Tại Hà Nội, Viện Nghiên cứu Kinh tế và Chính sách (VEPR) vừa tổ chức Tọa đàm Đối thoại chính sách: “Phục hồi tăng trưởng – Triển vọng và thách thức” với sự tham dự của đại diện các cơ quan quản lý và chuyên gia kinh tế.
Theo báo cáo của VEPR, kết thúc quý III nền kinh tế Việt Nam đã phục hồi tương đối tốt trong sự lạc quan về tăng trưởng chung của kinh tế thế giới cuối 2024 và năm 2025. Theo đó, tăng trưởng GDP sau 9 tháng đạt 6,82%, tăng hơn 1,5 lần so với mức 4,4% cùng kỳ năm ngoái với sự đóng góp chủ yếu từ khu vực công nghiệp và dịch vụ.
Ở phía tổng cầu, thương mại trên đà hồi phục và dòng vốn FDI tích cực là động lực tăng trưởng chính. Tuy nhiên, chi tiêu của người tiêu dùng vẫn thấp hơn mức trước đại dịch và áp lực lạm phát trong nửa đầu năm 2024 cũng đã làm giảm tốc độ tăng trưởng của vốn.
Thương mại tăng trưởng tích cực, vốn FDI thực hiện đạt mức cao kỷ lục, du lịch phục hồi mạnh mẽ, tỷ giá USD tại các ngân hàng thương mại trong nước đã liên tục giảm, với mức giá thấp hơn nhiều so với trần do Ngân hàng Nhà nước (NHNN) quy định.
Việc tốc độ tăng cung tiền và tăng trưởng tín dụng phục hồi khá tốt đã góp phần tích cực vào thúc đẩy tăng trưởng và đầu tư.
Thêm vào đó, thu ngân sách nhà nước vượt kế hoạch, trong khi chi tiêu công giảm so với cùng kỳ năm 2023, dẫn đến ngân sách tiếp tục đạt thặng dư cao, tạo ra dư địa tài khóa lớn. Điều này mở ra cơ hội tiếp tục triển khai các chính sách hỗ trợ như miễn, giảm thuế, đặc biệt trong bối cảnh nhiều ngành chịu ảnh hưởng từ bão Yagi.
Tuy nhiên, dù nền kinh tế có nhiều điểm sáng tích cực, song báo cáo của VEPR cũng chỉ ra một số rủi ro và thách thức ở phía trước với kinh tế Việt Nam.
Cụ thể, các chỉ số quản trị mua hàng PMI suy giảm và xuống dưới 50 điểm trong tháng 9. Tỷ lệ doanh nghiệp rút lui so với doanh nghiệp gia nhập thị trường vẫn ở xu hướng cao. Tiêu dùng trong nước lẫn giải ngân đầu tư công chưa đạt được như kỳ vọng…
Theo TS. Nguyễn Quốc Việt, Phó Viện trưởng VEPR, độ trễ từ tác động của cơn bão Yagi sẽ là một trong những yếu tố quan trọng ảnh hưởng đến tăng trưởng của Việt Nam trong quý IV. Những thách thức này đòi hỏi sự điều hành chính sách linh hoạt và hiệu quả để duy trì đà phục hồi kinh tế của đất nước.
Trong bối cảnh thuận lợi, khó khăn và thách thức đan xen, chuyên gia của VEPR đưa ra 2 kịch bản tăng trưởng cao và thấp.
Với kịch bản cao, tăng trưởng GDP sẽ quý IV sẽ đi ngang với mức 7,4%, tăng trưởng cả năm 2024 dự kiến sẽ đạt mục tiêu mới 7% mà Chính phủ đề ra cho năm 2024.
Cơ sở của kịch bản cao, theo ông Việt là những điều chỉnh tích cực cho dự báo tăng trưởng kinh tế toàn cầu trong nửa cuối năm 2024 của các tổ chức lớn như IMF, OECD, Worl Bank hay Euromonitor…
Còn với kịch bản thấp, tăng trưởng quý IV sẽ dưới mức 7%, kéo theo dự báo tăng trưởng cả năm 2024 sẽ dao động mức quanh mức 6,84%.
Phó Viện trưởng VEPR tiếp tục nhấn mạnh việc môi trường kinh doanh vẫn tiềm ẩn nhiều rủi ro, khi các rào cản về điều kiện kinh doanh và thủ tục hành chính không chỉ chưa được giảm thiểu mà còn có xu hướng gia tăng, do động lực cải cách từ các bộ, ngành đang suy yếu.
Nêu ý kiến tại buổi tọa đàm, ông Phan Đức Hiếu, Ủy viên Thường trực Ủy ban Kinh tế của Quốc hội cho biết: tăng trưởng quý IV từ 7,4- 7,5% là kịch bản điều hành của Chính phủ chứ không phải dự báo. Theo ông Hiếu, Chính phủ đưa ra mục tiêu cao như vậy để đưa ra các giải pháp phù hợp, còn đạt được hay không sẽ phụ thuộc nhiều yếu tố.
Ông Hiếu cho rằng, sau cơn bão Yagi vừa qua, cần phải triển khai rất nhanh Nghị quyết của Chính phủ về hỗ trợ về trợ khắc phục hậu quả bão số 3 (Nghị quyết 143/NQ-CP) thì mới có được mức tăng trưởng cao trong quý IV và từ đó đạt được mục tiêu tăng trưởng GDP cả năm đạt 7%.
Nguồn: nongnghiep.vn