Ông bố già ngăn con gái đi sim
Mấy ngày nay, đường vào thôn Thanh Ô, xã Thanh (huyện Hướng Hóa, tỉnh Quảng Trị) ồn ã hẳn lên. Đêm đêm, lũ thanh niên mậm rảnh rỗi chạy xe máy, rồ ga quanh làng. Tiếng chó sủa đến khuya, tiếng bọn trẻ cười nói ồn ào lọt qua khe ván gỗ vào những căn nhà sàn bên đường khiến người già, trẻ nhỏ, đàn ông, đàn bà không thể chợp mắt.
Đêm đến, khi đèn điện trong các ngôi nhà sàn đã tắt, Minh, sinh năm 2011, đang là học sinh lớp 8, con út ông Cuôi (tên nhân vật đã được thay đổi) thấp thỏm đi ra đi vào. Thấy căn nhà đã im ắng, Minh lẻn xuống dưới chân nhà sàn, lấy xe máy toan đi theo lũ bạn. Nhưng vành trước của chiếc xe máy đã được ai đó dùng dây xích khóa vào cột nhà. Tức tối, Minh dẫm chân thình thịch lên ván gỗ nhà sàn khiến vợ chồng ông Cuôi cũng không thể nằm yên.
Đã mấy ngày nay, Minh nghỉ học ở trường, theo lũ bạn, chạy xe máy lên tận thị trấn Lao Bảo (huyện Hướng Hóa) cách đó vài chục km đến tối mịt mới về. Ông Cuôi khẳng định, nó bỏ học, đi sim với lũ bạn và muốn lấy chồng.
“Có hôm, bố đi làm rẫy, nó gọi người ship xăng đến, đổ vào xe máy rồi đi với lũ bạn. Nó không có tiền trả, người ta đến đòi, bố phải trả cho nó”, ông Cuôi nói trong uất ức.
Ông Cuôi lấy vợ khi mới 16 tuổi. Vợ ông lúc đó cũng mới 15 tuổi. Hai vợ chồng ông cũng buôn bán, đi đây đi đó nhiều nên suy nghĩ có phần mới mẻ. Ông bà cảm nhận được cuộc sống khổ cực khi bước vào cuộc hôn nhân quá sớm nên các con của ông bà đều đủ tuổi mới cưới vợ gả chồng. Nhưng ông lo nhất là đứa con gái út. Cái thôn Thanh Ô này, bọn trẻ chưa đủ tuổi kết hôn về ở với nhau không hiếm. Chúng đều nghèo khổ, gia đình cũng nghèo khổ. Ông sợ một ngày, đứa con gái út của ông cũng dẫm phải những bước chân ấy.
“Bố muốn cho nó đi học hết rồi mới lấy chồng. Lấy chồng sớm cực hung (cực lắm). Vì thế, bố khóa xe máy lại. Nếu chịu đi học thì bố mới mở cho đi”, ông Cuôi buồn bã.
Ở xã Thanh, không chỉ có người có quốc tịch Việt Nam tảo hôn mà còn có cả người Lào chưa đủ tuổi lấy chồng người Việt. Ch., sinh ra tại bản Ka Túp 2, huyện Sepon, tỉnh Savannakhet (Lào) dù mới 20 tuổi nhưng đã về làm dâu tại thôn Thanh 1 được 4 năm. L., chồng của Ch. năm nay cũng chỉ mới 23 tuổi. Hai vợ chồng đã có với nhau 1 mặt con 3 tuổi. Chúng, đứa không đi học, đứa bỏ học sớm, quen nhau qua mạng rồi về ở với nhau. Nhưng vì chưa đủ tuổi, hai đứa không thể làm thủ tục kết hôn. Lúc lên ủy ban xã Thanh đăng ký kết hôn chúng mới vỡ lẽ, Ch. không có quốc tịch Việt Nam nên không thể làm thủ tục kết hôn với L. được.
Ông Hồ Văn Bồng, Phó Chủ tịch UBND xã Thanh cho biết, 62 cô gái quốc tịch Lào lấy chồng về xã Thanh, tất cả đều chỉ ở với nhau như vợ chồng, sinh con, đẻ cái mà không thể đăng ký kết hôn vì còn vướng các thủ tục. Trong giấy khai sinh con cái của họ chỉ ghi mỗi tên người bố. Còn người mẹ dù vẫn hiện diện nhưng gần như không được thừa nhận.
“Người mẹ không có quốc tịch Việt Nam, không được đăng ký kết hôn và dù là đồng bào dân tộc, sống tại xã đặc biệt khó khăn nhưng sẽ không được hưởng các chế độ ưu đãi của Nhà nước”, ông Bồng cho hay.
Rình rang đám cưới bản nghèo
Cấm cản mãi không được, sợ chúng nó kéo nhau vào rừng tự tử, vợ chồng chị R. (sinh năm 1982), Đ. (sinh năm 1981) tại thôn Thanh Ô đành chọn một ngày cuối tháng 4/2024 để tổ chức đám cưới cho con trai D. (sinh năm 2005) và cô gái X. (sinh năm 2008). Thời điểm làm lễ cưới, D. mới 19 tuổi còn X. vừa bước vào tuôi 16. D. đã nghỉ học đi làm thuê còn X. bỏ học giữa chừng để đi lấy chồng.
Mấy năm trước, vợ chồng chị R. đã vay 50 triệu đồng nguồn vốn ưu đãi của ngân hàng để mua bò về chăn nuôi phát triển kinh tế. Đến nay, đàn bò đã phát triển thành 5 con. Dự định hai năm nữa, khi đáo hạn ngân hàng, vợ chồng chị R. sẽ bán 3 con bò để trả nợ. Số bò còn lại sẽ sinh sôi, phát triển và tạo sinh kế bền vững cho gia đình chị. Thế nhưng, để làm đám cưới cho con, chị R. đành ngậm ngùi bán đi 3 con bò. Số tiền bán bò, gia đình chị R. bỏ vào tiền thách cưới, đặt mâm bàn, thuê phông rạp, loa đài…
Ngày cưới D. và X., chị R. tổ chức linh đình 20 mâm cỗ ngay giữa sân làng. Vợ chồng chị R. gửi giấy mời nhưng trưởng thôn ngại không đến dự. Còn anh em, làng xóm đều đến dự đông đủ để chúc phúc cho 2 đứa trẻ.
Nhưng sau đám cưới của D và X. ít ngày, vợ chồng chị R. nhận được quyết định xử phạt hành chính của UBND xã Thanh và phải kéo nhau lên xã nộp phạt.
“Cũng nói với chúng là lấy chồng lấy vợ muộn thôi để khỏi chịu khổ; thầy cô giáo cũng động viên nhưng chúng không nghe. Ngăn cản không được, vợ chồng tôi đành chiều ý con và chấp nhận chịu nộp phạt cho ủy ban xã”, chị R. chua xót.
Sau ngày tổ chức đám cưới, D. đi làm thuê nhưng bữa đực bữa cái. Còn X. chỉ suốt ngày quanh quẩn ở nhà, đến bữa thì vào bếp học nấu ăn. Thấy khách lạ, cô gái vừa đến độ trăng tròn e thẹn rồi chạy ra phía sau khoảnh sân đất chơi với mấy đứa trẻ.
Ch., sinh năm 2004, quốc tịch Lào và L., sinh năm 2001 tại thôn Thanh 1 cũng về ở với nhau khi chưa đủ tuổi kết hôn. Để ra mắt họ hàng làng xóm, bố mẹ L. cũng bàn soạn 20 mâm cỗ. Thanh niên, người già, người trẻ, nam nữ tập trung ăn uống, hò hát linh đình suốt mấy ngày liền. Sau đám cưới, chồng đi làm thuê ở tận miền Nam, một mình Ch. suốt ngày đi vào đi ra chăm con trong ngôi nhà sàn lạnh lẽo.
Ông Hồ Văn Bồng, Phó Chủ tịch UBND xã Thanh cho hay, tính từ năm 2022 đến cuối tháng 9/2024, thông qua các ban ngành đoàn thể, quản lý thôn bản, UBND xã Thanh ghi nhận 46 trường hợp tảo hôn. Đây là những trường hợp các gia đình tổ chức lễ cưới nhưng chưa đăng ký kết hôn vì chưa đủ tuổi. Đa phần các cháu đều ở độ tuổi 16-17, bỏ học giữa chừng để lấy chồng lấy vợ.
“Ở đây, dù không có bầu nhưng khi đã ưng nhau là tổ chức mâm cỗ và về ở với nhau như vợ chồng. Khi xã biết thì đã muộn và phải ra quyết định xử phạt. Người Bru Vân Kiều ở đây không phạt vạ nếu sinh đẻ ở nhà mẹ đẻ nhưng trai gái đã ưng nhau là bỏ học, tổ chức đám cưới rồi về ở với nhau. Chúng tôi đã xử phạt nhiều trường hợp tại địa phương”, ông Bồng chia sẻ.
Đại diện xã Thanh cũng cho biết, dù đã có rất nhiều biện pháp, kể cả biện pháp cứng rắn, tuyên truyền nhưng tình trạng tảo hôn không năm nào không xẩy ra.
Nguồn: nongnghiep.vn