Thua lỗ nặng
Khoảng hơn 3 tháng trước, gia đình ông Nguyễn Vạn (xã Phú Cần, huyện Krông Pa) vượt hàng trăm km đến xã Ia Lâu (huyện Chư Prông) thuê đất trồng dưa hấu với diện tích 1,2ha. Dù đặt rất nhiều kỳ vọng nhưng đến khi thu hoạch, gia đình ông Vạn lao đao khi năng suất dưa hấu không đạt như mong muốn.
Theo ông Vạn, thời gian qua, trên địa bàn xã Ia Lâu thường xuyên xuất hiện mưa nên làm ảnh hưởng nhiều đến chất lượng dưa hấu, quả không được ngọt. Quan trọng hơn, đúng vào thời điểm thu hoạch, giá dưa hấu xuống quá thấp nên gia đình thua lỗ nặng.
“Thương lái vừa đến thu mua dưa hấu của gia đình với mức 1.000.000 đồng/sào (500m2) – thấp kỷ lục trong nhiều năm qua. Với 1,2ha dưa hấu, gia đình thua lỗ khoảng 120 triệu đồng”, ông Vạn buồn bã.
Hơn 19 năm thuê đất trồng dưa hấu ở huyện Chư Prông, gia đình ông Lê Văn Tú (huyện Tây Sơn, tỉnh Bình Định) cho biết, gia đình bắt đầu trồng dưa hấu từ tháng 9 hàng năm. Chi phí thuê đất trồng 20 triệu đồng/ha, chưa kể các khoản đầu tư như cây giống, phân bón và công sức.
Theo ông Tú, thường mọi năm với 3ha dưa hấu, gia đình thu hoạch được khoảng 60 – 75 tấn quả mỗi vụ. Tuy nhiên năm nay thời tiết bất lợi khiến năng suất giảm, chỉ đạt gần 45 tấn. Cùng với đó, chất lượng dưa hấu năm nay cũng không đảm bảo. Thay vì xuất khẩu, dưa hấu của gia đình được đưa đi bán tại các chợ trong nước với giá trung bình chỉ 1.000 đồng/kg.
“Chưa năm nào người trồng dưa hấu điêu đứng như mùa vụ năm nay. Thời tiết bất lợi, mưa nhiều, kết hợp sương muối khiến cây dưa bị thối gốc, nứt quả, năng suất không đạt như kỳ vọng. Mọi năm gia đình thu từ 10 – 12 triệu đồng/sào dưa hấu nhưng năm nay chỉ được 1 – 1,5 triệu đồng/sào. Làm cả vụ mà giờ lỗ tới gần 400 triệu đồng”, ông Tú chán nản.
Tương tự, ông Võ Chí Thành (huyện Tây Sơn, tỉnh Bình Định) lần đầu lên huyện Chư Prông thuê 5ha đất để trồng dưa hấu. Cũng như phần lớn các hộ dân, gia đình ông đang khốn đốn khi thời tiết bất lợi cùng giá dưa xuống quá thấp.
“Vụ này gia đình tôi chỉ thu được 140 triệu đồng, lỗ hơn nửa tỷ đồng. Mùa vụ sau tôi sẽ về Phú Yên để trồng dưa chứ không tiếp tục đánh bạc ở đây nữa”, ông Thành chia sẻ.
Bấp bênh nghề trồng dưa hấu
Huyện Chư Prông có khí hậu, thổ nhưỡng phù hợp nên người dân từ nhiều nơi lên thuê đất để trồng dưa hấu. Dưa hấu được trồng tập trung chủ yếu tại các xã Ia Lâu, Ia Piơr, Ia Ga, Ia Mơr và Ia Púch… với diện tích lên đến vài trăm ha.
Năm ngoái giá dưa trung bình khoảng 8.000 đồng/kg nên nhiều hộ dân rất phấn khởi. Tuy nhiên năm nay giá dưa hấu rớt thê thảm, chỉ còn khoảng 700 – 800 đồng/kg khiến nhiều hộ dân lỗ nặng.
Ông Lưu Hoài Hưng, Giám đốc Trung tâm Dịch vụ nông nghiệp huyện Chư Prông cho biết, vụ thu hoạch đợt 1 vừa rồi giá dưa hấu xuống quá thấp, người dân gần như bỏ ruộng, không thu hoạch.
Cùng với đó, thời tiết bất lợi trong thời gian qua cũng phần nào ảnh hưởng đến chất lượng dưa hấu. Nhất là trong giai đoạn đậu quả, những cơn mưa kéo dài khiến những quả dưa hấu không đủ độ ngọt, dẫn đến dễ bị thối, không bán được.
Ông Đoàn Ngọc Có, Phó Giám đốc Sở NN-PTNT tỉnh Gia Lai cho biết, nghề trồng dưa hấu ở Gia Lai rất bấp bênh, phụ thuộc chủ yếu vào thị trường Trung Quốc. Khi Trung Quốc không nhập khẩu, dưa hấu chỉ được bán trong nước dẫn đến giá xuống thấp là điều không tránh khỏi.
Trước mùa vụ, Sở NN-PTNT Gia Lai cũng đã có khuyến cáo người dân cần phát triển ổn định diện tích dưa hấu và chỉ trồng tập trung ở khu vực phía đông các huyện Krông Pa, Ayun Pa, Ia Pa… Còn các huyện phía Tây như Chư Prông làm không đúng theo khuyến cáo của ngành nông nghiệp nên xảy ra tình trạng thua lỗ như thời gian qua.
“Những năm trước, người dân thấy trồng dưa hấu cho lợi nhuận cao nên năm nay ồ ạt mở rộng diện tích, dẫn đến giá xuống thấp. Ngành nông nghiệp đã sớm khuyến cáo người dân ngay đầu vụ sản xuất, chỉ phát triển những cây trồng ở vùng đảm bảo về thời tiết, khí hậu và thị trường tiêu thụ đầu ra của sản phẩm”, ông Có nói và cho biết, chính vì người dân bỏ qua các khuyến cáo, tự ý chuyển đổi cây trồng nên mới xẩy ra thất bại đáng tiếc.
Nguồn: nongnghiep.vn