Mất hàng rào bảo vệ
Từ khi được đầu tư và xây dựng vào tháng 4/2022, Trung tâm Nghiên cứu và Nuôi trồng Thủy sản thuộc Đại học Trà Vinh, tại xã Trường Long Hòa, thị xã Duyên Hải, tỉnh Trà Vinh đã trở thành điểm sáng trong công tác đào tạo và nghiên cứu thủy sản.
Cơ sở này phục vụ việc sản xuất giống tôm thẻ, tôm sú và tôm càng xanh, đồng thời nghiên cứu đa dạng hóa đối tượng nuôi trồng như cá nâu, cá bống cát và ốc hương. Mỗi năm, hàng chục sinh viên thực tập tại đây, góp phần tạo ra nguồn nhân lực chất lượng cho vùng ĐBSCL. Tuy nhiên, cơ sở này đang gặp tình trạng sạt lở nghiêm trọng. Gần đây, hàng cây dương chắn sóng, là hàng rào bảo vệ quan trọng của khu vực, đã bị bật gốc và đổ ngã nằm la liệt dọc bờ biển Ba Động.
Mặc dù một đoạn đê bao tạm thời đã được chính quyền địa phương xây dựng nhưng với chiều dài quá ngắn, nó không đủ để ngăn chặn sự xâm thực của biển, sạt lở đã lan tới hàng rào khu thực nghiệm, đe dọa toàn bộ trung tâm.
Ông Diệp Thành Toàn, Giám đốc Trung tâm Nghiên cứu và Nuôi trồng Thủy sản (Đại học Trà Vinh) chia sẻ: Trước đây, khu vực này nằm trong bãi bồi và lớp rừng dương dày khoảng 40m. Nhưng do dự án xây dựng tuyến bờ bao, phần lớn hàng rào chắn đã bị chặt bỏ, chỉ còn lại khoảng 4-5m. Đến nay công trình vẫn chưa được thi công, khiến sóng biển đánh trôi gần hết rừng phòng hộ còn lại, chỉ còn loe hoe vài cây. Chúng tôi lo nếu tình trạng này tiếp tục, sạt lở có thể tiến sâu hơn vào khu vực nghiên cứu, đặc biệt trong các tháng có gió chướng hoặc có bão.
Ông Toàn cho hay, hàng năm vào các tháng 9-10 âm lịch, triều cường dâng cao đã làm nước biển tràn vào tận sân thực nghiệm. Do mất hàng rào chắn gió đã khiến cát bay vào hồ chứa nước, buộc phải bơm nước mới liên tục, thay vì 10 ngày thay 1 lần như trước.
“Gió biển còn mang theo rác thải và bọc nilon, sinh viên dọn dẹp không xuể. Tạm thời, tôi đã trồng rau muống biển để giữ đất gần bờ và cho sinh viên làm đập tạm, nhưng các công trình này đã bị cuốn trôi chỉ sau vài con sóng biển. Hy vọng sớm có kè chống sạt lở để sinh viên yên tâm học tập”, ông Toàn bày tỏ.
Theo UBND xã Trường Long Hòa, thời gian gần đây khu vực ấp Nhà Mát, xã Trường Long Hòa, thị xã Duyên Hải liên tục xảy ra sạt lở bờ biển, gây mất đất và rừng phòng hộ, ảnh hưởng nghiêm trọng đến sinh kế của người dân. Sự xói mòn này không chỉ đe dọa trực tiếp Trung tâm Nghiên cứu và Nuôi trồng Thủy sản Đại học Trà Vinh mà còn ảnh hưởng đến gần 100 hộ dân đang canh tác nông nghiệp trên diện tích 36ha dọc bờ biển.
Ông Nguyễn Văn Phương, Phó Chủ tịch UBND xã Trường Long Hòa, cho biết: Xã Trường Long Hòa có tổng chiều dài bờ biển là 13,5km, trong đó đã xây dựng kè cơ bản khoảng 4,5km. Địa phương rất mong được các cấp lãnh đạo xem xét, tiếp tục hỗ trợ và đầu tư kinh phí để hoàn thiện phần còn lại của dự án, nhằm đảm bảo an ninh kinh tế và nông nghiệp cho người dân.
Cần 1.200 tỷ đồng làm kè chắn sóng
Theo Sở NN-PTNT tỉnh Trà Vinh, nguyên nhân sạt lở bờ biển gia tăng trong những năm gần đây bao gồm triều cường dâng cao, gió lớn, thay đổi dòng chảy và mưa lớn làm vỡ kết cấu bờ đất và lòng sông.
Thêm vào đó, các hoạt động của con người như đào ao nuôi trồng thủy sản sát bờ sông, xây dựng nhà ở ven bờ sông và bờ biển, cùng với khai thác cát trái phép, đã làm tình trạng sạt lở ngày càng nghiêm trọng. Địa hình đất giồng cát ven biển và sự thiếu hụt hệ thống rừng phòng hộ làm tăng tốc độ sạt lở.
Ông Lê Quang Răng – Phó Giám đốc Sở NN-PTNT tỉnh Trà Vinh cho biết: Sở NN-PTNT đã tham mưu UBND tỉnh đề xuất Chính phủ đầu tư dự án kè chắn sóng bảo vệ rừng ngập mặn ven biển. Tổng kinh phí dự kiến cho dự án gần 1.200 tỷ đồng, trong đó bao gồm cả kè chắn sóng biển tại khu vực cơ sở thực nghiệm của Trường Đại học Trà Vinh.
Tại các điểm sạt lở địa phương đã huy động các đơn vị trên địa bàn và bà con nông dân đắp bờ bao, nhưng đó cũng chỉ là phương án tạm thời.
Nguồn: nongnghiep.vn