Chiều 9/1, Bộ trưởng Lê Minh Hoan tiếp và làm việc với Giáo sư Robert Dussey, Bộ trưởng Bộ Ngoại giao, Hội nhập khu vực và kiều dân Cộng hòa Togo. Bộ trưởng bày tỏ vui mừng được chào đón người đứng đầu Bộ Ngoại giao Togo – một trong 100 người có tầm ảnh hưởng lớn nhất châu Phi, đặc biệt trước thềm hai nước kỷ niệm 50 năm thiết lập quan hệ ngoại giao.
Nhân dịp này, hai Bộ trưởng đã ký Ý định thư về tăng cường hợp tác nông nghiệp giữa hai Bộ, tập trung vào 5 lĩnh vực: Tăng cường trao đổi thông tin và hợp tác khoa học kỹ thuật; xây dựng và trình các đề xuất dự án phát triển; huy động nguồn lực; huy động chuyên gia Việt Nam hỗ trợ Togo; thiết lập khuôn khổ hợp tác song phương.
Những năm gần đây, kim ngạch thương mại song phương luôn đạt trên 300 triệu USD mỗi năm, đưa Togo trở thành một trong 10 đối tác thương mại lớn nhất của Việt Nam tại châu Phi. Việt Nam chủ yếu nhập khẩu từ Togo các sản phẩm hạt điều, đậu tương và bông, đồng thời xuất khẩu các mặt hàng như xe máy nguyên chiếc, phụ tùng xe máy và gạo.
Tại buổi làm việc, Bộ trưởng Robert Dussey đã chia sẻ về nền nông nghiệp của Togo, nơi hơn 70% dân số sống tại các khu vực nông thôn. Từ năm 2009, Togo đã triển khai chương trình quốc gia về đầu tư nông nghiệp nhằm đảm bảo an ninh lương thực. Đây cũng là nền tảng để Chính phủ đưa ra các chính sách và thành lập 3 cơ quan chuyên trách nghiên cứu, đầu tư vào nông nghiệp.
“Kể từ khi giành độc lập, Togo vẫn chưa tự chủ được về lương thực. Vì vậy, chúng tôi tập trung cải thiện việc chế biến nông sản tại chỗ và phát triển mạng lưới kinh doanh nông nghiệp”, Bộ trưởng Dussey mong muốn Việt Nam chia sẻ kinh nghiệm trong nông nghiệp, đặc biệt là thành tựu phát triển chuỗi giá trị gạo.
Chia sẻ thêm về thực tiễn ở Togo, PGS.TS Đào Thế Anh – Phó giám đốc Viện Khoa học nông nghiệp (VAAS) đánh giá cao tiềm năng nông nghiệp của quốc gia này. Ông nhận xét, Togo sở hữu tài nguyên thiên nhiên phong phú, cùng với sự quan tâm đầu tư của Chính phủ vào hệ thống thủy lợi phục vụ sản xuất nông nghiệp. Tuy nhiên, mặc dù mục tiêu tự chủ lương thực đến năm 2025 đã được đặt ra, Togo hiện vẫn phải nhập khẩu một lượng lớn gạo.
Ông Đào Thế Anh chỉ ra, hệ thống khuyến nông vẫn còn chưa đầy đủ, khiến cho việc chuyển giao các sáng kiến nông nghiệp đến các địa phương chưa đạt hiệu quả cao. Nếu cải thiện được khía cạnh này, kế hoạch phát triển nông nghiệp của Togo sẽ trở nên toàn diện hơn. VAAS sẵn sàng hợp tác với Viện Nghiên cứu Nông học Togo (ITRA) trong những lĩnh vực này.
Đối với chế biến gạo, các thiết bị tại Togo vẫn còn thô sơ, dẫn đến tỷ lệ gạo gãy cao và hình thức sản phẩm không đồng đều, khó cạnh tranh trên thị trường quốc tế. Những công nghệ chế biến lúa gạo ở Việt Nam có thể giúp Togo cải thiện chất lượng sản phẩm và nâng cao giá trị gia tăng.
Bộ trưởng Lê Minh Hoan cho hay, nhằm thực hiện Thỏa thuận hợp tác giữa Bộ NN-PTNT và Tổ chức Quốc tế Pháp ngữ (OIF) về việc tăng cường hợp tác Nam – Nam và hợp tác ba bên trong lĩnh vực nông nghiệp, OIF đã đề nghị Việt Nam hỗ trợ Bộ Nông nghiệp Cộng hòa Togo trong khuôn khổ chương trình Hỗ trợ kỹ thuật cải tiến ngành trồng lúa tại Togo.
Theo đó, lãnh đạo cấp cao của Việt Nam đã giao Bộ NN-PTNT xây dựng Đề án Hợp tác Nam – Nam với các quốc gia châu Phi, trong đó Togo là một trong những quốc gia ưu tiên. Tháng 12/2023, Việt Nam đã cử đoàn chuyên gia sang Togo tiến hành khảo sát và xây dựng báo cáo khuyến nghị nhằm thúc đẩy sự phát triển của ngành lúa gạo tại đây.
“Tôi mong rằng, trong thời gian tới, nhiều công nghệ tiên tiến của Việt Nam trong lĩnh vực nông nghiệp sẽ được giới thiệu và áp dụng tại Togo”, Bộ trưởng Lê Minh Hoan khẳng định và cam kết sẽ tạo điều kiện thuận lợi nhất để triển khai các công việc trong Ý định thư.
Hợp tác Nam – Nam là hợp tác kỹ thuật giữa các nước đang phát triển ở Nam bán cầu, chia sẻ nguồn lực và tri thức. Việt Nam đã cử hơn 400 chuyên gia nông nghiệp sang châu Phi hỗ trợ trồng lúa, ngô và thủy sản.
Nguồn: nongnghiep.vn