Về phường Quảng Long (thị xã Ba Đồn, Quảng Bình) hỏi anh Võ Minh Sáng ai cũng biết vì danh tiếng “Sáng dưa lưới” đã gắn với vùng đất này.
Anh Sáng cũng tâm sự, đã qua nhiều lần thử nghiệm khởi nghiệp với nhiều nghề khác nhau nhưng chưa thành công. Vùng đất quê anh chỉ có nắng gió, cát trắng khô cằn nên bà con chỉ trồng mía và chẳng thu nhập được là bao.
Một lần biết được những vùng nắng gió, khí hậu khắc nghiệt như ở Ninh Thuận bà con vẫn làm hiệu quả mô hình trồng dưa lưới trong nhà màng nên anh Sáng đã nảy ra tính toán mới.
“Khi đó, tôi làm liều nhảy xe vào tận Ninh Thuận để xin phụ việc, học nghề trồng dưa lưới trong nhà màng. Sau thời gian phụ việc, tôi xin về quê để thực hiện ước mơ xanh của mình” – anh Sáng bộc bạch.
Về quê, anh Sáng làm thử mô hình ngay trên vùng đất mà gia đình trồng mía. Anh xây dựng mô hình nhỏ ban đầu để rút kinh nghiệm. Theo anh, mỗi vùng đất, khí hậu khác nhau thì cách canh tác dưa lưới cũng khác nhau. Để dưa có năng suất cao, anh đã canh thời gian thụ phấn hoa, sử dụng hệ thống phun nước và quạt gió để điều hòa nhiệt độ trong nhà màng những ngày nắng nóng.
“Vụ đầu tiên cũng gặp nhiều khó khăn, nhưng lại thành công vì dưa đạt năng suất cao, ít sâu bệnh và được giá tốt. Đó cũng là động lực cho tôi triển khai mô hình lớn hơn” – anh Sáng cho hay.
Khi đã có được quyết tâm và kinh nghiệm, anh Sáng vay mượn và dốc hết vốn liếng được hơn 1 tỷ đồng để đầu tư làm nhà màng với diện tích hơn 1.200m2. “Tôi thiết kế khung, mái che có sức chịu được gió cấp 10. Phần mái dễ dàng được cơ động đưa lên xuống để tránh được gió bão” – anh Sáng nói.
Trong nhà màng, anh Sáng xây dựng hệ thống tưới nhỏ gọt Israel, dinh dưỡng cũng được lựa chọn là phân bón hữu cơ sinh học để bơm cho từng gốc cây theo công nghệ tiên tiến, chăm sóc cẩn thận, không sử dụng thuốc bảo vệ thực vật. “Tôi chỉ sử dụng các loại thuốc sinh học để phòng trừ sâu bệnh, nấm hại dưa chứ không sử dụng thuốc bảo vệ thực vật. Mặt khác, việc quản lý vào ra nhà màng cũng được chú trọng để hạn chế thấp nhất các loại bướm, sâu xâm nhập”, anh Sáng cho biết.
Mỗi vụ dưa có thời gian từ 70 – 80 ngày nên mỗi năm khu nhà màng cho 3 lứa dưa. Qua gần 2 năm, đã có 5 lứa dưa được thu hoạch. Theo tính toán của anh Sáng, mỗi vụ dưa cho thu nhập khoảng 300 triệu đồng. “Vốn đầu tư cũng đã hoàn. Hiện gia đình cũng tính toán đến mở rộng quy mô của trang trại để tăng thêm thu nhập” – anh Sáng cho hay.
Không dừng lại ở mô hình dưa lưới, gia đình anh Sáng cũng đã trồng thêm măng tây, dưa chuột baby…
Cũng theo anh Sáng, dưa lưới trồng ở vùng nắng gió sẽ có chất lượng ngon hơn. Vì vậy, không chỉ tiêu thụ trong tỉnh, sản phẩm dưa lưới của gia đình được thương lái nhiều tỉnh bạn đến đặt mua.
Sản xuất sạch, ứng dụng công nghệ cao đã trở thành chiến lược phát triển nông nghiệp tại thị xã Ba Đồn. Những mô hình sản xuất nông nghiệp công nghệ cao, theo hướng hữu cơ trên vùng cát khô cằn đã mở ra hướng đi mới cho địa phương này.
Theo ông Nguyễn Văn Ninh, Phó Chủ tịch UBND thị xã Ba Đồn, Thị xã cũng đã có định hướng kêu gọi người dân, tổ chức, doanh nghiệp đầu tư, khuyến khích, có chính sách hỗ trợ, tạo điều kiện tốt nhất về cơ chế để thúc đẩy sản xuất nông nghiệp công nghệ cao, theo hướng hữu cơ, bền vững.
“Trong đó, chúng tôi đánh giá cao triển vọng phát triển của các mô hình trồng dưa lưới trong nhà màng, trồng rau trong nhà lưới trên những vùng đất cá bạc màu, đất khô cằn để cải tạo, bồi bổ đất và nâng cao thu nhập trên đơn vị diện tích ở những vùng không có điều kiện thổ nhưỡng tốt” – ông Nguyễn Văn Ninh nói thêm.
Nguồn: nongnghiep.vn