Chiếc cột và luật tục
Giữa một bãi cỏ rộng tại thôn A Đeng, xã A Ngo (huyện Đakrông, tỉnh Quảng Trị), 2 cột bằng gỗ tươi chắc chắn vừa được chôn thay những cột đã cũ. Dân làng đi qua, ai cũng phải nhìn vào để tự răn mình. Cột gỗ giữa sân làng là nơi tổ chức các hoạt động trong mùa lễ hội. Đây cũng là nơi buộc dê, lợn, gà trước khi làm lễ cúng phạt vạ những người lỡ phạm phải luật tục.
Đã nghèo còn thiếu may mắn, vừa đi nuôi lợn thuê tại tỉnh Bình Phước được vài tháng, vợ chồng anh X. đã phải tức tốc bỏ việc về vừa lo cho con gái Th., sinh năm 2007 ở cữ vừa để chịu làng phạt vạ. Cháu Th. có bầu khi còn đi học nhưng nhà trai không chịu nhận nên phải về nhà mẹ đẻ sinh con. Không thể bỏ con trong lúc vượt cạn, vợ chồng anh X. đành gạt nước mắt chịu phạt với làng.
Theo quy định của làng, vợ chồng anh phải ra sân làng cúng 1 con dê đực, 2 con lợn và 5 con gà. Sau lễ cúng phạt vạ, toàn bộ lễ vật sẽ được chia ngay tại sân làng cho mọi người cùng ăn uống. Ngoài ra, về nhà, vợ chồng anh X. còn phải cúng 1 con dê đực, 2 con lợn, 1 con gà để mời anh em trong gia đình đến ăn. Lễ vật cúng, rượu, thịt phải ăn đến hết. Nhưng sau khi chịu tội với làng, gia đình anh X. lại phải chạy ăn từng bữa và lâm vào cảnh nợ nần.
“Hai vợ chồng đi làm thuê ở Bình Phước được mỗi tháng 8 triệu đồng. Giờ về lo cho cháu sinh nở cũng đã hết tiền. Tiền mua lễ vật cúng phải đi vay. Nếu không cúng lễ vật, sau này có chuyện gì xẩy ra gia đình mình phải gánh chịu hết”, anh X., bố cháu Th. than thở.
Theo quan niệm của đồng bào dân tộc Pa Kô, con gái sinh nở nhà bố mẹ đẻ sẽ đem đến điều xui rủi cho gia đình, họ tộc cũng như dân làng. Vì vậy, theo quy định của làng, bố mẹ phải sắm lễ vật cúng tạ tội để xin được chở che, bao bọc, xua đuổi những điều xui rủi. Nếu không cúng lễ vật, khi trong làng, trong họ có người chết, người gặp rủi ro, mọi tội lỗi sẽ đổ lên đầu gia đình vi phạm luật tục.
Còn anh T., thôn A Đeng, dù gia cảnh nghèo khó, cái ăn còn phải chạy vạy từng bữa nhưng cũng đành đưa “con dâu” về sinh nở trong nhà: “Không cho chúng về ở với nhau, nếu chúng tự tử thì mình cũng mất con. Còn nếu để sinh con ở nhà bố mẹ đẻ thì nhà gái sẽ bị phạt dê, heo”, anh T. buồn bã.
Chuyện làng phạt vạ khi để con gái sinh nở trong nhà bố mẹ đẻ đã ăn sâu vào nhận thức và nếp sống của đồng bào và không dễ gì thay đổi. Chính điều này khiến cho nhiều gia đình đã nghèo khó càng trở nên bần cùng. Nhiều bé gái, vì không muốn bố mẹ bị phạt vạ đã phải theo về nhà bạn trai chờ ngày sinh nở và ở với nhau như vợ chồng.
Ngay chính ông Hồ Văn Pênh, công chức văn hóa xã A Ngo cũng bán tín bán nghi về những điều đang diễn ra tại địa phương. Với ông Pênh, nếu đã không xác định được đúng, sai thì trước nhất, đồng bào vẫn cứ phải tuân theo lệ làng.
Phép vua thua lệ làng
Thôn A Đeng những ngày mưa, đàn ông, phụ nữ, người già, trẻ em ôm gối nhìn ra phía cửa. Con đường bê tông xuyên qua giữa làng nhầy nhụa bùn đất lẫn với phân động vật. Cảnh làng đìu hiu với những căn nhà lụp xụp, cũ kỹ, nằm dưới mép đường, mái lợp bằng pro xi măng. Thi thoảng có một vài em gái địu con đi qua đi lại; một vài chiếc xe máy cà tàng tành tạch nổ máy lướt qua.
Những chiếc cột ở sân làng tồn tại từ năm này qua năm khác, luôn vững chãi như cây lim đại thụ giữa rừng già. Già làng cũng vậy, lời già làng nói ra như ngọn núi không thể dịch chuyển; như dòng suối chảy từ trên cao xuống dưới thấp. Già làng, người có uy tín, đại diện cho quyền lực thần bí, người đưa mọi ý nguyện, tâm nguyện của đồng bào đến với các vị thần linh. Già làng cũng truyền lại cho dân làng những gì thần linh ở trên cao muốn nói. Già làng là thủ lĩnh tinh thần, là linh hồn của bản làng. Ở A Đeng hay bất cứ một bản làng vùng cao nào cũng sẽ có những già làng như vậy.
Già làng Hồ Văn Xiêr là người có uy tín của thôn A Đeng (xã A Ngo). Già Xiêr cũng đã đi qua 90 mùa lúa rẫy; từng cầm súng chiến đấu, vào sinh ra tử trong chiến tranh chống Mỹ và có nhiều năm là cán bộ xã. Lời già làng Xiêr vẫn sang sảng, nói ra chắc như đinh đóng cột. Lời hiệu triệu của già Xiêr ai cũng phải nghe theo. Con người của rừng núi, của bản làng ấy vẫn mang trong mình những quan niệm, luật tục từ thời xưa cũ.
Suy ngẫm chuyện làng, chuyện bản từ xa xưa, nghĩ về cuộc sống dân bản, già Xiêr cũng cho rằng, lấy chồng, lấy vợ sớm là khổ; lũ trẻ về ở với nhau là không đúng và cần thay đổi. Nhưng bố mẹ chúng và cả làng A Đeng cũng không thể ngăn chúng ở với nhau khi chúng lỡ có bầu. Ngăn thì chúng sẽ tự tử mà chết.
Với già Xiêr, điều bất di bất dịch, theo “lệ làng”, nếu con gái sinh con tại nhà mẹ đẻ là vi phạm và phải làm lễ cúng rồi mời cả làng ăn. Nhiều gia đình, vì sợ lệ làng đã tìm mọi cách đưa con gái, dù chưa đến tuổi về nhà chồng sinh nở.
“Không cúng là không được! Khi trong làng, trong họ có người đau ốm, chết chóc thì hồn ma sẽ vào trong nhà đó đòi. Chưa đến tuổi thì vẫn phải về nhà chồng sinh đẻ; sinh đẻ ở nhà bố mẹ là phải cúng lễ vật. Phạt, cúng là theo phong tục của đồng bào”, già làng Xiêr nói chắc như cây cột gỗ chôn giữa sân làng A Đeng.
Những người đi đây đi đó nhiều, trở về làng cũng muốn thoát ra khỏi thế giới luật tục. Nhiều cháu gái đã dám theo đuổi ước mơ dù biết, con đường phía trước không dễ dàng gì. Nhưng có lẽ, chừng đó là chưa đủ để làm thay đổi những lối mòn trong suy nghĩ của đồng bào.
Bà Lê Thị Huỳnh, Phó Chủ tịch UBND xã A Ngo cho biết, con gái bà sau khi tốt nghiệp đại học đã lập gia đình. Đến lúc sinh nở, bà đưa về nhà mình chăm sóc. Và chính bà, người đại diện cho hệ thống chính quyền nhưng cũng phải cúi đầu trước luật tục. Đưa con gái về nhà mình sinh nở, bà Huỳnh vẫn phải theo lệ làng, làm lễ cúng bái, tạ tội; cúng trong họ mời người thân đến ăn.
Theo bà Huỳnh, ngăn chặn tảo hôn là công việc hết sức khó khăn; là nhiệm vụ của toàn xã hội và không phải là câu chuyện một sớm một chiều có thể thay đổi. Còn chuyện sinh con ở nhà mẹ đẻ, từ xa xưa đã là vi phạm vào quy định của làng, đến nay chưa thể thay đổi được. Vì vậy, hễ ai cho con gái sinh nở tại nhà mình thì đều phải chịu phạt vạ và gia đình bà cũng không phải là ngoại lệ.
Nguồn: nongnghiep.vn