Trong khuôn khổ Diễn đàn nghị viện hợp tác Pháp ngữ về nông nghiệp bền vững, an ninh lương thực và ứng phó với biến đổi khí hậu diễn ra ngày 21/1, tại TP Cần Thơ, Bộ trưởng Bộ NN-PTNT Lê Minh Hoan đã có buổi gặp gỡ song phương với Chủ tịch Hạ viện Ma Rốc Rachid Talbi El Alami.
Chia sẻ về tốc độ phát triển của ngành nông nghiệp Việt Nam thời gian qua, Bộ trưởng Lê Minh Hoan phấn khởi cho biết, Việt Nam đã có chặng đường thành công trong chuyển đổi hệ thống nông nghiệp, đảm bảo lương thực cho 100 triệu dân và xuất khẩu đến hơn 180 quốc gia và vùng lãnh thổ. Riêng trong năm 2024, xuất khẩu nông sản đạt 62,5 tỷ USD, thặng dư thương mại toàn ngành nông nghiệp đạt 17,9 tỷ USD.
Đặc biệt, Bộ NN-PTNT đang xây dựng đề án hợp tác Nam – Nam và 3 bên trong lĩnh vực nông nghiệp theo chỉ đạo của Chính phủ. Một trong những mục tiêu chính là tăng cường hợp tác với các nước thuộc liên minh châu Phi.
Trong 11 tháng năm 2024, kim ngạch thương mại song phương giữa Việt Nam và Ma Rốc đạt 280 triệu USD. Tuy nhiên, hiện nay, hợp tác giữa Việt Nam và Ma Rốc trong lĩnh vực nông nghiệp chưa nhiều. Chủ yếu một số doanh nghiệp Việt Nam sang kinh doanh, xuất nhập khẩu tại Ma Rốc. Trong đó có một số mặt hàng liên quan đến nông nghiệp như hạt điều, thực phẩm… các hoạt động này còn nhỏ lẻ và mang tính tự phát.
Do đó, Bộ trưởng mong muốn thời gian tới, hai bên cần tiến hành tổ chức các đoàn trao đổi, tìm hiểu cơ hội hợp tác. Trên cơ sở đó, ký kết các thỏa thuận hợp tác để triển khai các hoạt động cụ thể. Nhất là trong lĩnh vực trồng rừng – một trong những lĩnh vực mà nước bạn có nhiều kinh nghiệm. Ngược lại, Việt Nam có kinh nghiệm về lúa gạo, cây lương thực, cây ăn trái, nuôi trồng thủy sản.
Bộ trưởng Lê Minh Hoan đề xuất ngài Chủ tịch Hạ viện Ma Rốc phối hợp tìm kiếm nguồn hỗ trợ tài chính từ một bên thứ ba để xây dựng dự án hợp tác nông nghiệp, với sự đóng góp chuyển giao kỹ thuật và chuyên gia của Việt Nam, đặc biệt trong sản xuất lúa gạo.
Chủ tịch Hạ viện Ma Rốc Rachid Talbi El Alami ghi nhận sự phát triển của ngành nông nghiệp Việt Nam thời gian qua. Đồng thời mong muốn hai quốc gia sẽ có sự đồng hành, hỗ trợ mạnh mẽ hơn trong thời gian tới, nhất là trong bối cảnh Ma Rốc đang đẩy mạnh đầu tư vào nghiên cứu nông nghiệp và các chính sách hỗ trợ sản xuất để đảm bảo tính bền vững của nguồn cung gạo.
Nguồn: nongnghiep.vn