Liên quan vụ lùm xùm điểm thi vào lớp 10 THPT năm 2024 – 2025, ngày 20/8, tỉnh Thái Bình đã tổ chức họp báo giải trình các nội dung liên quan tới sự việc. Phó Chủ tịch UBND tỉnh Phạm Văn Nghiêm; Phó Giám đốc Sở Giáo dục và Đào tạo Thái Bình Đặng Xuân Phong chủ trì cuộc họp.
Ngoài ra, có sự tham dự của Hiệu trưởng 29 trường THPT công lập, 10 trường THPT tư thục, 8 Trung tâm Giáo dục thường xuyên, giáo dục nghề nghiệp huyện/thành phố, 8 phòng giáo dục và đào tạo huyện/thành phố.
Kết quả thanh tra xác nhận, có 243 thí sinh sau thanh tra từ trúng tuyển chuyển thành không trúng tuyển, PGĐ Sở Giáo dục và Đào tạo Thái Bình Đặng Xuân Phong cho biết, quan điểm của UBND tỉnh Thái Bình là “Học thật, thi thật, kết quả thật”.
Theo ông Phong, việc học sinh “đang từ vui thành buồn”, gia đình các em đang có kỳ vọng, học sinh đang có hy vọng là điều trăn trở của ngành giáo dục Thái Bình trong suốt thời gian qua. Sở Giáo dục và đào tạo Thái Bình đang tìm cách nghiên cứu, tham mưu phương án về các trường hợp này.
Những sai sót xảy ra đã được nêu rõ, yêu cầu các cán bộ quản lý, các đơn vị liên quan phải xây dựng phương án, phải có kế hoạch để hỗ trợ, tư vấn để hướng dẫn cho các em học sinh khi các em không trúng tuyển đợt 2 mà có nguyện vọng vào cơ sở giáo dục của mình thì phải hướng dẫn, tư vấn để các em có lựa chọn.
Với các phòng giáo dục huyện/thành phố, rà soát trên địa bàn những cơ sở giáo dục nào có học sinh thuộc diện rơi vào tình trạng từ đỗ thành trượt, phân công cho nhà trường, phân công cho giáo viên chủ nhiệm đến gặp gỡ, trao đổi, động viên, hướng dẫn để các em ổn định tư tưởng; tư vấn cho các em có sự lựa chọn phù hợp với năng lực, sở trường của mỗi em để các em có nơi học tập tốt nhất.
Sở Giáo dục và đào tạo Thái Bình sẽ phối hợp với các ban, ngành, đoàn thể có liên quan, chính quyền các cấp để có các biện pháp tiếp theo nhằm giảm thiểu tác động tiêu cực từ những sự việc này đến với các em học sinh, gia đình, phụ huynh các em học sinh.
Về 243 thí sinh sau thanh tra được xác định từ đỗ chuyển sang trượt, ông Phong cho biết, con số này chỉ là con số xác định khi kết thúc xét tuyển đợt 1 (xét tuyển đợt 1 chỉ tiêu là 90%), còn đợt xét tuyển lần thứ 2 (10% còn lại).
“Con số này (243 thí sinh) sẽ tiếp tục giảm xuống khi hoàn thành xét tuyển nguyện vọng đợt 2”, ông Phong nói.
Theo Thanh tra tỉnh Thái Bình, nguyên nhân của sự việc là do quá trình thực hiện hồi phách bài thi tự luận, số lượng bài thi được kiểm tra khớp phách bằng tay chỉ đạt tỷ lệ 0,71%, không đảm bảo ít nhất 20% số bài thi tự luận theo quy định.
Khi phát hiện sai sót, Ban Thư ký không lập biên bản mà chỉ ghi lại thông tin những thí sinh có sai sót và chuyển cho Trưởng ban Chỉ đạo kỳ thi và việc Trưởng ban Chỉ đạo kỳ thi không xác định rõ nguyên nhân và có biện pháp khắc phục sai sót qua kiểm tra việc khớp phách của Ban Thư ký là không đúng quy định.
Đoàn thanh tra đã tiến hành tổ chức khớp phách bằng tay 100% bài thi tự luận (không thực hiện việc chấm lại các bài thi).
Qua đó, xác định có 2.997 bài thi lệch phách, làm sai điểm của 2.750 bài thi. Có 49 bài thi sai sót trong quá trình ghi điểm và nhập điểm, trong đó có 19 bài thi bị sai điểm so với bảng điểm đã công bố.
Tổng số bài thi tự luận bị sai điểm là 2.769 bài; trong đó 1.368 bài thi có điểm cao hơn điểm đã công bố, 1.401 bài thi có điểm thi thấp hơn điểm đã công bố.
Tổng số thí sinh bị sai tổng điểm xét tuyển là 1.589 thí sinh, trong đó 781 thí sinh có tổng điểm xét tuyển cao hơn tổng điểm xét tuyển đã công bố, 808 thí sinh có tổng điểm xét tuyển thấp hơn tổng điểm xét tuyển đã công bố.
Xử lý các trường hợp trượt thành đỗ, đỗ thành trượt, xử lý ra sao?
Theo kết luận thanh tra của tỉnh Thái Bình, hầu hết các hội đồng thi đều có thí sinh bị lệch tổng điểm, trong đó nhiều nhất là Trường THPT chuyên Thái Bình (223 thí sinh), Trường THPT Quách Đình Bảo (157 thí sinh), Trường THPT Đông Tiền Hải (141 thí sinh)… Chỉ có 2 trường không bị vấn đề sai lệch điểm số là Trường THPT Đông Hưng Hà, Trường THPT Phụ Dực.
Sau khi hồi phách lại lần hai, điều chỉnh điểm số đã kéo theo thay đổi kết quả của một số thí sinh và điểm chuẩn các trường THPT trên địa bàn tỉnh Thái Bình.
Sở GD-ĐT đã họp với 29 trường THPT công lập và các cơ sở giáo dục tư thục để thông tin về những sai sót, yêu cầu các trường xây dựng phương án hỗ trợ học sinh. Với các phòng giáo dục, Sở yêu cầu rà soát những trường hợp từ đỗ thành trượt, yêu cầu giáo viên chủ nhiệm đến vận động, động viên các em.
Sau khi thanh tra, kiểm tra lại, về cơ bản số lượng học sinh không đỗ vào trường công lập vẫn có thể học tập trên địa bàn, bởi tỉnh có tới 8 trung tâm giáo dục thường xuyên, 10 trường tư thục và các trường cao đẳng, cơ bản đáp ứng nhu cầu học tập của học sinh.
Nguồn: nongnghiep.vn