Các xã vùng cát ven Quôc lộ 1A (huyện Lệ Thủy, Quảng Bình) được xem là vựa rau của tỉnh. Ngoài cung ứng rau xanh hàng ngày, các địa phương như Hồng Thủy, Thanh Thủy, Cam Thủy, Hưng Thủy… cũng là nơi cung cấp rau củ dịp Tết Nguyên Đán sắp đến.
Do ảnh hưởng bão số 6 gây ngập lụt nên vùng cát gặp khó khăn trong việc làm đất, xuống giống rau. Những ngày đầu tháng 11, thời tiết có nắng nhẹ, thuận lợi cho khâu làm đất nên bà con đã hối hả tranh thủ vào vụ.
Trên vùng đất cát sát đường, anh Nguyễn Văn Tài (thôn An Đinh, xã Hồng Thủy) đang lên luống, bón lót phân và xuống giống hành. Anh cho hay, do xuống giống muộn nên sẽ không kịp bán hành củ vào dịp Tết. Vì vậy thay vì bán hành củ cho việc làm kiệu, gia đình sẽ bán hành lá. Sau Tết thu hoạch củ sẽ bán giống cho vụ sau.
Ở thửa đất sát bên, chị Nguyễn Thị Hồng đang trồng ớt xanh xen với su hào. Chị bón lót phân chuồng ủ hoai nên sẽ giúp các loại rau nhanh phát triển. “Nhà có gần 2 sào đất trồng rau màu. Mấy năm nay tôi luôn thay đổi cây trồng, nếu vụ này là ớt xanh, su hào thì sang năm sẽ chuyển sang trồng đậu cô ve, dưa chuột hoặc hành.
Vụ này, trên luống trồng sẽ ưu tiên chăm bón cây su hào để kịp thu hoạch vào dịp Tết. Sau đó thì thúc cây ớt để bán lứa quả ớt xanh. Còn lại sau Tết sẽ thu hoạch ớt chín đỏ để làm ớt bột. Tính ra diện tích trồng rau quả này cũng có thu nhập 20 – 30 triệu đồng từ các loại sản phẩm”, chị Hồng chia sẻ.
Dọc Quốc lộ 1A qua các khu dân cư ở xã Hồng Thủy, bà con đang hối hả làm đất, bón phân và xuống giống rau. Trên đám ruộng trước nhà, vợ chồng anh Hoàng Quốc Toản đang tất bật xuống giống.
Anh Toản lên luống thẳng hàng và rải phân chuồng ủ hoai bón lót. “Mấy hôm trước mưa nhiều nên đất cát không thể lên luống để sản xuất được. Mấy hôm nay nắng đều nên phải tranh thủ làm cả ngày lẫn đêm mới kịp thời vụ”, anh Toản bộc bạch.
Chị Thủy (vợ anh Toản) vào nhà bê chậu nhựa đựng mấy chục cây mướp đắng được trồng trong bịch nilon đã lên hơn gang tay người lớn ra để trồng. “Bà con ở đây đều ươm hạt từ tháng trước để kịp thời vụ. Mướp đắng trồng khoảng tầm 40 ngày là cho thu hoạch. Vì vậy, giống lên như tầm này là kịp vụ rau Tết” – chị Thủy cho hay.
Anh Toản vừa phụ vợ trồng cây, vừa lý giải thêm, cách đây hơn 20 ngày bà con đã ươm giống mướp đắng vào bịch để ở sân nhà. Khi lũ rút và đất ruộng khô se mặt là làm đất và đưa cây ra trồng. Đến giáp Tết là cây được hơn 40 ngày – đúng vào dịp thu hoạch chính vụ.
“Vụ Tết năm ngoái gia đình tôi có thu nhập vài chục triệu đồng từ rau quả, có tiền chi tiêu dịp Tết và dành dụm chút ít. Năm nay có lũ lớn nhưng bà con cũng hi vọng có vụ rau xanh tươi tốt và giá bán cao” – anh Toản hi vọng.
Theo Phòng NN-PTNT huyện Lệ Thủy, vụ rau xuân sớm phục vụ nhu cầu Tết trên vùng cát ven Quốc lộ 1A có diện tích khoảng 200ha. Trong đó bà con gieo trồng chủ yếu các cây rau màu như hành, ớt xanh, đậu cô ve, mướp đắng…
Ông Lê Văn Tân, Trưởng phòng NN-PTNT Lệ Thủy cho hay, để phát huy hiệu quả cây trồng trên vùng cát, đơn vị đã hỗ trợ bà con quy trình sản xuất theo hướng hữu cơ, làm vườn mẫu rau an toàn.
“Các địa phương đã chủ động thành lập 1 hợp tác xã và 6 tổ hợp tác chuyên canh trồng rau an toàn. Qua đó tăng thu nhập mỗi ha trồng rau lên 150 – 200 triệu đồng mỗi năm” – ông Tân chia sẻ thêm.
Nguồn: nongnghiep.vn