Điều khiến thầy giáo sinh năm 1983 này tự hào nhất chính là đã thành công trong việc hướng các em học sinh có cùng đam mê đọc sách như mình, và được các thế hệ học sinh trong trường rất yêu quý, tin tưởng.
Đó là thầy giáo Hồ Đình Tuấn, giáo viên dạy môn Lịch sử, Trường Phổ thông Dân tộc nội trú – Trung học và Cơ sở Đắk Song, thị trấn Đức An, huyện Đắk Song, tỉnh Đắk Nông.
Đam mê sách từ người thầy “thần tượng”
Tôi cứ nghĩ không dễ tìm một nhân vật vừa có sở thích đọc sách, lại biết cách lan tỏa sở thích đó cho nhiều người. Bởi bây giờ, có quá nhiều thứ khiến người ta bận tâm hơn việc đọc sách, mất thời gian lại chẳng mang lại giá trị vật chất nào. Trong khi chỉ cần chiếc điện thoại trên tay là có thể biết mọi thứ.
Sau khá nhiều cuộc điện thoại, cuối cùng, tôi đã may mắn có được thông tin về thầy giáo Hồ Đình Tuấn từ một cán bộ thư viện tỉnh Đắk Nông. Sau khi liên hệ với nhân vật, tôi lên đường. Hơn 4 tiếng sau, tôi đã có mặt tại thị trấn Đức An, huyện Đắk Song. Thầy giáo Tuấn đợi sẵn, đón tôi về căn nhà nhỏ, nằm sâu trong một khu dân cư yên tĩnh. Thầy Tuấn có vợ cũng là giáo viên, dạy môn địa lý cùng trường.
Mở đầu câu chuyện, thầy tâm sự, mỗi người có một công việc riêng, và ai cũng muốn công việc đó thành công. “Với tôi, không biết có thể gọi là thành công chưa, nhưng hạnh phúc với những thành quả trong công việc thì có. Đó là khi giảng bài, các em thích thú, chăm chú nghe, hiểu rõ những gì mình muốn nói. Và hạnh phúc khi thấy các em học sinh ngày càng tiến bộ trong học tập, trưởng thành hơn trong cuộc sống. Một phần những thành quả này đến từ việc các em rèn luyện kỹ năng từ những cuốn sách.
“Thầy bắt đầu đam mê sách từ khi nào?”, tôi hỏi. “Ngay từ bé, tôi đã thích sách rồi, nhưng không có điều kiện để mua, gặp cuốn gì đọc cuốn đó. Thấy ai có sách là mượn. Đến khi vào học tại khoa Sử, Đại học Tổng hợp Huế (nay là Đại học Khoa học Huế), tôi mới có điều kiện đọc sách nhiều hơn.
Đặc biệt, những năm học đại học ấy, tôi đã thần tượng thầy Hà Văn Thịnh, giảng viên khoa Sử, một trong những thầy giáo có kiến thức sâu rộng, nhiệt huyết với sinh viên. Ngoài dạy môn Sử, thầy còn dạy Văn học, Luật, tiếng Anh. Thầy là tác giả nhiều cuốn sách, nhiều bài viết nổi tiếng trên báo. Trên lớp, thầy có cách giảng bài sinh động, như môn Luật khô khan là thế, tiết giảng của thầy vẫn khiến sinh viên chúng tôi thích thú. Tôi cũng ảnh hưởng phong cách giảng bài của thầy và áp dụng thành công bao năm qua.
Ngay cả chuyện đọc sách, tôi cũng cũng học từ thầy Hà Văn Thịnh. Tôi nhớ nằm lòng lời thầy nói về cách đọc, cách chọn sách: Trước tiên là phải chọn những cuốn sách giáo viên đã giới thiệu. Chưa hẳn thầy đã đúng, nhưng kinh nghiệm của thầy là cơ sở để tin cậy. Tiếp theo là chọn theo tựa đề sách. Những cuốn sách hay hoặc một bài báo hay trước hết phải có một cái tít hay. Tôi ít thấy điều ngược lại. Chỉ cần đọc những tựa sách như Cuốn theo chiều gió, Tiếng chim hót trong bụi mận gai, Ông già và biển cả…đã thấy được những chi tiết thú vị, gây tò mò, dù chưa đọc nội dung”, thầy Tuấn nói.
“Thầy thích đọc những thể loại nào?”, tôi hỏi. “Tôi dạy môn Lịch sử nên đương nhiên là đọc sâu, kỹ lịch sử Việt Nam và thế giới rồi. Thể loại ưu tiên tiếp theo là những lý thuyết về giáo dục các nước phát triển như châu Âu, Mỹ, Nhật, Singapore… để hiểu thêm về định hướng, triết lý giáo dục của họ, xem nó khác Việt Nam thế nào. Văn học bổ trợ rất nhiều cho bài giảng, nên tôi cũng đọc nhiều, những tác phẩm văn học kinh điển trong nước, và thế giới, tôi đều đã đọc”, thầy Tuấn đáp.
Hiện nay, kệ sách của thầy giáo Tuấn đã lên đến gần 2.000 cuốn, đủ thể loại, hầu hết những đầu sách thuộc hàng kinh điển của Việt Nam và thế giới, đủ thể loại, từ văn học, lịch sử, địa lý, kinh tế, đến nghiên cứu khoa học, tâm lý… đều có mặt trên kệ sách này.
Ngoài những tác phẩm kinh điển Việt Nam và thế giới về lĩnh vực văn học, lịch sử, khảo cứu, trên kệ sách còn có những cuốn sách về kinh tế, dạy làm giàu của những tỷ phú nổi tiếng thế giới, trên nhiều lĩnh vực, từ bất động sản, truyền thông cho đến công nghệ như: Jack Ma, Warren Buffett, Jeff Bezos, Bill Gates, Mark Zuckerberg, Elon Musk…
“Thầy tích lũy từ khi nào mà có kệ sách đồ sộ thế?”, tôi hỏi. “Từ thời sinh viên. Nhưng đây không phải tất cả. Vì thất thoát nhiều. Thời còn đi học, tích cóp mãi mới mua được 1 cuốn mình thích, nhưng bạn bè hỏi mượn, đọc rồi “quên” trả. Hiện tại cũng vậy, vẫn thường xuyên thất thoát, vì các em học sinh mượn, rồi làm hư, mất, hoặc quên không trả, mình cũng quên là đã cho em nào mượn”, thầy Tuấn đáp.
Gian nan truyền lửa đam mê cho học sinh
Thời nay, chỉ cần 1 chiếc điện thoại, là có thể biết mọi thứ. Nhưng những thứ biết đó không thể so sánh với kiến thức mênh mông, từ cổ chí kim trong những cuốn sách. Vấn đề là làm sao để mọi người hiểu cái triết lý này. Điều đó cho thấy, việc gieo mầm đam mê sách cho các em học sinh gian nan thế nào.
Theo thầy Tuấn, mặc dù hiện nay, các chương trình, phong trào cổ động về đọc sách cũng có nhiều, nhưng phần lớn vẫn mang tính hình thức, không đi vào thực chất, vì thế, hiệu quả không cao. Chưa kể, chương trình sách giáo khoa chỉ cung cấp kiến thức nền tảng, lượng thông tin hạn hẹp, chưa thể lột tả hết cái hay, cái đẹp, tác dụng hay ảnh hưởng to lớn mà tác phẩm mang lại.
Chẳng hạn như các tác phẩm văn học nổi tiếng Thượng kinh kí sự của Lê Hữu Trác, Hai đứa trẻ của Thạch Lam, Chí Phèo của Nam Cao (Ngữ văn 11); Vợ chồng A Phủ của Tô Hoài, Rừng xà nu của Nguyễn Trung Thành, Ông già và biển cả của Ernest Hemingway (Ngữ văn 12)… học sinh chỉ tiếp cận ở dạng “trích”. Vì thế, để hiểu hết nội dung tác phẩm, phải đọc đầy đủ tác phẩm gốc.
“Ví dụ như tác phẩm Chí Phèo của nhà văn Nam Cao, tác phẩm gốc dài 50 trang, nhưng sách giáo khoa chỉ có khoảng 10 trang. Nếu trước khi học về tác phẩm này, các em được đọc đầy đủ tác phẩm gốc, sẽ hiểu sâu hơn về chế độ phong kiến xưa của đất nước. Bên cạnh đó, giáo viên có thể hướng dẫn các em mở rộng kiến thức, đọc thêm các tác phẩm khác cùng chủ đề như Lão Hạc (Nam Cao), Tắt đèn (Ngô Tất Tố), Bước đường cùng (Nguyến Công Hoan)… để các em có cái nhìn toàn diện về cuộc sống đầy bế tắc của nhân dân ta thời phong kiến”, thầy Tuấn phân tích.
“Việc dạy và truyền đam mê sách cho học sinh là con em đồng bào các dân tộc thiểu số có khó không?”, tôi hỏi. “Đặc thù của các em học sinh này là thụ động, nhút nhát, tự ti. Ban đầu mình phải xóa bỏ ngăn cách giữa thầy và trò, tạo sự tự tin cho các em bằng cách gần gũi, trò chuyện, trao đổi, khyến khích các em phát biểu cảm nghĩ cá nhân.
Là người tiếp xúc với các em hằng ngày, giáo viên rất thuận lợi trong việc “truyền lửa” đam mê sách cho học sinh. Nhưng, muốn thế, giáo viên phải là người đam mê trước. Rồi phải đọc nhiều sách, biết cuốn nào hay, phù hợp với từng lứa tuổi các em để giới thiệu.
Điều đáng buồn là ngày càng ít những người “tâm huyết” với việc này. Vì thế, ngay trong môi trường làm việc của mình, tôi vẫn thấy “đơn độc” trong việc truyền cảm hứng cho học sinh”, thầy Tuấn tâm sự.
“Thầy đã truyền đam mê sách cho học sinh như thế nào?”, tôi hỏi. Thầy đáp: “Tôi có cái thuận lợi là đọc nhiều sách, nên trong tiết học lịch sử, tôi vẫn tuân thủ theo cốt lõi nội dung trong chương trình, nhưng cách truyền tải có chút biến tấu, có thể “pha trộn” cách giảng môn Văn học, để bài giảng bớt khô khan. Thường thường, khi vào lớp, tôi hỏi: tuần qua các em có đọc cuốn sách nào không? Khi các em nói có, tôi khen, rồi khuyến khích em đứng lên tóm tắt nội dung chính cuốn sách, cảm nhận riêng cho các bạn cùng nghe.
Ban đầu, các em rụt rè, không dám đứng lên, tôi khuyến khích và bảo: “Em kể xong thầy cho 10 điểm”, em nghe vậy thích lắm, mạnh dạn đứng lên kể, tôi giữ lời hứa, cho em 10 điểm. Từ đó, các em ngày càng tự tin hơn. Đó là 1 trong những cách tôi giúp các em tự học qua trang sách.
Có lần, trong giờ học, tôi hỏi: “Bạn nào vừa đọc xong 1 cuốn sách liên quan đến lịch sử Việt Nam, có thể giới thiệu tóm tắt nội dung cho các bạn trong lớp nghe được không?”, thì em Nông Thị Diễm đứng lên nói về cuốn Tuổi thơ dữ dội của của Nhà văn Phùng Quán. Sau khi tóm tắt nội dung, em còn phát biểu cảm nghĩ. Tôi thực sự xúc động, vì đã thành công “truyền” đam mê đọc cho các em”.
Trong quá trình giảng bài, tôi khuyến khích các em phát biểu, nói lên cảm nghĩ của mình, thậm chí là phản biện. Đồng thời, giới thiệu những cuốn sách liên quan trực tiếp đến bài giảng cho các em đọc thêm. Vì thế, buổi học sinh động hơn, các em thích học hơn.
Mơ ước cháy bỏng của tôi là phải có khoảng 5.000 đầu sách, sau này về hưu sẽ mở một thư viện cộng đồng, phục vụ các miễn phí cho các em học sinh hay bất cứ ai có niềm đam mê sách.
Trong số các em học sinh tôi dạy, có em Triệu Thị Lan, có lẽ do đam mê đọc sách mà em bộc lộ năng khiếu thuyết trình nổi trội. Năm lớp 12, em nhiều lần giới thiệu nội dung sách trước lớp, tôi còn nhớ những câu em nói, rất ấn tượng như: “Các bạn, chúng ta không mãi thể cúi đầu trước màn hình điện thoại, các bạn cần ý thức được rằng những năm tháng trên ghế nhà trường rất ý nghĩa, ở đó chúng ta nên đọc, mở rộng kiến thức, sự hiểu biết để làm hành trang cho mình”. “Đọc sẽ cho ta nhiều ý tưởng mới mẻ để kiến tạo cuộc sống này”, hay “đọc nhiều văn học, lịch sử, phong tục tập quán nước ngoài để hiểu thêm về thế giới bên ngoài. Sau này nếu có dịp qua nước họ, mình sẽ không bỡ ngỡ”…
Và hạnh phúc với “trái ngọt”
Nghe tôi hỏi: “Trong 15 năm đứng trên bục giảng, truyền đam mê đọc sách cho học sinh, hôm nay, thầy đã đạt được những gì?”, thầy Tuấn liền “khoe”: “Lớp cuối cấp vừa rồi của tôi có mấy em đậu Đại học Huế, 1 em đậu Đại học Cảnh sát, 1 em vào học Sư phạm Huế. Còn mấy em khác đậu cao đẳng. Rất nhiều cái tên nổi bật trong lớp học như Nông Thị Diễm, Triệu Thị Lan, Hoàng Thị Hằng, học sinh lớp 12, những em này đều học giỏi, mê sách và hiện đã là sinh viên đại học. Hay như em Lò Thị Hà Vy, lớp 11, Bàn Thị Huệ Nhung, lớp 6…”.
Để chứng minh, thầy Tuấn lấy điện thoại ra gọi cho em Hoàng Thị Hằng, tân sinh viên Đại học Công thương TP.HCM, rồi đưa cho tôi nói chuyện.
Qua điện thoại, Hằng cho biết: “Cháu đạt được kết quả học tập như hôm nay là nhờ có thầy Tuấn. Lớp cháu năm nay cũng nhiều bạn được học lên nữa lắm ạ. Như bạn Điểu Dìu Vy, đậu Đại học Huế, khoa Luật, bạn Nông Thị Diễm, đậu Đại học Bình Dương”.
“Cháu thích đọc sách từ khi nào?”, tôi hỏi. “Dạ, từ năm đầu cấp 3 thôi ạ. Vì cháu thích môn Sử của thầy Tuấn, lần nào lên lớp thầy cũng kể chuyện trong sách cho lớp nghe, rồi mang sách đến giới thiệu cho lớp đọc. Cháu thích lúc nào không biết, nên thường cùng các bạn còn đến nhà thầy mượn sách. Nhà thầy rất nhiều sách hay”, Hằng hào hứng. “Thế đã làm hỏng, rách cuốn sách nào của thầy chưa?”, tôi hỏi. Hằng cười: “Dạ, có ạ”. “Thầy có la không?”, “Dạ, không ạ”.
Theo quan điểm của thầy Tuấn, sách là những kiến thức mà tác giả có thể sống trước ta nhiều thế kỉ, nhưng những tư tưởng, triết lý của họ để lại, thì luôn có giá trị với mọi thời đại. Như cuốn Khuyến học, của tác giả Fukuzawa YuKichi (Nhật Bản), thực sự là “kim chỉ nam” cho sự phát triển hùng cường của Nhật Bản. Khi đọc cuốn này, tôi mới thấy người Nhật thức thời, đề ra đường lối đổi mới đất nước đúng lúc, nhờ đó tránh họa thực dân xâm lược.
Hay như cuốn Hồi kí của Thủ tướng Lý Quang Diệu (Singapore), cũng là tác phẩm rất hay để học hỏi về một đất nước tuy nhỏ bé nhưng rất hùng mạnh, với nền giáo dục tiên tiến hàng đầu khu vực…
“Tôi luôn cố gắng truyền tải cho các em học sinh tất cả những tinh tuý trong sách đó”, thầy nói.
Cầm cuốn tự truyện Không bao giờ là thất bại: Tất cả là thử thách của tác giả Chung Ju Yung, nhà sáng lập thương hiệu toàn cầu Hyundai trên tay, tôi cười, hỏi: “Thầy giáo định chuyển hướng làm giàu hay sao mà nghiên cứu những cuốn sách này?”. Thầy Tuấn cười: “Những cuốn sách viết về các tỷ phú, không chỉ đơn thuần nói về việc làm giàu, mà còn nói đến cách làm người, cách sống, cách cư xử, nhất là khi đồng tiền là mục tiêu để phấn đấu
Riêng cuốn Không bao giờ là thất bại: Tất cả là thử thách này, đã trở thành mẫu hình kinh điển cho mọi doanh nhân trên thế giới. Tôi đã đọc nhiều lần, và kể lại cho các em học sinh nghe. Thông điệp tôi muốn truyền cho học sinh qua cuốn sách là tiềm năng của một con người gần như vô hạn, chỉ cần có 1 ý chí đủ mạnh, thì có thể vượt qua tất cả những khó khăn dù nó lớn đến đâu. Và thông điệp thứ 2 trong cuốn sách, là nỗ lực không ngừng, nhưng không bao giờ tách rời khỏi chữ nhân tâm. Sau khi tôi kể xong, các em rất thích, nhiều em đã mượn cuốn sách về đọc.
“Quá trình dạy, thấy các em ngày càng tiến bộ, tự tin hơn, nhiều bài viết của các em chất lượng không thua kém học sinh miền xuôi, thành thị, với đầy đủ dẫn chứng súc tích, có hồn, nhiều khi tôi rất bất ngờ. Kết quả của việc đọc nhiều là giúp các em hiểu biết sâu hơn vấn đề, viết tốt hơn. Bản thân các em cũng trưởng thành, chín chắn hơn”, thầy Tuấn tâm sự.
Nguồn: nongnghiep.vn