sống nhân dân, bảo vệ môi trường. Bảo đảm an ninh nguồn nước và an toàn đập, hồ chứa nước là vấn đề cấp bách, tất yếu khách quan; là trách nhiệm và nghĩa vụ của cả hệ thống chính trị và toàn dân”.
Tuy nhiên, theo báo cáo của Cục Thủy lợi (Bộ NN-PTNT), thời gian qua, mặc dù Trung ương và địa phương đã có nhiều nỗ lực trong việc quản lý điều hòa các nguồn nước sẵn có, các hoạt động phát triển, đô thị hóa, công nghiệp hóa, chuyển đổi cơ cấu sản xuất nông nghiệp và thói quen sử dụng nước chưa tiết kiệm của người dân đã và đang tạo sức ép rất lớn đến cơ sở hạ tầng, đặc biệt là hệ thống kết cấu hạ tầng phục vụ cấp nước cho sinh hoạt, sản xuất nông nghiệp, thủy sản, tiêu thoát nước cho đô thị, xử lý nước thải.

Riêng với Đồng bằng sông Cửu Long (ĐBSCL), đây là vựa lúa, vựa thủy sản, vựa trái cây lớn nhất cả nước, thế nhưng đang phải đối mặt với những thách thức nghiêm trọng liên quan đến an ninh nguồn nước.
Các vấn đề nổi bật bao gồm: Sự gia tăng các chuỗi đập thủy điện ở thượng nguồn, việc chuyển hướng dòng chảy sông Mê Kông sang các khu vực khác, suy giảm chất lượng môi trường đất và nước, thay đổi mục đích sử dụng đất kèm theo mâu thuẫn trong phân bổ nguồn nước, hiệu quả sử dụng nước thấp, khai thác tài nguyên nước vượt quá mức cho phép, cùng với tác động ngày càng rõ rệt của biến đổi khí hậu và hiện tượng nước biển dâng… Những thách thức này đe dọa trực tiếp đến sinh kế của người dân địa phương và an ninh lương thực quốc gia.

An ninh nguồn nước tại ĐBSCL chịu nhiều ảnh hưởng của biến đổi khí hậu. Ảnh: Tùng Đinh.
Thực hiện nhiệm vụ được giao theo chỉ đạo của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, chiều 29/11, Cục Thủy lợi, Viện Khoa học Thủy lợi miền Nam, Báo Nông nghiệp Việt Nam phối hợp với các đơn vị liên quan tổ chức Diễn đàn “Đẩy mạnh truyền thông sử dụng nước hợp lý, hiệu quả đảm bảo an ninh nguồn nước vùng Đồng bằng sông Cửu Long” tại Cần Thơ.
Tất cảTổng thuậtMới nhấtCũ nhất
13 giờ 30 phút
Nâng cao nhận thức là nhiệm vụ hàng đầu

Phó Tổng Biên tập Báo Nông nghiệp Việt Nam Vũ Minh Việt phát biểu mở đầu Diễn đàn.
Phát biểu mở đầu Diễn đàn, Phó Tổng Biên tập Báo Nông nghiệp Việt Nam Vũ Minh Việt chia sẻ, thế giới của chúng ta ngày càng thấy rõ vị trí của nước. Nước có tầm quan trọng đặc biệt và vĩnh viễn đối với dân sinh, kinh tế và an ninh quốc gia.
Hiện nay, biến đổi khí hậu toàn cầu là thách thức lớn trong thế kỷ 21, gây nên tình trạng nước biển dâng, ngập lụt ngày càng rộng lớn, dự đoán tình hình khô hạn, mưa lũ sẽ ngày càng dữ dội cùng nhiều loại hình thiên tai khác.
“Bởi vậy, việc đảm bảo tính nhất quán và toàn diện trong quy hoạch, quản lý, khai thác, sử dụng, phát triển tài nguyên nước và phòng tránh, giảm nhẹ rủi ro thiên tai là rất cần thiết”, ông Vũ Minh Việt nhấn mạnh.
Có thể thấy, công tác đảm bảo an ninh nguồn nước luôn được Đảng, Nhà nước quan tâm lãnh đạo, chỉ đạo, đạt được nhiều kết quả tích cực, cơ bản đáp ứng yêu cầu phát triển kinh tế – xã hội; đảm bảo quốc phòng, an ninh, đời sống, sinh hoạt của người dân.
Tuy nhiên, việc đảm bảo an ninh nguồn nước còn nhiều hạn chế. Kết luận số 36 của Bộ Chính trị ngày 23/6/2022 về an ninh nguồn nước, an toàn đập, hồ chứa nước đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045 đã chỉ rõ: “Công tác quản trị nguồn nước còn yếu, chưa hiệu quả. Ý thức, trách nhiệm của nhiều cơ quan, tổ chức, địa phương và người dân trong việc quản lý, khai thác, sử dụng nước chưa cao. Ô nhiễm môi trường ngày càng nghiêm trọng. Việc phát triển công nghiệp, đô thị chưa gắn với bảo đảm an ninh nguồn nước, làm suy giảm số lượng, chất lượng nước. Hợp tác quốc tế về đảm bảo an ninh nguồn nước chưa cao…”.
Phó Tổng Biên tập Báo Nông nghiệp Việt Nam cho biết, ở nước ta, ĐBSCL đang đứng trước những thách thức rất lớn từ thượng nguồn (nhất là hoạt động đầu tư các công trình trên dòng chính và sông nhánh Mê Kông khiến lượng nước và phù sa về đồng bằng suy giảm).
Nước biển dâng và tốc độ truyền triều gia tăng do khai thác cát khiến lòng sông bị mở rộng, tác động gia tăng úng ngập và xâm nhập mặn. Cùng với đó là hàng loạt hệ lụy như sạt lở bờ sông, bờ biển, mực nước sông Cửu Long bị hạ thấp, chất lượng nguồn nước suy giảm, gây khó khăn cho công tác cấp nước sinh hoạt, phục vụ sản xuất, đảm bảo sinh kế của người dân và phát triển kinh tế – xã hội bền vững.
Cũng theo ông Vũ Minh Việt, để thực hiện các mục tiêu về đảm bảo an ninh nguồn nước, nhiệm vụ, giải pháp đầu tiên được Bộ Chính trị nêu rõ tại Kết luận số 36, đó là: “Nâng cao nhận thức về tầm quan trọng đảm bảo an ninh nguồn nước, an toàn đập và hồ chứa nước trong tình hình mới”.
Để triển khai thực hiện Nghị quyết của Bộ Chính trị, hôm nay, tại TP Cần Thơ, Cục Thủy lợi, Viện Khoa học Thủy lợi miền Nam phối hợp Báo Nông nghiệp Việt Nam tổ chức Diễn đàn “Đẩy mạnh truyền thông sử dụng nước hợp lý, hiệu quả, đảm bảo an ninh nguồn nước vùng ĐBSCL”.
Ông Vũ Minh Việt nhấn mạnh, với sự hiện diện của đông đảo các chuyên gia, nhà quản lý và nhà nghiên cứu am hiểu về ĐBSCL, Diễn đàn rất mong nhận được những ý kiến đóng góp quý báu của các đại biểu để vùng đất Chín Rồng đạt được mục tiêu tổng quát, bảo đảm số lượng, chất lượng nước phục vụ dân sinh trong mọi tình huống; đáp ứng nhu cầu sử dụng nước cho sản xuất, kinh doanh của các ngành, lĩnh vực, đặc biệt là ngành nông nghiệp, thủy sản, kinh tế quan trọng, thiết yếu.
“Cùng với đó, mọi người dân, mọi đối tượng được tiếp cận, sử dụng nước công bằng, hợp lý. Đưa ra các giải pháp chủ động tích trữ, điều hòa nguồn nước, phòng chống thiên tai và thích ứng với biến đổi khí hậu, đảm bảo phát triển bền vững ĐBSCL dựa trên quan điểm “Chủ động sống chung với lũ”, “Sống chung với mặn và lợ”, “Chống ngập lụt ở các đô thị”…”, Phó Tổng Biên tập Báo Nông nghiệp Việt Nam chia sẻ thêm.
Nguồn: nongnghiep.vn