Theo Trung tâm Kiểm soát bệnh tật (CDC) Đồng Nai, bệnh nhân là bà N.T.N.B. (44 tuổi, ngụ ấp 4, xã Xuân Hưng, huyện Xuân Lộc). Bà B. làm công nhân lò gạch, bị chó cắn nhẹ ở tay vào ngày 25/5 trong khi cho chó ốm uống thuốc. Con chó cũng cắn vào tay ông N.V.T. là chồng B.
Sau khi bị chó cắn, vợ chồng bà B. chỉ đi khám và xử lý vết thương ở phòng khám tư. Dù được tư vấn tiêm vacxin và huyết thanh phòng bệnh dại nhưng cả hai vợ chồng bà B. đều chủ quan không tiêm, về nhà luôn.
Theo ông N.V.T., đến ngày 29/8, bà B. lên cơn sốt, đến phòng khám tư nhân truyền dịch nhưng không đỡ. Đến tối cùng ngày, bệnh nhân có triệu chứng sợ nước, sợ gió, đau đầu mệt mỏi.
Lập tức, bà B. được gia đình đưa đến Trung tâm Y tế huyện Xuân Lộc khám, sau đó được chuyển lên Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới TP HCM và được chẩn đoán dương tính với virus dại. Đến 19h ngày 30/8, bà N.T.N.B tử vong. Đây là ca tử vong thứ 2 vì bệnh dại trên địa bàn tỉnh Đồng Nai, tính từ đầu năm 2024.
Bác sĩ Bùi Thái Chiến, Giám đốc Trung tâm y tế huyện Xuân Lộc cho biết, hiện sức khỏe ông N.V.T vẫn bình thường. Ngày 30/8, ông T. đã được hướng dẫn tiêm vacxin phòng bệnh dại và huyết thanh kháng dại.
Ngay sau khi ghi nhận ổ dịch chó dại trên địa bàn, UBND huyện Xuân Lộc đã chỉ đạo các phòng, ban liên quan đã phối hợp với địa phương để khoanh vùng, xử lý.
Theo ông Đoàn Văn Thiện, Trưởng Phòng NN-PTNT huyện Xuân Lộc, qua điều tra dịch tễ, trong phạm vị 200m, có tổng đàn chó 23 con và hầu hết chưa được tiêm vacxin phòng dại.
“Cơ quan chức năng và cán bộ Trạm chăn nuôi và Thú y đã vận động người dân trong khu vực tiêm phòng bệnh dại cho đàn chó, mèo của gia đình. Đồng thời, người dân cũng được tuyên truyền chủ động tiêm vacxin phòng ngừa bệnh dại khi bị chó mèo cắn, cào…”, ông Thiện thông tin.
Ngoài ra, Phòng NN-PTNT huyện Xuân Lộc cũng khuyến cáo các hộ nuôi nhốt chó mèo và theo dõi các triệu chứng mắc bệnh dại trên động vật. Nếu có triệu chứng phải lập tức thông báo cho trạm y tế xã và nhân viên thú y huyện. Huyện Xuân Lộc cũng khuyến cáo người dân nuôi nhốt chó mèo, không được thả rông vì tiềm ẩn nhiều nguy cơ lây nhiễm bệnh, gây mất an toàn giao thông.
Theo Chi cục Chăn nuôi và Thú y Đồng Nai, từ đầu năm 2024 đến nay, toàn tỉnh ghi nhận 26 ổ dịch dại, hàng chục người bị chó cắn. Trong đó có 2 người tử vong do chó dại cắn, nguyên nhân đều do chủ quan không tiêm vacxin ngừa dại. Đồng Nai cũng đang đứng đầu cả nước về số ổ dịch bệnh dại.
Trao đổi với phóng viên Báo Nông nghiệp Việt Nam, ông Nguyễn Trường Giang, Chi cục trưởng Chi cục Chăn nuôi và Thú y Đồng Nai cho biết, đơn vị này cũng đánh giá vi rút dại đã lan rộng trong cộng đồng.
Vì vậy vào đầu năm 2024, Chi cục Chăn nuôi và Thú y tỉnh đã đề xuất UBND tỉnh Đồng Nai chi 25 tỉ đồng để mua vacxin phòng bệnh dại, tiêm miễn phí cho chó, mèo của người dân trong vòng 5 năm để tiến tới khống chế dịch bệnh này.
“Bên cạnh tuyên truyền, vận động người dân tiêm vacxin cho đàn vật nuôi TP Biên Hòa, Long Khánh và các địa phương cũng đang mạnh tay với chó mèo thả rông. Nếu người nuôi muốn đưa chó, mèo ra các nơi công cộng thì phải có xích dẫn, rọ mõm và đã được tiêm phòng đầy đủ. Đây là hoạt động chuẩn mực trong việc phòng, chống dịch bệnh”, ông Giang chia sẻ.
UBND tỉnh Đồng Nai mới đây có văn bản yêu cầu các địa phương và sở, ngành liên quan khẩn trương triển khai các biện pháp nhằm tăng tỷ lệ đàn chó, mèo được tiêm vacxin phòng bệnh dại. Đồng Nai hiện có hơn 300.000 con chó, mèo nhưng mới có khoảng 30% số chó, mèo đã được tiêm vacxin phòng bệnh dại còn hiệu lực. Đây là tỷ lệ rất thấp nên trong thời gian tới, Đồng Nai quyết tâm phủ vacxin dại trong cộng đồng cho vật nuôi để khống chế dịch bệnh.
Nguồn: nongnghiep.vn