Ngày 19/12, tại Sở NN-PTNT Sơn La, buổi sơ kết giai đoạn 2 của dự án “Giảm nhẹ và thích ứng với biến đổi khí hậu trong lĩnh vực nông lâm nghiệp vùng núi Tây Bắc” đã diễn ra với sự phối hợp và vận hành của Trung tâm Phát triển nông thôn bền vững (SRD), ghi nhận những kết quả đầy khích lệ.
Giai đoạn 2 được triển khai từ tháng 8/2024 đến tháng 12/2026, nhằm ứng phó với biến đổi khí hậu, giảm nghèo và thúc đẩy phát triển bền vững tại 5 xã: Muổi Nọi, Bon Phặng, Nậm Lầu, Chiềng Pha và Phổng Lập thuộc huyện Thuận Châu, tỉnh Sơn La.
Trong đó, cụ thể hóa bởi 3 mục tiêu chính: chống chịu với biến đổi khí hậu nông – lâm nghiệp, tích lũy và lưu trữ cacbon và lồng ghép vào các chương trình phát triển kinh tế – xã hội.
“Về cơ bản dự án đã đạt 80% so với kế hoạch”, anh Bùi Quốc Huân, cán bộ vận hành dự án mở đầu cuộc báo cáo. Sau 5 tháng triển khai, các thành viên tham gia dự án đã được tham quan các mô hình tiêu biểu tại huyện Mai Sơn và Yên Châu, với 156 người tham dự.
Người dân và đại diện các bên đã được trải nghiệm về việc tuần hoàn trong chăn nuôi bò (ủ cỏ làm thức ăn, đệm lót sinh học sử dụng men vi sinh, sử dụng phân bò để bón lại cây trồng); sử dụng bã vỏ cà phê để nuôi giun quế và làm phân bón từ phân giun; chăn nuôi gà sử dụng đệm lót sinh học;…
Ông Lường Văn Sâm, người dân xã Nậm Lầu, huyện Thuận Châu, chia sẻ: “Các lớp tập huấn đã giúp thay đổi tập quán canh tác và chăn nuôi, tiết kiệm chi phí, nhưng khó khăn vẫn còn nhiều do địa bàn hạn chế, đặc biệt với một số hộ đơn thân và khuyết tật, không thể tham gia đóng góp nhiều”.
Việc đánh giá kết quả theo chỉ tiêu cao từ phía nhà tài trợ đã gây áp lực đối với người dân và ban tổ chức dự án. Nhằm khắc phục những khó khăn, SRD tăng cường tổ chức các lớp tập huấn để hỗ trợ giải đáp các khó khăn thực tiễn trong từng trường hợp cụ thể. Đồng thời, tập trung vào các mô hình tuần hoàn trong chuỗi trồng trọt và chăn nuôi để tối ưu hóa nguồn lực; khai thác hiệu quả các phụ phẩm nông nghiệp để tái sử dụng, giảm thiểu lãng phí.
Dự án cũng hướng dẫn bà con sử dụng các phương pháp xử lý phế phụ phẩm bằng men vi sinh sẵn có hoặc tự tạo men gốc, giảm thiểu ô nhiễm môi trường, đồng thời cải thiện chất lượng đất và nước trong canh tác.
Bảo vệ đa dạng sinh học trong hệ sinh thái, thực hành nhận diện các loài động, thực vật xâm hại và đưa ra biện pháp kiểm soát hiệu quả, nâng cao nhận thức về vai trò của đa dạng sinh học trong rừng và các hệ sinh thái tự nhiên. Người tham gia nâng cao kiến thức, áp dụng thực tiễn vào sản xuất, đồng thời góp phần bảo vệ môi trường và phát triển bền vững.
Bên cạnh đó, chương trình cũng khuyên khích thành lập các tổ hợp tác sản xuất, xây dựng các quy chế theo kinh tế – nông nghiệp tuần hoàn, đặt ra các mục đích, nguyên tắc của tổ, quy định bầu ban quản lý, quyền hạn và trách nhiệm của từng thành viên;…
Bà Lê Hồng Liên, cán bộ quản lý dự án nhấn mạnh: “Để dự án đạt được hiệu quả, cần thành lập thêm các tổ giám sát cấp tỉnh, sự hỗ trợ và tham gia từ các chi cục, nhờ đó, sát sao với người dân và tháo gỡ những vướng mắc nhanh và hiệu quả”.
Qua khảo sát, nhiều hộ vẫn còn chưa chấp hành theo đúng yêu cầu của dự án, vẫn theo tập quán cũ, hay chưa có sự đồng bộ giữa các hộ gia đình. Cụ thể, nhiều hộ phơi phân nhưng chưa ủ hoai mục, một số hộ vẫn còn thải trực tiếp phân lợn xuống đường thoát nước và suối trong bản gây ô nhiễm môi trường, số ít vẫn nuôi bò dưới gầm nhà và bỏ phí rơm rạ,…
Năm 2025, SRD tiếp tục phối hợp với các xã tổ chức thêm nhiều lớp tập huấn cho các hộ tập trung vào kinh tế tuần hoàn, trồng rừng và phục hồi rừng, duy trì đa dạng sinh học, với số lượng: 30 người/lớp, 2 ngày/lớp, mở rộng ra các hộ mới tại các bản thuộc 5 xã; hỗ trợ các trang thiết bị chuyên dụng trong từng nhóm đối tượng phục vụ cho việc phát triển dự án,…
Theo bà Cầm Thị Phong, Phó Giám đốc Sở NN-PTNT tỉnh Sơn La, dự án không chỉ giúp giảm thiểu ô nhiễm môi trường mà còn góp phần nâng cao nhận thức cộng đồng. Với một tỉnh gắn liền với nông nghiệp như Sơn La, môi trường là yếu tố then chốt; khi môi trường được bảo đảm, các hoạt động trồng trọt và chăn nuôi mới có thể phát triển bền vững.
Bà cũng nhấn mạnh vai trò quan trọng của lãnh đạo các cấp huyện, xã, bản trong việc đề ra các giải pháp phù hợp với từng hộ gia đình để triển khai dự án hiệu quả, đáp ứng điều kiện thực tế. Chỉ khi thực hiện sát sao, dự án mới có thể phát huy tối đa hiệu quả, hướng tới những mục tiêu dài hạn như hỗ trợ lẫn nhau trong sản xuất, thành lập các tổ hợp tác và từng bước phát triển lên mô hình hợp tác xã.
Dự án Giảm nhẹ và thích ứng với biến đổi khí hậu trong lĩnh vực nông, lâm nghiệp tại vùng núi Tây Bắc có tổng kinh phí 730.000 EURO; trong đó, Tổ chức Bánh mỳ cho Thế giới (BftW) tài trợ 650.000 EURO và UBND huyện Thuận Châu đối ứng 80.000 EURO.
Giai đoạn 1, dự án được giao cho Trung tâm SRD chủ trì thực hiện tại 4 xã: Muổi Nọi, Bon Phặng, Nậm Lầu, Chiềng Pha của huyện Thuận Châu từ năm 2021 đến năm 2023 với gần 26.000 người được hưởng lợi trực tiếp và gián tiếp, từ mô hình nông nghiệp và lâm nghiệp kết hợp thích ứng với biến đổi khí hậu.
Nguồn: nongnghiep.vn