Giống mới giúp tăng 10 – 15% năng suất cây trồng
Theo ông Trần Xuân Định (Tổng Thư ký Hiệp hội Thương mại Giống cây trồng Việt Nam – VSTA), hiệu quả của việc đưa các giống mới tối ưu hơn so với giống cũ trong sản xuất nông nghiệp giúp tăng 10 – 15% sản lượng cây trồng.
Do đặc điểm sinh thái, vị trí địa lý khá đa dạng, nền nông nghiệp nước ta cũng đa dạng và có sự khác biệt rõ rệt giữa các vùng miền. Cơ cấu giống cây trồng cũng có sự khác nhau theo vùng miền, đã tạo nên sự phong phú, đa dạng về sản phẩm trồng trọt.
Trong sản xuất giống và cung ứng giống, các giống cây trồng được sản xuất phân phối theo hai hệ thống chính (chính quy và không chính quy).
Hệ thống giống chính quy bao gồm các doanh nghiệp thuộc các thành phần kinh tế, các đơn vị sự nghiệp (viện nghiên cứu, trường đại học, Trung tâm giống của Trung ương, địa phương). Giống của hệ thống này thường được chế biến bằng máy móc, được đặt tên rõ ràng (qua khảo nghiệm, công nhận giống) và được bảo hành chất lượng. Đối với cây giống phải sản xuất theo tiêu chuẩn và ghi rõ nguồn gốc. Ở Việt Nam, cây trồng trong hệ thống giống chính thống được đề cập nhiều nhất là lúa và ngô.
Hệ thống giống nông hộ gồm các hợp tác xã, tổ hợp tác, câu lạc bộ và hàng chục ngàn hộ nông dân tham gia sản xuất giống. Họ sản xuất rồi tự để giống cho mình, trao đổi, mua bán giống với nhau trong cộng đồng dân cư nơi họ sinh sống hàng ngày, hoặc ký kết hợp đồng sản xuất giống cho các đơn vị thuộc hệ thống giống chính quy.
Hình thức này được biết đến nhiều nhất trên cây lúa, ngô nhưng cũng phổ biến ở các cây trồng địa phương mà hệ thống chính quy không tham gia sản xuất như khoai lang, khoai tây, rau, đậu các loại. Đặc biệt hệ thống này đang phổ biến ở nhân, sản xuất cây ăn quả, cây công nghiệp với hình thức các nhà vườn, hộ kinh doanh giống cây (hình thức ghép mắt, ghép cành hoặc thậm chí thực sinh).
Theo ông Định, công tác chọn tạo giống cây trồng, đặc biệt là giống lúa đã đạt được thành tựu. Các cơ quan nghiên cứu, doanh nghiệp đã chọn tạo, nhập nội và phát triển vào sản xuất một cơ cấu giống cây trồng mới đa dạng cho năng suất cao, chất lượng từ khá – tốt phục vụ hiệu quả cho sản xuất, góp phần thực hiện chủ trương chuyển đổi cơ cấu cây trồng, tái cấu trúc ngành trồng trọt, nâng cao năng suất, chất lượng và hiệu quả kinh tế, cải thiện đời sống cho nông dân.
Kết quả đánh giá năng suất một số cây trồng chính ở các địa phương cho thấy năng suất giống cây trồng tăng lên khi áp dụng các giống cây trồng mới: năng suất lúa lai tăng 10 – 15%; năng suất lúa thuần tăng 8 – 10%, năng suất ngô tăng 15 – 22%, năng suất mía tăng 15 – 20%, năng suất cà phê tăng 30 – 35%, năng suất đậu tương, lạc tăng 30 – 35%, năng suất thanh long tăng 28 – 30%. Chất lượng các loại nông sản hàng hoá sản xuất ra đều tốt hơn trước đây, khối lượng sản phẩm có chất lượng cao đều tăng hơn trước.
Xét theo giá trị kinh tế, 1ha đất canh tác sử dụng giống mới cho năng suất cao hơn từ 15 – 16 triệu đồng (đối với lúa); từ 13 – 14 triệu đồng/vụ đối với ngô; lạc từ 4 – 5 triệu đồng/vụ; cà phê tăng 18 – 20 triệu đồng/năm. Năng suất cây trồng tăng giúp thu nhập của các hộ nông dân cũng tăng theo, từ đó nâng cao mức sống cho người dân, giảm tỷ lệ hộ nghèo tại các địa phương.
90% hạt giống rau, hoa nhập khẩu mỗi năm
Hiện nay, cả nước có khoảng 100 đơn vị sản xuất, kinh doanh giống cấp tỉnh, 65 đơn vị ở phía Bắc và 35 đơn vị ở phía Nam. Nhiệm vụ chủ yếu của các đơn vị này là sản xuất, cung ứng các loại giống cây trồng cho yêu cầu của địa phương.
Có 15 công ty đa quốc gia/liên doanh với nước ngoài đang hoạt động. Cũng giống các doanh nghiệp tư nhân trong nước, các doanh nghiệp nước ngoài tại Việt Nam tập trung sản xuất, kinh doanh và phân phối/ủy thác phân phối các sản phẩm giống ưu thế lai tại Việt Nam. Các viện nghiên cứu nông nghiệp đã mạnh dạn thành lập các doanh nghiệp trực thuộc tham gia kinh doanh lĩnh vực giống cây trồng.
Tuy nhiên, theo ông Định, hệ thống sản xuất giống tuy nhiều nhưng năng lực hạn chế, chưa đáp ứng yêu cầu thực của sản xuất hàng hóa, hướng xuất khẩu.
“Khâu yếu nhất của Việt Nam với ngành hàng hạt giống đó là giống rau, hoa. Mỗi năm nước ta vẫn phải nhập trên 90% hạt giống loại này với giá trị vài chục triệu USD, mặc dù chúng ta có những vùng khí hậu núi cao phía Bắc, Đà lạt có thể sản xuất được hạt giống các loại rau cận ôn đới” – ông Định nói.
Nguyên nhân của thực trạng này là do các quy định của pháp luật còn một số bất cập, thủ tục rườm rà, các văn bản hướng dẫn luật chậm ban hành và một số còn mâu thuẫn, thiếu tính khả thi làm hạn chế tính sáng tạo và ứng dụng công nghệ mới chọn tạo và phóng thích giống cây trồng nông nghiệp ra lưu hành.
Sự không đồng đều về hệ thống sản xuất và cung ứng giữa các vùng miền, số lượng doanh nghiệp tham gia ngành giống khá đông nhưng không thực sự mạnh. Khu vực ĐBSCL, vựa sản xuất lúa, trái cây nhưng số công ty sản xuất giống lớn, có tiềm lực là rất ít; giống lúa là chủ lực nhưng vẫn còn trên 25% nông dân sử dụng giống tự mình chọn giữ.
Ngoài ra, quyền tác giả chưa được chú trọng đúng mức, tình trạng xâm phạm bản quyền tác giả về giống, gồm cả các giống nhập nội vẫn xảy ra thường xuyên gây khó khăn cho công tác quản lý cũng như chứng minh xuất xứ với các sản phẩm xuất khẩu.
Diện tích gieo trồng một số nhóm cây trồng giảm do chuyển đổi đất sang mục đích khác, cầu về hạt giống cũng sẽ giảm, trong khi chất lượng yêu cầu tăng và đáp ứng các tiêu chuẩn Việt Nam cũng như tiêu chuẩn cơ sở đã được công bố.
Tổng Thư ký VSTA đề xuất cần sửa Luật Trồng trọt và các nghị định, thông tư hướng dẫn để khả thi hơn, thực tế hơn, tránh tình trạng mâu thuẫn nhau giữa các luật; có các giải pháp giải quyết các vướng mắc về tên giống tự công bố lưu hành với một loạt tên các giống rau, hoa của một số đơn vị đã được bảo hộ tên hoặc nhãn hiệu hàng hóa nhưng bị đơn vị đăng ký trước “chộp” mất.
Ông Định cũng đề nghị sửa quy định TCVN về khảo nghiệm giống ngô, bổ sung các quy định và quản lý bán giống cây trồng, hạt giống cây trồng qua mạng, có chế tài xử lý mạnh để răn đe và tránh gây thiệt hại cho nông dân.
Nguồn: nongnghiep.vn