Câu chuyện những chiếc máy kéo
Từng có hơn 10 năm sinh sống tại Việt Nam, ông Aymeric Pons, CEO của ERAI Asia (công ty chuyên hỗ trợ và tư vấn cho đối tác trong phát triển kinh doanh tại thị trường châu Á) hiểu rõ những thách thức khi tham gia vào chuỗi cung ứng máy móc, thiết bị tại quốc gia 100 triệu dân.
Dẫn nguồn từ Hiệp hội Công nghiệp Cơ khí Việt Nam (VAMI), ông Pons cho biết hiện tại chỉ có khoảng 32% nhu cầu về máy móc được cung cấp bởi các công ty trong nước; 68% nhu cầu thị trường còn lại được đáp ứng thông qua nhập khẩu. Nguyên nhân chủ yếu nằm ở việc công nghệ sản xuất trong nước đã lạc hậu.
Trong thập kỷ qua, các nhà cung cấp nước ngoài vẫn duy trì thị phần chi phối trong lĩnh vực máy móc, thiết bị tại Việt Nam. Năm 2021, giá trị nhập khẩu máy móc thiết bị đạt tới hơn 46 tỷ USD, tăng 24,3% so với năm 2020. Trong số những nhà cung cấp chính, Trung Quốc, Hàn Quốc, Nhật Bản và Đài Loan, chiếm khoảng 70% nguồn hàng nước ngoài.
Khi đề cập cụ thể đến máy nông nghiệp, Aymeric Pons nhìn nhận, tại Việt Nam khái niệm này gần như được đồng nhất với máy kéo. Qua thống kê từ đối tác, lãnh đạo ERAI Asia thông tin, phân khúc máy kéo là phân khúc chủ yếu của thị trường Việt Nam và chiếm gần một nửa thị phần. Trong vòng 4 năm, từ 2017 đến 2021, giá trị nhập khẩu máy kéo tăng từ 262,2 triệu USD lên tới 517 triệu USD.
Có một chi tiết thú vị được ông Pons nhắc tới, đó là thương hiệu Lamborghini nổi tiếng thuở sơ khai là một hãng máy kéo. Năm 1948, Lamborghini Trattori được thành lập rồi nhanh chóng trở thành trụ cột trong việc phục hồi kinh tế Italia sau Thế chiến II. Nó vẫn hoạt động độc lập và liên tục cho ra đời những sản phẩm máy kéo hiện đại bậc nhất thế giới cho đến thời điểm này.
Siêu xe Lamborghini có thể xem là mặt hàng xa xỉ, với trị giá hàng trăm nghìn USD, nhưng máy kéo Lamborghini lại rất bình dân với đại bộ phận công chúng Italia. Nhân câu chuyện này, Aymeric Pons nhận xét: Không phải sản phẩm và giải pháp châu Âu nào cũng đắt đỏ đối với đa số các trang trại tại những quốc gia đang phát triển như Việt Nam.
“Sản phẩm và giải pháp châu Âu được coi là hiệu quả và chất lượng cao nhưng cũng bị coi là không phù hợp với cây trồng và thời tiết nhiệt đới của Việt Nam. Việc áp dụng công nghệ mới, đặc biệt là trong lĩnh vực nông nghiệp thông minh, có thể được xem là hướng đi phù hợp lúc này cho các doanh nghiệp châu Âu nói chung và Italia nói riêng”, ông Pons chia sẻ.
Nghiên cứu của ERAI Asia cho thấy, hiện chưa có nhà sản xuất, phân phối nào chiếm tỷ lệ đa số tại thị trường máy nông nghiệp. Phần nhiều công ty vẫn đang tập trung vào chiến lược ra mắt sản phẩm mới, hợp tác và mua lại.
Các doanh nghiệp nước ngoài hàng đầu đang hoạt động tại Việt Nam gồm có Kubota, Iseki và Yanmar (Nhật Bản), CNH Industrial (Hoa Kỳ – Italia), CLAAS KGaA GmbH (Đức), Buhler (Thụy Sĩ), ShanDong Huaxin Machinery (Trung Quốc), Tong Yang Moolsan (Hàn Quốc). Các doanh nghiệp này chủ yếu dựa vào mạng lưới đại lý, nhà phân phối của mình để thâm nhập và mở rộng thị trường Việt Nam.
Với bối cảnh như vậy, ông Pons nhấn mạnh vào 4 phân khúc tiềm năng mà doanh nghiệp châu Âu nên tập trung triển khai. Đó là phân khúc máy kéo và máy móc nặng; máy nông nghiệp cung cấp giải pháp canh tác thông minh; các thiết bị xanh; và những công nghệ phục vụ chăn nuôi quy mô trang trại.
“Cả phần cứng và phần mềm của các thiết bị thông minh đều có tiềm năng lớn tại Việt Nam, phụ thuộc lớn vào đối tượng cụ thể và tệp khách hàng lựa chọn. Người tiêu dùng Việt Nam ngày càng quan tâm đến đầu ra sản phẩm, nhất là xuất khẩu. Do đó, giải pháp có thể cải thiện tính cạnh tranh, góp phần tăng trưởng bền vững có nhiều cơ hội thành công”, ông khẳng định.
Ông Fabio De Cillis, Giám đốc Thương vụ Italia tại Việt Nam cho biết, người nông dân tại các khu vực như Đồng bằng sông Cửu Long và Đồng bằng sông Hồng đang phải đối mặt với thách thức lớn từ xâm nhập mặn, lũ lụt và nước biển dâng, ảnh hưởng không nhỏ đến việc trồng lúa.
Chính phủ Việt Nam đã quyết tâm hợp tác với các bên liên quan trong nước và quốc tế để giải quyết những vấn đề này và tìm kiếm các giải pháp đổi mới. “Đó là cơ hội cho máy nông nghiệp có khả năng canh tác thông minh chen chân vào thị trường”, ông nhận định.
Sự ưa chuộng với các sản phẩm nhỏ gọn
Ông Quân Nguyễn, Trưởng phòng Kinh doanh Yanmar tại Việt Nam nêu một tồn tại của thị trường máy nông nghiệp Việt Nam, đó là thiếu đồng nhất về chất lượng sản phẩm. “Không công ty nào trong nước có thể sánh kịp với chất lượng của sản phẩm Trung Quốc, chưa kể đến sản phẩm của Nhật Bản, Hàn Quốc, châu Âu và Hoa Kỳ”, ông nhận xét.
Từ góc nhìn của Yanmar, ông Quân cho rằng các nhà sản xuất máy nông nghiệp trong nước không những chỉ chiếm một dung lượng nhỏ của thị trường mà còn chưa đánh trúng thị hiếu của người tiêu dùng. Họ chủ yếu bán máy có công suất lớn, với phân khúc chính là các cây trồng công nghiệp và trang trại quy mô lớn, trong khi khách hàng thường ít quan tâm đến các loại máy nặng, tốn nhiều nhiên liệu.
“Yanmar và Kubota có thể bán hàng nghìn máy mỗi năm, có lẽ vì không đi theo quan điểm ấy. Thị trường máy nông nghiệp ở Việt Nam cạnh tranh tương đối khắc nghiệt, và chỉ những sản phẩm phù hợp mới có thể thích ứng”, ông Quân đánh giá. Với những thương hiệu mới tham gia thị trường, đại diện Yanmar khuyến cáo phải có dịch vụ hậu mãi tốt và đầu tư đáng kể vào khâu chăm sóc khách hàng.
Đồng quan điểm, ông Jean-Luc Voisin, Chủ tịch và là Người sáng lập Les Vergers du Mekong (thương hiệu cung cấp sản phẩm trái cây từ Đồng bằng sông Cửu Long) thừa nhận, người nông dân Việt Nam có sự ưa chuộng nhất định với các công cụ nhỏ gọn, hỗ trợ các công việc hàng ngày, như máy cày kiểu đi bộ và các dụng cụ cầm tay cho hoạt động như cắt cỏ. Những công cụ này thường được cung cấp từ các nhà sản xuất Trung Quốc.
30 năm qua lại Việt Nam (từ năm 1990), 20 năm làm chủ doanh nghiệp nông nghiệp tại Việt Nam (từ năm 2000), ông Voisin còn nhận ra một thói quen nữa về sử dụng thuốc BVTV thiếu kiểm soát của nông dân Việt Nam. Để thay đổi, người đàn ông Pháp kiên trì đào tạo, tập huấn cho những người làm việc tại trang trại của ông về 3 tiêu chí để tạo ra sản phẩm, đó là tác động xã hội, tác động về mặt kinh doanh của công ty và ảnh hưởng đến môi trường.
Từ những sự chuyển biến này, ông Voisin tin tỷ lệ sử dụng máy nông nghiệp sẽ nhiều hơn, bởi đó là yếu tố nền tảng để tạo ra những sản phẩm đồng nhất về chất lượng cũng như kiểm soát chặt chẽ mức dư lượng trên thành phẩm cuối.
Ông Gabor Fluit, Chủ tịch EuroCham Việt Nam cho biết, doanh nghiệp châu Âu đang tập trung tìm hiểu tiềm năng và môi trường đầu tư tại những quốc gia mà họ thực sự có thể mang lại nhiều giá trị. Việt Nam, với cam kết mạnh mẽ về phát thải ròng bằng 0 vào năm 2050, nằm trong số ưu tiên.
“EuroCham đang cố gắng thúc đẩy sự hiện diện của châu Âu trong mọi thứ liên quan đến đầu tư xanh và nền kinh tế xanh, đặc biệt là trong lĩnh vực nông nghiệp”, ông nói.
Nguồn: nongnghiep.vn