Theo nghiên cứu về nền kinh tế số Việt Nam từ Google, dự báo đến năm 2030, giá trị tác động kinh tế hàng năm của công nghệ số tại Việt Nam có thể đạt tới 1.733 nghìn tỷ đồng (tương đương 74 tỷ USD). Trong đó, trí tuệ nhân tạo (AI) được nhận định sẽ đóng góp lớn vào các lĩnh vực của nền kinh tế số.
Tại sự kiện GenAI Summit 24 vừa được Trung tâm Đổi mới sáng tạo Quốc gia (NIC), Đại Học Fulbright và New Turing Institute (NTI) tổ chức, nhiều chuyên gia trong nước và quốc tế tiếp tục khẳng định Việt Nam có nhiều lợi thế trong việc phát triển AI nhờ vào những tiềm năng từ thị trường, nguồn nhân lực và hệ sinh thái khởi nghiệp.
Ông Nguyễn Đức Toàn, Giám đốc Quốc gia Google Cloud cho rằng: “Việt Nam đang ở một vị trí đặc biệt để dẫn đầu sự đổi mới AI trong khu vực Đông Nam Á và hơn thế nữa”. Trong đó, thị trường Việt Nam đang đón nhận sự trợ lực rất lớn từ Chính phủ, các tập đoàn trong nước (như Viettel, Vingroup…) để có thể đón sóng AI.
Đồng quan điểm, TS. Lê Viết Quốc, chuyên gia cấp cao từ Google cho rằng Chính phủ Việt Nam đã và đang đưa ra nhiều chính sách khuyến khích khởi nghiệp và đầu tư vào công nghệ. Điều này tạo điều kiện thuận lợi cho các doanh nghiệp AI phát triển và cạnh tranh trên thị trường quốc tế.
Về hợp tác quốc tế, Việt Nam có sự hợp tác với các tập đoàn công nghệ lớn như Google, đầu tư mạnh mẽ vào việc đào tạo nguồn nhân lực cho tương lai. Google đã cam kết dành 40.000 học bổng Google Career Certificates cho Việt Nam.
Cùng với đó là cam kết của Google về đào tạo 200 công ty khởi nghiệp Việt Nam trong các lĩnh vực liên quan đến AI thông qua chương trình Google AI Startups Masterclass để thúc đẩy sự phát triển của hệ sinh thái khởi nghiệp AI.
Còn về nguồn nhân lực, các chuyên gia cho rằng Việt Nam có truyền thống giáo dục tốt, đặc biệt là trong lĩnh vực toán học và khoa học, tạo ra một nguồn nhân lực chất lượng cao cho ngành AI. Dẫn chứng là sinh viên Việt Nam thường xuyên đạt thành tích cao trong các kỳ thi toán học quốc tế, chứng tỏ khả năng tư duy logic và giải quyết vấn đề – những kỹ năng cần thiết cho việc phát triển AI.
Theo ông Nguyễn Đức Toàn, với hơn 70% dân số tuổi dưới 35 tuổi và tỷ lệ tốt nghiệp đại học ngày càng tăng, Việt Nam có thể đào tạo và thu hút những tài năng AI hàng đầu. Đồng thời, với khoảng 80 triệu người dùng Internet dưới 30 tuổi, Việt Nam đang được đánh giá là thị trường màu mỡ và đầy tiềm năng của những sản phẩm và ứng dụng AI.
Google tài trợ 1,5 triệu USD cho Đại học Fulbright để thúc đẩy nghiên cứu, đào tạo AI
Ngày 19/8, trong buổi giao lưu về AI giữa Giám đốc khoa học của Google Jeff Dean và sinh viên Đại học Fulbright Việt Nam, TS. Scott Fritzen – Chủ tịch Trường Fulbright Việt Nam đã công bố nhận khoản tài trợ trị giá 1,5 triệu USD từ Google.
Đây là khoản tài trợ được Google sử dụng để thúc đẩy, nâng cao việc nghiên cứu, giáo dục AI cho đội ngũ giảng viên và sinh viên của Fulbright Việt Nam.
Theo đó, Đại học Fulbright Việt Nam sẽ tích hợp AI vào tất cả các chương trình học thuật tại trường, phát triển các chuyên ngành chính và chuyên ngành phụ liên quan đến AI trong chương trình đại học, giúp sinh viên có kỹ năng ứng dụng AI.
Khoản tài trợ còn được phân bổ cho các mục tiêu tuyển thêm các chuyên gia AI để mở rộng giảng dạy, hỗ trợ các nghiên cứu liên quan đến AI của giảng viên và sinh viên, cũng như các sáng kiến hợp tác với các đối tác học thuật và đối tác trong ngành ở Việt Nam và quốc tế.
Trước đó, như Báo Nông nghiệp Việt Nam đã thông tin, Google vừa qua đã tiếp tục khởi động dự án cung cấp 40.000 suất học bổng về AI cho người Việt, thông qua Chương trình “Kiến tạo tương lai AI Việt Nam”.
Sáng kiến này tập trung vào hai trụ cột chính: Kiến tạo cho Nhân tài và Kiến tạo cho Doanh nghiệp. Mỗi trụ cột giải quyết các lĩnh vực then chốt để hỗ trợ phát triển nguồn nhân lực Việt Nam; nuôi dưỡng hệ sinh thái khởi nghiệp đang phát triển mạnh mẽ và củng cố nền tảng số, để tối đa hóa việc áp dụng AI vào giải các bài toán cụ thể của doanh nghiệp.
Nguồn: nongnghiep.vn