Trám đen là cây thân gỗ, cao từ 10- 30m, được trồng nhiều ở huyện Hương Sơn, tỉnh Hà Tĩnh. Cây
trồng này cho quả lớn, màu tím thẫm, có hương vị bùi, béo, ngậy đặc trưng nên được nhiều gia đình lựa chọn phát triển.
“Trước đây cây trám ít có giá trị, vào thời điểm thu hoạch nhiều nơi trám rụng đen gốc nhưng không ai nhặt. Nhiều gia đình khó khăn còn dùng loại quả này ướp muối mặn để ăn dần cả năm”, ông Nguyễn Văn Hân, người dân ở “thủ phủ” trám xã Sơn Ninh, huyện Hương Sơn nói.
Theo ông Hân, những năm gần đây, khi diện tích trồng trám thu hẹp, giá loại quả này bất ngờ tăng cao lên đến 130.000 – 150.000 đồng/kg. Ngoài giá trị kinh tế, trám đen còn có giá trị ẩm thực, dược liệu với nguồn dinh dưỡng khá cao, được người dân ví là “vàng đen” giúp bà con tăng thu nhập.
Tuy nhiên, vụ thu hoạch năm 2024, lần đầu tiên trong lịch sử cây trám thất thu khoảng 2/3 tổng sản lượng. Có những gia đình cây không cho quả.
“Nhà tôi có 15 gốc trám, tuy nhiên chỉ một nửa số cây cho quả, năm nay gia đình lỗ khoảng 30 triệu đồng”, ông Hân buồn bã chỉ lên gốc cây lớn chỉ lác đác dăm chục quả.
Đồng cảnh ngộ, ông Nguyễn Văn Chinh trú cùng xã Sơn Ninh cho hay, gia đình ông có 8 cây trám đen lâu năm, trước đây trung bình mỗi cây cho sản lượng gần 100kg quả/năm, tổng thu nhập khoảng 35 triệu đồng/năm. Năm nay, do ảnh hưởng của thời tiết khiến cây cho rất ít quả, sản lượng thấp nên cũng kén thương lái đến mua, nếu bán cả vườn cũng chỉ thu về 1 – 2 triệu đồng, gia đình coi như mất trắng.
Xã Sơn Ninh có gần 100 hộ trồng trám với khoảng 500 gốc. Trung bình năm được mùa, mỗi hộ trồng trám thu về khoảng 20 – 25 triệu đồng, đặc biệt có những hộ trồng nhiều đạt 80 triệu/năm.
Xã Kim Hoa cũng là địa phương có số lượng cây trám đen nhiều ở huyện Hương Sơn với trên 400 gốc, phân bố ở 20 thôn. Trong đó, nhiều nhất là ở các thôn Châu Lâm, Hồng Thủy, Trung Hoa, Hội Sơn. Theo bà con, năm nay sản lượng giảm khoảng 60% so với năm 2023.
Mất mùa khiến giá trám tăng cao. Hiện giá trám tươi dao động ở mức 120.000 – 130.000 đồng/kg, trám loại 1 có thể lên tới 150.000 đồng/kg, cao hơn cùng kỳ năm ngoài từ 20.000 – 30.000 đồng/kg.
Trám mất mùa còn ảnh hưởng đến hoạt động của nhiều cơ sở chế biến sản phẩm từ quả trám. “Hàng năm đến mùa thu hoạch, chúng tôi đều thuê người đến các vườn trám của xã thu mua quả trám để chế biến trám muối, trám sấy khô. Năm trước, cơ sở tôi thu mua của bà con khoảng 8 tấn nhưng năm nay ước chỉ mua được 2,5 tấn, lo ngại không đủ nguyên liệu để trả đơn cho khách hàng”, chị Đặng Thị Khánh Ly, chủ cơ sở chế biến trám đen Hùng Lý ở thôn Trà Sơn, xã Sơn Ninh chia sẻ.
Về nguyên nhân mất mùa, theo ông Trần Quang Hòa, Trưởng phòng NN-PTNT huyện Hương Sơn, năm nay thời điểm ra hoa cây trám gặp mưa lớn, đến giai đoạn phát triển lại gặp nắng nóng kéo dài khiến năng suất sụt giảm 60 – 70% so với các năm trước.
“Trám là loại quả đặc trưng của huyện Hương Sơn, hiện đã phát triển mạnh tại các xã Sơn Ninh, Sơn Bằng, Sơn Tiến, Sơn Phú, Kim Hoa, An Hòa Thịnh… đem lại nguồn thu lớn, góp phần thúc đẩy kinh tế địa phương. Năm nay bà con trồng trám mất mùa, ảnh hưởng không nhỏ đến thu nhập”, ông Hòa nói.
Nguồn: nongnghiep.vn