Thu nhập 300 – 400 triệu đồng/ha
Quê gốc của ông Thơ là làng Luận Văn (xã Thọ Xương, Thọ Xuân, Thanh Hóa) – nơi phát tích giống bưởi tiến vua (còn gọi là bưởi Luận Văn). Mấy chục năm trước, gia đình ông Thơ chuyển lên vùng đồi Xuân Tân (xã Xuân Bái, huyện Thọ Xuân) để lập nghiệp. Ban đầu trên diện tích hơn 1ha, ông Thơ trồng mía, sắn nhưng đều không mang lại hiệu quả nên chuyển hẳn sang cây bưởi cách đây vài năm.
Gia đình ông Thơ sở hữu 2 gốc bưởi đầu dòng mà tổ tiên để lại, mỗi năm cho vài trăm quả. Từ giống thuần bản địa, đến nay ông Thơ đã nhân lên gần 500 gốc. Gần chục năm nay, gia đình ông Thơ sống bằng nghề trồng bưởi. Mọi chi phí sinh hoạt hằng ngày đến chuyện học hành của con cái đều nhờ vào vườn bưởi.
Trung bình mỗi năm, vườn bưởi của gia đình ông Thơ cho khoảng 7.000 quả, bao gồm bưởi loại 1 và loại 2. Với giá 70.000 đồng/quả (bưởi loại 1), sau khi trừ chi phí, ông Thơ bỏ túi hơn 300 triệu đồng mỗi năm.
Theo ông Thơ, bưởi Luận Văn có đặc điểm quả to, tròn đều, khi chín quả bưởi chuyển dần từ màu vàng sang màu đỏ gấc. Vỏ, cùi, múi có màu đỏ rất đẹp mắt, múi bưởi đỏ hồng, mọng nước, chua thanh, hương thơm đặc trưng.
Bởi vậy, bưởi Luận Văn được người dân xem là biểu tượng của sự may mắn, tài lộc. Ngoài giá trị thuần túy là loại trái cây ngon, giống bưởi này còn có giá trị văn hóa, tâm linh, thường sử dụng để bày biện vào dịp Tết nên được người dân và thương lái rất ưa chuộng. Vườn bưởi của gia đình ông Thơ được thương lái hợp đồng từ đầu vụ nên không lo đầu ra.
Không chỉ riêng gia đình ông Thơ, bưởi Luận Văn đã và đang góp phần nâng cao đời sống người dân tại nhiều xã trong huyện Thọ Xuân bởi hiệu quả cao hơn hẳn các cây trồng khác.
Một trong những yếu tố tạo nên chất lượng đặc biệt của bưởi Luận Văn là do điều kiện thổ nhưỡng. Đất của vùng trồng bưởi này chủ yếu là đất đỏ vàng trên đá sét và đá phong hóa hoặc đất phù sa đỏ vàng, tầng đất mặt dày trên 30cm, tơi xốp và ẩm. Nếu trồng bưởi Luận Văn ở các địa phương khác thì hiệu quả sẽ không cao.
Không chỉ riêng gia đình ông Thơ, tại xã Xuân Bái, Thọ Xương, thị trấn Lam Sơn (huyện Thọ Xuân) đã có hàng trăm hộ dân trồng bưởi Luận Văn. Bưởi Luận Văn đã và đang góp phần nâng cao thu nhập cho người dân. Trung bình 1ha trồng được 300 – 350 gốc bưởi, mỗi gốc có 40 – 50 quả với giá trung bình từ 70.000 – 80.000 đồng/quả (bán tại vườn). Sau khi trừ chi phí, nông dân thu nhập trung bình từ 300 – 400 triệu đồng/ha/năm.
“Nói không” với phân, thuốc hóa học
Vườn bưởi Luận Văn của gia đình ông Thơ là mô hình tiên phong trong sản xuất nông nghiệp hữu cơ tại địa phương. Nói về ý tưởng này, ông Thơ cho biết: “Nhiều nhà vườn thường lạm dụng phân bón hóa học nên cây dễ mắc bệnh vàng lá, thối rễ, đất nhanh bạc màu và mất khá nhiều công cải tạo.
Đặc biệt, việc sử dụng nhiều phân bón và thuốc BVTV hóa học sẽ khiến quả bưởi bị nứt cuống, dễ hỏng, giảm khả năng cạnh tranh trên thị trường. Nếu chạy theo lợi nhuận mà không chú trọng tới sức khỏe người tiêu dùng, môi trường sống thì trồng bưởi khó bền vững. Trong khi đó, bưởi hữu cơ được thương lái rất ưa chuộng, giá bán cao, không lo đầu ra”.
Theo ông Thơ, bưởi Luận Văn là giống quý nên quy trình chăm sóc bưởi phải rất chặt chẽ và tỉ mỉ. “Khi cây ra đợt đọt non và đậu quả phải sử dụng các chế phẩm sinh học để phòng ngừa và tiêu diệt sâu bệnh. Thời điểm quả bưởi to bằng cái chén phải bọc ngay bằng túi bọc để hạn chế côn trùng chích hút, gây hại. Việc bảo vệ bưởi từ khi quả non đến khi thu hoạch giúp hạn chế tác động của thời tiết bất lợi ảnh hưởng đến chất lượng quả”, ông Thơ chia sẻ.
Cũng theo chủ vườn, đối với những quả bưởi không đạt chất lượng, gia đình ông hái và vun vào gốc để bổ sung chất hữu cơ. Đồng thời trong quá trình chăm sóc, ông Thơ bón đúng, bón đủ hàm lượng phân sinh học để cây phát triển, nuôi quả. Bên cạnh đó, chủ vườn thu gom chất thải từ trâu, bò trong xóm ủ hoai để bón cho cây sau mỗi vụ thu hoạch.
Những năm gần đây, ông Thơ còn tìm tòi, đưa cây dược liệu trồng dưới tán bưởi (cây đinh lăng, sả, gừng…). Bên cạnh đó, chủ vườn còn nuôi hơn 100 đàn ong lấy mật dưới tán vườn bưởi. Việc trồng xen các cây trồng trong vườn bưởi giúp giữ ẩm cho vườn tốt hơn trong những ngày nắng hạn.
Ông Thơ cho biết, mỗi năm gia đình ông thu nhập khoảng 100 triệu đồng từ tiền bán mật ong và cây dược liệu. Việc nuôi ong mật dưới tán rừng còn giúp cây bưởi thụ phấn tốt hơn, tăng khả năng đậu quả.
Cải tạo, phục tráng bưởi Luận Văn
Theo UBND huyện Thọ Xuân, do canh tác lâu năm, điều kiện chăm sóc, bảo tồn giống bưởi Luận Văn không tốt nên có thời điểm giống bưởi này bị mai một. Giai đoạn trước năm 2002, phần lớn diện tích bưởi tại địa phương đã bị người dân phá bỏ để sản xuất những loại cây trồng có giá trị kinh tế cao hơn.
Trước nguy cơ mất đi giống cây trồng bản địa hội tụ nhiều nét văn hóa, tâm linh của địa phương, từ năm 2003, UBND huyện Thọ Xuân đã phối hợp với Viện Khoa học Nông nghiệp Việt Nam triển khai đánh giá chất lượng bưởi Luận Văn để công nhận đây là giống cây ăn quả đặc sản, mang nét đặc trưng của vùng đất Thọ Xương, huyện Thọ Xuân. Bên cạnh đó, huyện Thọ Xuân đã tuyên truyền, vận động một số hộ nông dân có kinh nghiệm tham gia dự án bảo tồn và phát triển bưởi Luận Văn, đồng thời hỗ trợ về cây giống, phân bón, chuyển giao khoa học – kỹ thuật, tạo điều kiện về đất đai, mở rộng vùng trồng.
Đến nay, toàn huyện đã trồng hơn 56ha bưởi Luận Văn, tập trung chủ yếu tại các xã Thọ Xương (35ha), Xuân Bái (20ha), thị trấn Lam Sơn (1,2ha) với khoảng 500 hộ trồng.
Năm 2020, sản phẩm bưởi Luận Văn đã được công nhận là sản phẩm OCOP 4 sao. Sản phẩm bưởi Luận Văn đã có mặt tại nhiều thị trường trong và ngoài tỉnh, nhất là các trung tâm thương mại lớn tại Hà Nội, TP.HCM.
Tuy nhiên, hạn chế trong phát triển thị trường của bưởi Luận Văn hiện nay là cung không đủ cầu. Mẫu mã bưởi Luận Văn chưa đa dạng, chưa hấp dẫn người mua.
Để phát triển sản phẩm bưởi Luận Văn, Sở NN-PTNT đã trình UBND tỉnh Thanh Hóa phê duyệt Đề án “Cải tạo và phát triển giống bưởi Luận Văn đặc sản tại huyện Thọ Xuân, tỉnh Thanh Hóa đến năm 2030, định hướng đến năm 2040”. Đây là tiền đề để duy trì và phát triển bưởi Luận Văn góp phần phát triển kinh tế – xã hội, xóa đói giảm nghèo, nâng cao thu nhập cho người dân trên địa bàn huyện Thọ Xuân.
Nguồn: nongnghiep.vn