Bà ngoại tuổi 32
Sau những trận mưa, nước ở các khe suối rút xuống, cát lẫn với rác rưởi, đất đá nhô lên, phụ nữ dân tộc Bru Vân Kiều tại xã Ba Nang, huyện Đakrông, tỉnh Quảng Trị lại kéo nhau đi đãi vàng sa khoáng. Hôm nào may mắn, chị L. (thôn Pa Nang), cũng kiếm được ít hạt nhỏ li ti vàng cám, bán được vài ba trăm nghìn đồng. Nhiều hôm, chị lếch thếch trở về tay không, buồn rười rượi, ánh mắt sâu thẳm, ngồi tựa cửa nhìn xa xăm về phía rừng già, nghĩ về nồi cơm của cả gia đình.
Mùa mưa, không ai thuê chị và các con đi khai thác keo; lúa rẫy phải đến tháng 11 mới chín; lúa nước không có. Gia đình chị, có cả lũ cháu nội cũng không thể ăn sắn cầm hơi. Kiếm được ít nhưng chừng đó, tằn tiện cũng đủ để mua gạo nuôi 7 miệng ăn trong nhà.
Dù mới 47 tuổi nhưng cháu ngoại của chị L. đã học lớp 9, cháu nội cũng bước vào lớp 5. Nghĩa là năm 32 tuổi, chị L. đã có cháu ngoại. Và đến nay, chị đã có 3 cháu nội, 4 cháu ngoại. Buồn vì gia cảnh khó khăn và các con lấy vợ, gả chồng khi đang tuổi ăn, tuổi học nhưng chị L. cũng không biết làm gì hơn. Ngăn chúng về ở với nhau ư? Cả thôn này chưa ai làm được!
Chị không còn nhớ hết năm sinh của cả 8 đứa con do mình đẻ ra. Bản thân chị cũng vậy, chị không biết mình lấy chồng năm bao nhiêu tuổi. Chỉ nhớ, về nhà chồng được vài ba tháng thì chị sinh đứa con đầu lòng. Sau đó ít năm, khi đủ tuổi, vợ chồng chị mới đến ủy ban xã làm đăng ký kết hôn.
Chồng và 2 đứa mất sớm, việc học của những đứa còn lại cũng đứt gánh giữa đường. Biết là lấy vợ, lấy chồng sớm, sinh nhiều con là khổ cực nhưng điều ấy vẫn cứ tái diễn như một quy luật truyền kiếp khiến người đàn bà khắc khổ ấy già nua trước tuổi.
Trời như trêu ngươi số phận, ngay sau ngày nghỉ hè vừa rồi, con trai út của chị L. là Văn N., sinh năm 2007 đã dẫn T. về nhà ra mắt rồi ở lại luôn chờ ngày sinh nở. T. cùng tuổi với N. và có bầu khi vừa học hết lớp 10. Chúng không tổ chức đám cưới vì gia đình 2 bên đều nghèo. Chúng cũng không lên xã đăng ký kết hôn vì chưa đủ tuổi. Chúng về ở chung một nhà và được mọi người gọi là vợ chồng.
Không mất tiền thách cưới, chị L. có đứa con dâu đã mang bầu 4 tháng. Nhưng sao ánh mắt chị vẫn đượm buồn. Buồn hơn cả khi đi đãi vàng cả tuần mà không được lấy một hạt vàng cám nào. Buồn hơn những lúc trời mưa, ngồi trên nhà sàn nhìn xa xăm về phía những cánh rừng cầu mong trời tạnh ráo để đi kiếm tiền. Buồn vì những đứa con đã sớm phải bỏ lại sau lưng tuổi thơ để lao vào lo cơm áo, gạo tiền.
Còn cháu T., dù đã gần đến cữ sinh nở nhưng dáng người nhỏ thó, nước da xanh xao hơn cả màu nước suối mùa thu; ánh mắt đen láy, sâu hoắm, vô hồn. Rồi những đứa con, đứa cháu sinh ra sẽ viết tiếp ước mơ dang dở của mẹ nó hay lại đi theo vết xe cũ?
“Cháu muốn làm cô giáo nhưng gia đình không có điều kiện. Cháu cũng chưa muốn lấy chồng…”, T. bỏ ngỏ câu nói, mặt đỏ lên e thẹn rồi quay ra, ôm đứa cháu nội của bà L. vào lòng, giấu cái bụng bầu đã vượt mặt.
Bố mẹ gánh còng lưng
Sau những đêm dài đằng đẵng thức trắng trông đứa cháu ngoại quấy khóc vì ốm, gương mặt vợ chồng chị P., sinh năm 1984 và anh X., sinh năm 1989, dân tộc Pa Kô tại thôn A Đeng, xã A Ngo (huyện Đakrông) đờ đẫn. Đêm đêm, đứa trẻ khóc thét nhưng mẹ của nó là cháu Th. vẫn lăn ra ngủ ngon lành.
Cháu Th. sinh tháng 11/2007 và đến tháng 12/2023 thì có bầu. Nghĩa là lúc đó, cháu Th. chỉ vừa bước qua tuổi 16. Chưa kịp tận hưởng những ngày tháng thanh xuân, Th. đã vội vàng làm mẹ. Th. bỏ học để đi theo những đêm trăng sáng và tiếng gọi tình yêu, những tưởng sẽ được về nhà chồng…
Đứa con Th. vừa sinh ra được đặt tên là Ph. Người bạn trai đã cùng Th. đi sim (trai gái đi tìm hiểu nhau) những đêm trăng sáng cũng chỉ sinh năm 2009, tức là năm nay mới 15 tuổi. Nghiệt ngã thay, gia đình ông bố trẻ không chịu nhận cháu. Vì thế, Th. không thể về nhà “chồng” như bao đứa trẻ gái khác. Th. ở lại nhà bố mẹ đẻ. Đến cữ, anh X. đành dựng cho cháu một túp lều cạnh nhà, sinh xong 1 tháng thì mẹ con cháu Th. mới được lên ở nhà cùng bố mẹ đẻ.
“Hai vợ chồng đang đi làm thuê ở Bình Phước thì nghe tin cháu Th. có bầu nên bỏ về luôn để lo cho cháu. Giờ ba nó không chịu nhận thì mình phải nuôi thôi. Có gì ăn nấy chứ cũng không biết làm sao. Mình cũng nói với cháu là lấy chồng, có con sớm sẽ khổ nhưng cháu đang đi học ở ngoài thị trấn, quen bạn trai, có bầu nên phải nghỉ học giữa chừng”, chị P. gạt dòng nước mắt trên khuôn mặt khắc khổ, già nua.
Anh X., bố cháu Th. cũng “lấy vợ” khi mới 16 tuổi. Lúc đó, chị P., cũng có bầu. 4 năm sau ngày về ở với nhau, khi đã sinh được 3 mặt con, anh X., chị P. mới dắt nhau lên UBND xã làm đăng ký kết hôn và nhận con. Có lẽ, vết xe đổ ấy đã dẫn lối khiến một đứa trẻ đang tuổi ăn, tuổi học mò mẫm đi theo.
Chuyện có bầu rồi về ở với nhau, không thể đăng ký kết hôn vì chưa đủ tuổi ở các xã miền núi Đakrông, Hướng Hóa không hiếm. Cái nếp ấy đã ăn sâu vào tiềm thức của nhiều người dân đồng bào các dân tộc vùng cao tỉnh Quảng Trị không biết đến bao giờ mới có thể thay đổi.
Theo thống kê của UBND xã Ba Nang, từ năm 2021 đến nay, toàn xã có 19 trường hợp tảo hôn còn tại xã A Ngo là 28 trường hợp. Tất cả các trường hợp này, theo xác nhận của chính quyền địa phương, các cháu đều có bầu và về ở với nhau. Số trường hợp tảo hôn tăng, giảm không theo quy luật nhưng vẫn luôn tiềm ẩn nguy cơ diễn biến theo chiều hướng phức tạp. Điều đáng nói, đây chưa phải là số liệu điều tra khảo sát. Đa phần các địa phương chỉ thống kê được những trường hợp chưa đủ tuổi nhưng tổ chức cưới hỏi hoặc những trường hợp sinh con sau đó đến xã làm thủ tục khai sinh cho con.
“Đây chỉ là những trường hợp họ về sống với nhau mình phát hiện hoặc đi làm thủ tục khai sinh cho trẻ thì mình biết thôi. Có những trường hợp đi làm ăn xa, ở với nhau thì mình cũng không biết. Có những bé gái không thấy ở địa phương nữa, sau này mình mới biết là đã đi lấy chồng rồi”, bà Lê Thị Huỳnh, Phó Chủ tịch UBND xã A Ngo cho hay.
Nguồn: nongnghiep.vn