Chiều 24/9, Hội thảo ‘Phát huy giá trị nguồn lợi từ rừng gắn với mục tiêu Net-Zero và phát triển bền vững’ được tổ chức nhằm hướng tới mục tiêu Net-Zero vào năm 2050.
Bảo vệ rừng là nhiệm vụ then chốt để Việt Nam hiện thực hóa mục tiêu đạt Net-Zero vào năm 2050, trong bối cảnh mất rừng, suy thoái rừng tự nhiên và quản lý rừng sản xuất chưa hiệu quả là nguyên nhân dẫn đến tình trạng suy giảm tài nguyên thiên nhiên, đồng thời làm gia tăng phát thải khí nhà kính.
Mục tiêu của Việt Nam là duy trì tỷ lệ che phủ rừng toàn quốc ổn định từ 42% đến 43%, mỗi năm trồng thêm khoảng 238.000ha rừng và tìm cách phục hồi rừng tự nhiên để chống biến đổi khí hậu.
Phát biểu khai mạc hội thảo, TS Chử Văn Lâm, Phó Chủ tịch thường trực Hội Khoa học Kinh tế Việt Nam, Tổng Biên tập Tạp chí Kinh tế Việt Nam nhấn mạnh: “Chúng ta đều nhận thức rất rõ rằng rừng là nguồn tài nguyên quý giá, rừng có giá trị rất lớn và thể hiện qua bốn khía cạnh nổi bật: kinh tế, môi trường, văn hóa và thủy lợi”.
Hiện nay, phát triển rừng đa giá trị là xu hướng được Việt Nam đẩy mạnh. Theo đó, các giá trị trực tiếp từ gỗ, lâm sản ngoài gỗ, thủy điện chỉ chiếm 15% giá trị của hệ sinh thái rừng. Nguồn lợi lớn khác đến từ rừng là các sản phẩm phi lâm sản và dịch vụ. Trong đó, phát triển thị trường carbon rừng là một trong những nhiệm vụ trọng tâm hiện nay. Điều này được thể hiện rõ trong Đề án phát triển giá trị đa dụng của hệ sinh thái rừng đến năm 2030, tầm nhìn 2050 được Chính phủ phê duyệt đầu năm 2024.
“Các giá trị nguồn lợi từ rừng cần được khai thác, phát huy hiệu quả và bền vững hơn nữa nhằm đáp ứng các yêu cầu mới cũng như hướng tới các mục tiêu trung hoà carbon mà Việt Nam đã cam kết. Chúng tôi kì vọng rằng với sự tham gia của các Cục, Vụ chức năng cũng như các Bộ liên quan cùng các chuyên gia và nhà đầu tư, các vấn đề đặt ra tại hội thảo hôm nay sẽ được làm rõ hơn, mang lại thông tin giá trị cho các bên”, TS Chử Văn Lâm bày tỏ.
Tại hội thảo, TS Hà Công Tuấn, nguyên Thứ trưởng thường trực Bộ NN-PTNT, Chủ tịch Hội Khoa học Kinh tế Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn Việt Nam, cho biết: “Dưới sự chỉ đạo của Chính phủ, Bộ NN-PTNT đang tích cực đổi mới để tiếp tục tái cơ cấu ngành nhằm đạt được mục tiêu phát triển rừng nói riêng và phát triển nông nghiệp nói chung theo hướng đa giá trị. Đặc biệt, chúng ta cần sử dụng một cách khôn khéo những giá trị phi lâm sản để ngăn ngừa suy thoái và mất rừng”.
TS Hà Công Tuấn đánh giá rằng, tiềm năng tăng chất lượng rừng của Việt Nam là rất lớn. Nhiệm vụ của Việt Nam hiện nay là tăng chất lượng rừng để tăng bể chứa carbon. Bởi, chất lượng rừng khác nhau sẽ dẫn đến khả năng lưu trữ carbon (hay còn gọi là “bể chứa carbon”) khác nhau. Khả năng hấp thụ và lưu trữ carbon của một khu rừng phụ thuộc vào các yếu tố như độ giàu sinh khối, loại cây trồng, độ tuổi của rừng và tình trạng bảo tồn.
Bên cạnh đó, Việt Nam cần đánh giá các yếu tố tác động đến giá tín chỉ carbon như: loại hình dự án hình thành nên tín chỉ carbon; xác định lượng phát thải tăng theo ngày dựa vào tiêu chí nào và địa điểm thanh toán. TS. Hà Công Tuấn cho biết thêm, ở một số điểm bán tín chỉ carbon tại châu Âu, giá tín chỉ carbon còn bao gồm chi phí bảo tồn loài sống tại khu vực đấy. Điều này tạo ra một mô hình bền vững cho việc giảm phát thải khí nhà kính song hành cùng bảo tồn đa dạng sinh học và bảo vệ môi trường.
Ngoài ra, Việt Nam nên cân nhắc việc thiết lập sàn giao dịch carbon bắt buộc để thực hiện cam kết quốc tế về giảm phát thải khí nhà kính và đạt mục tiêu Net-Zero vào năm 2050. Sàn giao dịch sẽ khuyến khích doanh nghiệp tham gia các hoạt động bảo vệ môi trường, tạo nguồn thu nhập từ tín chỉ carbon và đảm bảo tính minh bạch trong việc đo lường phát thải. Thêm vào đó, việc thiết lập sàn còn tạo cơ hội cho Việt Nam tham gia vào thị trường carbon quốc tế, học hỏi kinh nghiệm từ các nước phát triển, đồng thời nâng cao nhận thức cộng đồng về bảo vệ môi trường.
Nguồn: nongnghiep.vn