Trước thềm Diễn đàn “Đẩy mạnh truyền thông sử dụng nước hợp lý, hiệu quả, đảm bảo an ninh nguồn nước vùng ĐBSCL” do Cục Thủy lợi phối hợp cùng Báo Nông nghiệp Việt Nam và Viện Quy hoạch Thủy lợi miền Nam tổ chức tại TP Cần Thơ ngày 29/11, GS.TS Đào Xuân Học, nguyên Thứ trưởng Bộ NN-PTNT, Chủ tịch Hội Thủy lợi Việt Nam, đã chia sẻ về những thách thức cũng như quan điểm để đảm bảo tính nhất quán và toàn diện trong công tác quy hoạch, quản lý, khai thác, sử dụng, phát triển tài nguyên nước và phòng tránh, giảm nhẹ thiên tai.
Đa thách thức liên quan đến nguồn nước vùng ĐBSCL
Thưa ông, nhân loại ngày càng thấy rõ vị trí của nước có tầm quan trọng đặc biệt và vĩnh viễn đối với dân sinh, kinh tế và an ninh quốc gia. Vậy, trong bối cảnh hiện nay, đâu là những thách thức lớn đối với việc đảm bảo an ninh nguồn nước của Việt Nam?
Khi nói về an ninh nguồn nước, đầu tiên chúng ta cần khẳng định rằng Việt Nam không phải là quốc gia có nguồn nước dồi dào, mà chỉ ở mức trung bình cao của thế giới. Tuy nhiên, 63% lượng nước từ ngoài lãnh thổ đổ vào, nên chịu tác động rất lớn từ yếu tố thượng nguồn các lưu vực sông quốc tế, đặc biệt là sông Hồng và sông Cửu Long. Đây là thách thức đầu tiên.
Thách thức thứ hai là nước biển dâng cùng với hoạt động khai thác cát khiến lòng sông bị mở rộng, dẫn đến tác động triều tăng lên rất nhiều và đỉnh triều ngày càng tăng. Chúng ta thấy rõ vấn đề ngập lụt ở các đô thị, làng ấp, vườn cây ăn trái, đường giao thông do lũ, do triều và do mưa lớn xảy ra rất nghiêm trọng. Đường Quốc lộ 1 từ Cần Thơ về Bạc Liêu, Cà Mau đã phải làm tường bê tông để ngăn chặn nước triều; đường từ Cà Mau về mũi Cà Mau đã phải nâng đường cao thêm 80cm.
Một số liệu ngắn gọn tôi muốn dẫn chứng để nói lên sự thay đổi của ĐBSCL và cần thiết thay đổi quan điểm trong giải quyết vấn đề lũ và ngập lụt.
Ví dụ, cao trình mặt đất của khu vực Cần Thơ là 0,5-1,0m vào năm 2011, đến nay TP Cần Thơ có thể đã lún thêm khoảng 20 – 25cm rồi. Tương quan mực nước ở thành phố Cần Thơ và trạm Tân Châu (An Giang) cũng biến đổi rất nhanh.
Cụ thể, năm 2.000, mực nước ở Tân Châu là 5,06cm thì mực nước ở Cần Thơ là 1,79m. Nhưng đến năm 2018, mực nước ở Tân Châu là 4,84cm thì mực nước ở Cần Thơ đã tăng lên 2,23m gây vỡ đê Cồn Khương, phường Cái Khế, quận Ninh Kiều, TP Cần Thơ. Đặc biệt, năm 2020, mực nước ở trạm Tân Châu chỉ 2,70cm nhưng mực nước ở Cần Thơ là 2,15m, gây ngập 130 tuyến đường vào ngày 18/10/2020. Mặt khác, những tác động từ biển khiến mặn xâm nhập ngày càng sâu.
Thứ hai là do tác động của thượng nguồn khi dòng chảy bị biến đổi, không tuân thủ quy luật như trước đây. Tình trạng người dân khai thác nước ngầm, đặc biệt là ở ĐBSCL dẫn tình trạng đề sụt lún trở thành câu chuyện cấp bách hơn rất nhiều so với nước biển dâng.
Vấn đề ô nhiễm môi trường, cạn kiệt dòng chảy cũng là câu chuyện lớn. Lưu vực bị tụt lòng dẫn nên mực nước bị hạ thấp, không thể tự chảy vào hệ thống sông/kênh nhánh dẫn nước, mà phụ thuộc vào trạm bơm điện.
Và theo tôi, điều đáng ngại nhất là chúng ta “có nước nhưng không dùng được” do ô nhiễm từ các khu công nghiệp, hoạt động sản xuất nông nghiệp, sinh hoạt, làng nghề…
Ngoại giao uyển chuyển để giải quyết các vấn đề nguồn nước sông Mê Kông
Vậy, làm thế nào để giảm tác động thấp nhất từ thượng nguồn các lưu vực sông quốc tế, trong đó có sông Mê Kông, thưa ông?
Là mảnh đất và những đoạn sông nằm cuối lưu vực sông Mê Kông, nên mọi tác động từ thượng nguồn liên quan đến nguồn nước đều ảnh hưởng đến vùng ĐBSCL. Vì vậy, đánh giá đầy đủ những tác động từ thượng nguồn là rất cần thiết và quan trọng. Trong báo cáo quy hoạch thủy lợi lưu vực sông Cửu Long thời kỳ 2022 – 2030 của Viện Quy hoạch Thủy lợi miền Nam đã cập nhật khá đầy đủ những tác động liên quan đến nguồn nước như hồ chứa, sử dụng nước ở thượng nguồn, chế độ vận hành của các hồ chứa, giảm hàm lượng phù sa, nguồn lợi thủy sản, kênh Phù Nam, Biển Hồ và môi trường nước.
Tuy nhiên, tôi mong muốn Viện Quy hoạch Thủy lợi miền Nam phân tích sâu hơn mức độ tác động của các loại công trình, trách nhiệm và thái độ của chúng ta nên như thế nào để trình và tham mưu cho các Bộ, ngành liên quan và Chính phủ. Ví dụ như: Vấn đề chuyển nước khỏi lưu vực thì cần kiên quyết phản đối và sẽ được cộng đồng quốc tế ủng hộ. Vấn đề bảo vệ môi trường nước, xây dựng quy trình quản lý hồ chứa, quy trình định kỳ xả cát từ các hồ chứa, đập dâng; xây dựng luồng cá đi ở các đập dâng trên dòng chính sẽ được cộng đồng quốc tế ủng hộ, mặc dù không dễ thực hiện.
Còn vấn đề mở rộng diện tích được tưới, giao thông thủy trong lưu vực thì không nên phản đối, vì các nước ở thượng nguồn có quyền làm việc đó.
Vấn đề thủy điện cũng nên đề nghị sao cho gây tác động ít nhất đối với hạ du. Hiện trên dòng chính sông Mê Kông có 11 đập, chúng ta cần thuyết phục để Ủy ban Sông Mê Kông thống nhất cần có cống xả cát, luồng đi cho cá và chỉ xây dựng đập thứ 2 (hoặc đập tiếp theo) sau khi đập thứ nhất (đập trước đó) đã hết tác động lớn (bùn cát được lấp đầy tới mặt tràn hoặc tới đáy cống xả cát), và thật là tuyệt vời nếu chúng ta được tham gia xây dựng, giám sát quy chế vận hành các hồ chứa.
Công trình khống chế Biển Hồ, nếu được thực hiện cũng sẽ gây tác động lớn và trực tiếp đối với ĐBSCL, nhưng Campuchia có quyền làm việc đó, bởi vì sông Tonleshap là dòng nhánh, do đó chúng ta chỉ có thể thuyết phục và không thể ngăn cấm. Tuy nhiên, chúng ta vẫn cần nghiên cứu những giải pháp nhằm chủ động thích ứng lâu dài những tác động từ thượng nguồn.
Giải pháp cho 3 vùng ngọt, mặn và mặn – lợ vùng ĐBSCL
Theo ông, những giải pháp để chủ động thích ứng với các yếu tố biến đổi từ thượng nguồn; biến đổi lưu vực và nước biển dâng tại ĐBSCL là gì?
ĐBSCL là vùng đất mới và đang xảy ra hiện tượng sạt lở rất nhiều nên cần phải tăng cường cảnh báo cho người dân. Và tôi cho rằng, giải pháp kè ở ĐBSCL cần phải hạn chế, thay vào đó là né tránh là chính. Nếu làm kè thì cũng chỉ nên làm kè sinh thái thôi, vì nguyên tắc anh làm kè cứng ở chỗ này thì dòng chảy sẽ lại tác động vào chỗ khác; bên này nước bắn vào không được thì nó bắn chéo sang bên kia. Trong một dòng sông có bên lở – bên bồi chính là do tác động tương hỗ với nhau.
Bên cạnh đó, chúng ta cũng cần truyền thông làm sao để người dân hiểu đúng vấn đề về nguồn nước. Mặc dù vùng hạ lưu sông Mê Kông sẽ bị tác động, nhưng chúng ta không quá lo sợ. Ví dụ, dự án kênh Phù Nam chẳng hạn, theo tính toán lưu lượng nước đổ vào chỉ từ 50m3/s đến 100m3/s, trong khi lưu lượng của toàn lưu vực dòng chính Mê Kông là 2.450m3/s. Hàng năm lượng nước đổ về ĐBSCL (450 – 470 tỷ m3/năm) vẫn rất lớn so với nhu cầu sử dụng của chúng ta. Quan trọng nhất là phải quản trị chất lượng nước và có giải pháp để thích ứng dần.
Tại vùng ngọt, tôi đồng tình với các giải pháp là nạo vét kênh mương để tăng khả năng dẫn ngọt và dùng các trạm bơm vừa và nhỏ với các vùng có địa hình cao không lấy được nước tự chảy. Còn giải pháp cho vùng cao là xây dựng ao, hồ chứa, theo tôi cần phải bàn thảo thật kỹ, bởi lượng mưa ở Cà Mau là lớn nhất (3.400mm), còn ở những nơi khác chỉ 1.400mm và lượng bốc hơi của nó cũng gần tương đương như vậy. Trong khi đó, lượng nước tập trung vào mùa mưa, còn mùa khô mấy tháng không có nước. Theo tính toán, lượng nước tưới cho 2 vụ lúa trong năm phải mất 1,3 – 1,5m nước rồi, thành ra nếu xây hồ để phục vụ tưới cho lúa thì rất khó khả thi.
Đối với vùng ngọt – lợ, lợ – mặn và mặn ngọt (gọi chung là tiểu vùng mặn – ngọt – lợ luân phiên, thực hiện mô hình tôm – lúa, cần phải nói rõ đây là vùng phức tạp chúng ta chưa thể chủ động trong quản lý nguồn nước khi chưa xây dựng được công trình điều tiết, dẫn đến canh tác không bền vững. Do đó, cần có cảnh báo với các địa phương khi canh tác và cũng là vùng xảy ra khai thác nước ngầm quá mức vào những năm khô hạn.
Giải pháp cung cấp ngọt cho vùng này đã được đề xuất trong bản quy hoạch cho vùng Nam Cà Mau như: Chuyển nước ngọt từ sông Hậu về qua kênh Chắc Băng, xây dựng trạm bơm Tắc Thủ để bơm vào sông Ông Đốc. Vùng Nam Quốc lộ 1A Bạc Liêu xây dựng 2 âu thuyền trên kênh Cà Mau – Bạc Liêu và xây dựng hồ chứa tại các vị trí thuận lợi để hỗ trợ cấp nước.
Tuy nhiên, theo tôi có một số nội dung cần được bàn bạc và tính toán kỹ. Thứ nhất, về sự cần thiết phải có nước ngọt để giảm độ mặn trong hệ thống kênh mương, trong mùa khô, do không có mưa và bốc hơi nên độ mặn của nước trong hệ thống kênh mương và vùng nuôi trồng thủy sản cao hơn nhiều (độ mặn khoảng 40 – 45‰) so với yêu cầu nuôi trồng thủy sản, chủ yếu là tôm (với độ mặn khoảng 30 – 35‰) ở vùng mặn – lợ. Yêu cầu giảm độ mặn của nước trong kênh, vùng nuôi trồng là cần thiết. Tuy vậy, chúng ta có thể thay thế lượng nước trong vùng nuôi thủy sản bằng nước biển (độ mặn từ 28 – 31%). Ở ngưỡng độ mặn này, tuy tôm lớn chậm hơn nhưng chất lượng tôm lại được nâng cao và giá bán cao hơn. Việc lấy nước mặn từ biển vào những vùng này ổn định và thuận lợi hơn nhiều so với việc dẫn nước ngọt từ sông Hậu – xa vài trăm km để pha loãng.
Thứ hai, liệu chúng ta có dẫn nước ngọt về vùng Nam Bán đảo Cà Mau được hay không? Theo tính toán của các mô hình thủy lực thì cúng ta có thể dẫn được nước về, nhưng không phải rất chắc chắn, đặc biệt mực nước trên các sông đang có xu hướng giảm do việc khai thác cát ở lòng sông.
Đối với vùng mặn (trong phạm vi 10km từ bờ biển), trước đây, chính tôi là người đã ký nhiều văn bản đề nghị Chính phủ phải có giải pháp tăng cường cấp ngọt cho vùng mặn Bán đảo Cà Mau, bởi nếu cứ để tình trạng người dân khai thác nước ngầm vô tội vạ để pha loãng nước mặn phục vụ nuôi tôm thì tốc độ sụt lún đất ở vùng này không thể kìm hãm được. Tuy nhiên, dần đến cuối đời tôi mới nhận ra là mình đã sai, thay vào đó là giải pháp khác rất tuyệt vời sau khi được tìm hiểu mô hình nuôi tôm thâm canh, siêu công nghiệp (không cần sử dụng nước ngọt của Tập đoàn Minh Phú).
Những vùng trồng lúa và nuôi tôm kém hiệu quả đã được chuyển đổi thành vùng nuôi tôm công nghiệp, có hệ thống đường ống cấp nước biển. Mỗi khu nuôi công nghiệp rộng từ 300 – 10.000ha. Nhà nước đầu tư công trình lấy nước ở biển (cách bờ biển 2-6km), đường ống hút từ công trình lấy nước vào đến tận trạm bơm (bờ biển). Còn đường ống dẫn sau trạm bơm do dân đầu tư. Hàng ngày, nước biển qua hệ thống xử lý nước, rồi được luân chuyển 25% lượng nước trong ao, đầm là đảm bảo môi trường sống cho tôm.
Đây là mô hình đã làm rất thành công ở Vũng Tàu và Kiên Giang. Tổng cục Thủy lợi (nay là Cục Thủy lợi) và Tổng cục Thủy sản (nay là Cục Thủy sản) đã đi thực địa tham quan, đánh giá và đã có báo cáo lên Bộ NN-PTNT cách đây 3 năm rồi.
Một số vùng khó có điều kiện để cấp nước biển thì nên hình thành vùng tôm – rừng (50%) vùng nuôi tôm sú hữu cơ. Đây là mô hình rất bền vững, nếu tính cả phí carbon của rừng thì hiệu ích đem lại cũng rất cao. Những vùng vẫn nuôi trồng thì cố gắng có đường cấp và đường thoát riêng.
Tôi rất đồng tình với đề xuất của Viện Quy hoạch Thủy lợi miền Nam trong bản quy hoạch thủy lợi lưu vực sông Cửu Long là xây dựng 4 vùng nuôi tôm thâm canh và siêu thâm canh lấy nước biển (Kiên Giang 900ha, Bạc liêu có hai vùng: một vùng 450ha và một vùng 400ha và Cà Mau 400ha).
Khai thác mặt lợi từ lũ
Theo ông, làm thế nào để người dân ĐBSCL có thể “sống chung với lũ”, “ngập lụt” cũng như tiêu thoát nước cho các đô thị do ảnh hưởng của nước biển dâng, sụt lún và triều cường?
Tôi rất đồng tình với phương châm “chủ động sống chung với lũ”. Tuy nhiên, cần nhấn mạnh hiệu ích mà các giải pháp mang lại, cũng như cần có phương án giải quyết tác dụng phụ, tác động tiêu cực của các giải pháp. Những năm có lũ sớm, hệ thống cống có thể khống chế mực nước lũ trong đồng, không để phá lúa vụ hè thu. Vì vậy, không cần xây dựng hệ thống đê chống lũ hai vụ mà không cần kinh phí duy tu bảo dưỡng hàng năm đối với hệ thống đê này.
Còn đối với những năm lũ trong đồng rút muộn, nếu sử dụng cống để điều tiết, có thể rút ngắn thời gian rút nước sớm hơn 24 ngày, đáp ứng mọi yêu cầu về thời vụ. Vì vậy không cần kinh phí xây dựng các trạm bơm tiêu và kinh phí bơm tiêu cuối vụ.
“Chủ động sống chung với lũ” là chủ động đưa lũ vào ruộng vườn để khai thác tất cả những lợi ích từ lũ mang lại, như vệ sinh đồng ruộng và cải tạo đất, lấy phù sa để bồi bổ đất và nâng cao mặt đất, lấy nước ngọt, bổ cập nước ngầm, giữ gìn sự đa dạng sinh học và khai thác nguồn lợi thủy sản.
Nhưng với những trận lũ lớn cực đoan, đỉnh lũ trong đồng sẽ được kiểm soát để không gây ngập các cụm tuyến dân cư, thành phố hay phá hoại cơ sở hạ tầng…
Với những năm lũ lớn, để kiểm soát đỉnh lũ, chúng ta chỉ cần một hệ thống đê (sử dụng hệ thống đường giao thông hiện có – có dự phòng) dọc hai sông lớn và một hệ thống cống, bao gồm cống và âu thuyền. Như vậy chúng ta không cần tiếp tục xây dựng thêm đê để bảo vệ các thành phố, làng ấp, không cần đê chống lũ hai vụ, không cần kinh phí để nâng cấp, bảo dưỡng gần 50.000km đê bao (trừ vùng sản xuất 3 vụ nếu có) và hệ thống cống dưới đê bao, đặc biệt hoàn toàn chủ động đối với lũ sớm và không phải bơm tiêu đối với những năm có lũ rút muộn. Chúng ta chỉ cần nâng cấp các cụm, tuyến dân cư và một số trục giao thông quan trọng an toàn với mực nước lũ tại Tân Châu dưới 4,5m.
Còn tại các đô thị lớn như vùng ĐBSCL, với mức nước lũ tại Tân Châu là dưới 4,5m (tức dưới báo động cấp 3), các đô thị vùng thượng như Long Xuyên, Tân Châu, Châu Đốc đều không bị ngập, vì vậy không cần phải xây dựng hoặc củng cố đê bao ở giai đoạn hiện nay. Các thành phố còn lại cũng sẽ không bị ngập do lũ, có thể vẫn bị ngập do triều hoặc tổ hợp cả triều và lũ trong giai đoạn hiện nay (về lâu dài có thể vẫn bị ngập do lún đất và triều dâng).
Về lâu dài có thể vẫn phải xây dựng công trình chống ngập cho các đô thị nếu tình trạng lún đất tiếp tục xảy ra. Ví dụ, như thành phố Cần Thơ, nếu chúng ta xây dựng xong các cống đầu kênh và rạch thì Cần Thơ không thể bị ngập do triều hay tổ hợp lũ và triều như hiện nay.
Xin cảm ơn ông đã dành thời gian chia sẻ!
GS. TS Đào Xuân Học – nguyên Thứ trưởng Bộ NN-PTNT: ĐBSCL đang đứng trước những thách thức rất lớn từ thượng nguồn, từ phía biển, quá trình đô thị hóa và hiện đại hóa.
Thay mặt tổ chức hội của những người làm công tác thủy lợi tại Việt Nam, tôi đánh giá rất cao Báo Nông nghiệp Việt Nam, Cục Thủy lợi , Viện Khoa học Thủy lợi miền Nam, Viện Quy hoạch Thủy lợi miền Nam và các đơn vị liên quan đã phối hợp tổ chức Diễn đàn “Đẩy mạnh truyền thông sử dụng nước hợp lý, hiệu quả đảm bảo an ninh nguồn nước vùng ĐBSCL”.
Đây là không gian để các cơ quan chuyên ngành, các chuyên gia am hiểu về ĐBSCL đánh giá những tác động và định hướng, giải đáp các vấn đề dư luận xã hội đang quan tâm. Và trên hết, thông tin từ Diễn đàn sẽ giúp người dân hiểu hơn những nội hàm về vấn đề an ninh nguồn nước nơi mình sinh sống và có giải pháp chủ động thích ứng, biến những yếu tố bất lợi của vùng sinh thái đặc thù thành cơ hội để phát triển nông nghiệp, nông thôn bền vững.
Thực hiện nhiệm vụ được giao và chỉ đạo của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Báo Nông nghiệp Việt Nam phối hợp với Cục Thủy lợi và Viện Khoa học Thủy lợi miền Nam cùng các đơn vị liên quan tổ chức Diễn đàn “Đẩy mạnh truyền thông sử dụng nước hợp lý, hiệu quả đảm bảo an ninh nguồn nước vùng Đồng bằng sông Cửu Long”.
Diễn đàn nhằm đẩy mạnh hoạt động truyền thông thực hiện các giải pháp, sáng kiến, mô hình, kinh nghiệm, công nghệ sử dụng nước hợp lý, hiệu quả đảm bảo an ninh nguồn nước cho vùng Đồng bằng sông Cửu Long.
Đồng thời, Diễn đàn cũng đánh giá thực trạng, dự báo thách thức và tìm kiếm các giải pháp mới để sử dụng nước hợp lý, hiệu quả, bền vững, đảm bảo an ninh nguồn nước, ứng phó với biến đổi khí hậu vùng Đồng bằng sông Cửu Long.
Thời gian: Từ 13h30 – 17h30 ngày 29/11/2024 (thứ Sáu).
Địa điểm: Khách sạn Vạn Phát Cần Thơ
Số 2 Nguyễn Văn Cừ, P. Cái Khế, Q. Ninh Kiều, TP. Cần Thơ
Quý vị có thể tham dự trực tuyến qua zoom: ID cuộc họp: 999 0514 5622; Mật mã: 291124
Nguồn: nongnghiep.vn