Ngày 24/1, UBND huyện Đức Cơ tổ chức “Hội nghị xúc tiến đầu tư và kết nối tiêu thu sản phẩm năm 2024”. Hội nghị nhằm giới thiệu, quảng bá tiềm năng, lợi thế của huyện Đức Cơ đến các nhà đầu tư trong và ngoài huyện. Thông qua đó, tạo cơ hội việc làm, kết nối sản xuất và tiêu thụ các sản phẩm nông nghiệp, công nghiệp, du lịch và dịch vụ; đầu tư cơ sở hạ tầng, góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế, xã hội tại địa phương.
Ông Vũ Mạnh Định, Chủ tịch UBND huyện Đức Cơ cho biết, với lợi thế về nông nghiệp, huyện Đức Cơ có diện tích đất sản xuất rộng lớn và màu mỡ, khí hậu thổ nhưỡng phù hợp với nhiều loại cây trồng có giá trị kinh tế cao. Đặc biệt là các loại cây công nghiệp dài ngày, cây ăn quả nhiệt đới hiện đang có diện tích và sản lượng lớn của tỉnh Gia Lai như: cây cao su 13.000ha, cây điều 26.000ha, cây cà phê 9.000ha, sầu riêng gần 1.000ha.
Trong khi đó, lĩnh vực chăn nuôi của huyện cũng phát triển ổn định với các mô hình trang trại chăn nuôi gia súc, gia cầm tập trung theo quy mô vừa, lớn. Đặc biệt là nghề nuôi chim yến đang hình thành và phát triển nhanh về số lượng cũng như sản lượng, chất lượng khai thác hàng năm. Ngoài ra, trên địa bàn huyện đã có 27 sản phẩm được công nhận sản phẩm OCOP, trong đó có 4 sản phẩm đạt chuẩn 4 sao và 23 sản phẩm đạt chuẩn 3 sao.
“Đẩy mạnh thực hiện Đề án tái cơ cấu ngành nông nghiệp đến năm 2030, huyện sẽ tập trung chuyển đổi mô hình phát triển kinh tế nông nghiệp theo hướng nâng cao giá trị, tăng sức cạnh tranh của các sản phẩm nông nghiệp chủ lực của huyện trong thị trường. Tăng cường thực hiện các giải pháp xây dựng vùng nguyên liệu sản xuất nông nghiệp đạt chất lượng, bền vững”, ông Định cho biết.
Trong lĩnh vực chăn nuôi, ông Định cho biết, huyện sẽ phát triển chăn nuôi theo hướng tập trung, công nghiệp, đảm bảo an toàn dịch bệnh. Ưu tiên hỗ trợ và thúc đẩy các doanh nghiệp, HTX phát triển mạnh mẽ, bền vững, nhất là tham gia vào chuỗi liên kết cung ứng nông sản trên toàn cầu.
Tại hội nghị, rất nhiều các nhà đầu tư bày tỏ sự quan tâm vào lĩnh vực nông nghiệp cũng như các sản phẩm nông sản đặc trưng của địa phương.
Ông Nguyễn Văn Thịnh, Tổng Giám đốc Nhà máy yến sào NestGia, Công ty TNHH Dược Phú Thành cho biết, Gia Lai có rất nhiều tiềm năng phát triển chim yến nhưng lại không có nhiều người biết đến. Trong đó, huyện Đức Cơ nằm ở khu vực biên giới và đã nuôi được rất nhiều chim yến.
“Là đơn vị chế biến tổ yến để xuất khẩu ra nước ngoài, chúng tôi mong muốn thông qua hội nghị có thể kết nối được với nhiều người nuôi chim yến để tiêu thụ nâng cao giá trị xuất khẩu từ tổ yến trên địa bàn”, ông Thịnh chia sẻ.
Cũng đánh giá cao về tiềm năng nghề nuôi chim yến, ông Nguyễn Dũng, Phó Chủ tịch Hiệp hội Trang trại và Doanh nghiệp nông nghiệp Việt Nam cho biết, nghề nuôi chim yến đang rất phát triển ở một số huyện trên địa bàn tỉnh Gia Lai. Tuy nhiên, nuôi chim yến vẫn còn mang tính nhỏ lẻ, không tập trung phát triển quy mô lớn, đủ sản lượng để xuất khẩu.
“Chúng tôi đã làm việc với Sở NN-PTNT tỉnh Gia Lai thành lập Hiệp hội yến sào để thông qua đó đẩy mạnh phát triển lĩnh vực này bền vững hơn”, ông Dũng chia sẻ.
Bên cạnh lĩnh vực nông nghiệp, huyện Đức Cơ cũng kêu gọi các doanh nghiệp đầu tư vào lĩnh vực như xây dựng, nhà ở, thương mại, y tế, văn hóa, du lịch.
Ông Nguyễn Hữu Quế, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Gia Lai cho biết, để công tác thu hút đầu tư phát huy hiệu quả, huyện Chư Sê cần phải “trải thảm đỏ” đón các doanh nghiệp. Muốn vậy, huyện cần tập trung làm tốt công tác giải phóng mặt bằng, tạo được mặt bằng sạch cho nhà đầu tư. Đồng thời, tập trung hình thành cụm công nghiệp để giải quyết công ăn việc làm cho người dân, xây dựng quy hoạch huyện bám sát quy hoạch của tỉnh để “mở đường” thuận lợi cho các nhà đầu tư vào huyện.
Tại hội nghị, UBND huyện Đức Cơ đã ký và trao “Biên bản ghi nhớ hợp tác đầu tư cho 7 dự án đầu tư ở các lĩnh vực trọng tâm như nông- lâm nghiệp, thương mại, hạ tầng, y tế.
Nguồn: nongnghiep.vn